‘Thu phí ô tô vào nội đô không khiến giảm, thậm chí còn làm tăng ùn tắc giao thông’
TS Khương Kim Tạo cho rằng, thu phí ô tô vào nội đô không khiến giảm, thậm chí còn làm tăng ùn tắc giao thông, vì vậy “cần suy nghĩ lại, không nên quẩn quanh”.
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội trình UBND thành phố kế hoạch thu phí phương tiện cơ giới, chủ yếu là ô tô vào một số khu vực nội đô nhằm giảm ùn tắc. Phương án này ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận và các chuyên gia.
Ngày 25/7, trả lời VTC News, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, đây là giải pháp không khả thi, thậm chí sẽ khiến giao thông Thủ đô càng trở nên hỗn loạn.
Theo TS Khương Kim Tạo, vấn đề thu phí xe cơ giới vào nội đô được đề xuất nhiều lần và nhiều lần dừng lại, điều đó thể hiện sự bế tắc trong công tác quản lý giao thông để giải quyết vấn nạn ùn tắc của thành phố.
Ông Tạo chỉ ra một số bất cập, chưa hợp lý của việc TP dự thảo thu phí phương tiện cơ giới vào nội đô.
“Thứ nhất, thu phí không dừng thì giải pháp đối với các xe ngoại tỉnh có nhu cầu vào nội đô TP Hà Nội như thế nào bởi không phải ngày nào ô tô ngoại tỉnh họ cũng vào thành phố, thậm chí mỗi năm họ chỉ vào một đến hai lần.
Thứ hai, giải pháp này không giảm được ùn tắc giao thông, thậm chí còn làm tăng ùn tắc giao thông. Vào giờ đi làm, muốn hay không thì người dân vẫn phải đi, không đi ô tô cá nhân thì họ sẽ đi ô tô taxi, xe máy…
Nếu làm điểm thu phí tư động vào nội đô tại một số tuyến phố chính thì người tham gia giao thông sẽ tìm cách đi vào những đường nhánh, khi đó ùn tắc gia tăng ở những tuyến đường này”, ông Khương Kim Tạo nói và cho rằng đây là giải pháp không hiệu quả, không đúng thời điểm của TP Hà Nội.
Việc thu phí ô tô vào nội đô không giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông của TP Hà Nội hiện nay, đây là vấn đề chúng ta cần suy nghĩ lại, không nên quẩn quanh.
TS Khương Kim Tạo
Khi thành phố lập điểm thu phí xe cơ giới vào nội đô thì người dân sẽ phải sử dụng xe máy, lượng xe máy sẽ tăng. Vì vậy, chương trình hạn chế xe máy ở các thành phố sẽ khó khăn.
“Hơn nữa, giải pháp này liệu có giải quyết được sự bình đẳng, tiện lợi cho nhân dân. Đối với những người sống lân cận vành đai thu phí, hàng ngày họ phải di chuyển qua lại hai bên thế thì thu phí họ thế nào? Nếu miễn phí cho họ thì khoảng cách nào sẽ được miễn. Tất cả những yếu tố đó đều phải làm rõ”, TS Khương Kim Tạo cho hay.
Thêm vào đó, nguyên Phó Chánh văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, nếu triển khai giải pháp thu phí phương tiện cơ giới vào nội đô sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
“Dưới góc độ nghiên cứu, ùn tắc giao thông diễn ra trên toàn thành phố chứ không chỉ mỗi các quận trung tâm. Cho nên việc thu phí xe cơ giới vào một khu nào đó sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, người nào đi làm trong nội đô thì mất tiền, người làm ngoài nội đô thì không phải trả tiền.
Ví dụ, cùng một cán bộ, anh làm ở Bộ GTVT – ở trong nội đô thì phải mất tiền, còn anh làm ở Bộ KH&CN ở trên đường Trần Duy Hưng thì phải trả tiền phí để đến cơ quan làm việc. Như vậy, cùng là cán bộ, tự nhiên phải bỏ tiền túi ra để giải quyết việc đi đường trong khi đó lương thì vẫn vậy”, ông Khương Kim Tạo phân tích.
Trên cơ sở phân tích, chỉ ra những bất cập của giải pháp thu phí phương tiện cơ giới vào nội đô của TP Hà Nội, ông Khương Kim Tạo cho rằng, muốn giảm ùn tắc giao thông, TP Hà Nội phải xuất phát từ gốc rễ vấn đề, đề xuất giải pháp phải gắn với thực tế.
Video: TP.HCM thu phí ô tô vào nội đô, người dân nói gì?
“Đầu tiên là giải quyết vấn đề lòng đường, vỉa hè. Bây giờ cường độ đi lại nhiều, năng lực thông hành yếu, người muốn đi vào trung tâm nhiều quá thì sử dụng giải pháp không cho đỗ xe trên lòng đường, vỉa hè nữa. Làm như thế thì người bán hàng ở trong nội đô sẽ hướng ra kinh doanh bên ngoài nội đô, người mua sẽ không vào trung tâm nữa vì không có chỗ đỗ xe.
Tiếp đến cần có giải pháp giải quyết quy hoạch chung, các yếu tố liên quan đến dịch vụ cho tốt. Ví dụ như bệnh viện, trường học, cơ quan Nhà nước… nếu cần thiết có thể chuyển ra ngoài thành phố thì nhanh chóng chuyển. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hạ tầng, xây cầu vượt nâng cao thông hành, phát triển phương tiện công cộng hợp lý.
Làm được những những nội dung đó thì tự nhiên mọi thứ sẽ trở nên hài hòa. Còn vấn đề thu phí này không giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông của TP Hà Nội hiện nay. Đây là vấn đề chúng ta cần suy nghĩ lại, không nên quẩn quanh”, chuyên gia chia sẻ.
Để từng bước thực hiện các giải pháp hạn chế xe cá nhân vào trong khu vực nội đô, Sở GTVT Hà Nội xây dựng phương án thu phí phương tiện cơ giới, chủ yếu là ô tô vào một số khu vực nội đô nhằm giảm ùn tắc. Khu vực đầu tiên được Sở GTVT đề xuất xác định để phân vùng cho xe ô tô vào sẽ phải đóng phí là từ vành đai 3 trở vào.
Về hình thức thu phí, thành phố sẽ lập trạm thu phí tự động tại khu vực Vành đai 3.
“Đây là phương án thu phí hiện đại đang được các thành phố phát triển trên thế giới áp dụng, phương án thu phí (trừ tiền) tự động này sẽ không gây ảnh hưởng đến hoạt động của phương tiện và cũng không gây ùn ứ giao thông trên đường”, đại diện Sở GTVT Hà Nội thông tin.
Khi thực hiện phương án trên, chính quyền thành phố cũng yêu cầu tất cả chủ phương tiện ô tô mở tài khoản ngân hàng và trang bị thiết bị thu phát tín hiệu tự động để các trạm thu phí tự nhận biết, trừ tiền; cùng với đó là cơ quan chức năng có cơ sở xử phạt “nguội” khi ô tô đi vào nội đô vi phạm các lỗi như dừng đỗ không đúng quy định, chạy sai làn, lấn làn, vượt đèn đỏ…
“Tất cả đều được thông báo bằng văn bản điện tử và bị trừ tiền tự động trong tài khoản của ô tô vi phạm”, đại diện Sở GTVT nhấn mạnh.
(Theo VTC News)