+
Aa
-
like
comment

Thủ phạm khiến cuộc chiến chống biến thể Omicron toàn cầu thêm khó khăn

01/12/2021 06:01

Cho đến nay, thế giới biết rất ít về Omicron, ngoài việc biến thể này sở hữu lượng đột biến cao hơn bất kỳ biến thể nào khác của virus SARS-CoV-2, từng được nhận diện trước đây. 

Dự kiến ít nhất phải vài tuần nữa, các nhà nghiên cứu mới có thể xác định liệu biến thể mới có dễ lây lan hơn hoặc khiến bệnh trở nặng hơn so với biến thể Delta đang thống trị toàn cầu hay không và cách nó phản ứng với các vắc xin hiện hành.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo biến thể Omicron có nguy cơ bùng phát “rất cao” trên toàn cầu, có thể gây “những hậu quả nghiêm trọng” ở một số khu vực. Song, cơ quan này cũng thừa nhận hiện chưa có bằng chứng khoa học về việc Omicron nguy hiểm hơn Delta. WHO đồng thời khuyến khích các quốc gia duy trì mở cửa biên giới để tránh “gánh nặng lên cuộc sống và sinh kế của người dân”.

Tuy nhiên, theo báo New York Times, các chính phủ một lần nữa đã chọn cách ứng phó khác nhau giữa các lục địa, giữa các quốc gia láng giềng và thậm chí giữa các thành phố trong cùng một quốc gia.

Tại châu Âu, hàng loạt nước đã kích hoạt báo động và nhanh chóng áp đặt hạn chế chuyến bay, nhập cảnh từ Nam Phi và một số nước châu Phi láng giềng. Các chính phủ cũng bắt đầu tăng tốc tiêm mũi vắc xin tăng cường cho dân với hy vọng việc này sẽ giúp ngăn chặn hiệu quả Omicron, đồng thời điều chỉnh hoặc tái xem xét triển khai các biện pháp giãn cách xã hội, ngay cả ở những nước phản đối áp hạn chế như Anh.

Tại Mỹ, ngoài thông báo tạm cấm nhập cảnh với hành khách đến từ 8 quốc gia châu Phi, giới chức liên bang đầu tuần này kêu gọi những người đã hoàn thành chủng ngừa Covid-19 tiêm nhắc lại. Tổng thống Joe Biden tìm cách trấn an người Mỹ rằng, biến thể mới là “đáng lo ngại, nhưng không phải nguyên nhân gây hoảng sợ” và rằng chính quyền của ông đã làm việc với các nhà sản xuất vắc xin để điều chỉnh sản phẩm nhằm ứng phó tốt hơn trước virus.

“Chúng tôi đang ném tất cả những gì có trong tay vào loại virus này, theo dõi nó từ mọi góc độ”, lãnh đạo Nhà Trắng quả quyết.

Ở miền nam châu Phi, nơi các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện Omicron trong bối cảnh phần lớn dân số chưa được chủng ngừa, các nhà lãnh đạo lên án lệnh cấm đi lại là “không công bằng”, phản tác dụng và gây hại cho quá trình giám sát virus cũng như ngăn cản sự minh bạch về dịch bùng phát. Giới chức châu Phi cũng quả quyết, do sự không công bằng trong phân phối vắc xin, lục địa đen đang phải đối mặt với biến thể mới với rất ít công cụ bảo vệ.

Khi các nguồn cung vắc xin đến châu Phi dần tăng lên, một số nước trong khu vực đã ra lệnh tiêm chủng bắt buộc để ngăn chặn sự lây lan của mầm bệnh nguy hiểm. Hôm 28/11, Chính phủ Ghana thông báo, nhân viên chính phủ, nhân viên y tế, giáo viên và học sinh tại hầu hết các trường phải được chủng ngừa trước ngày 22/1.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, nước duy nhất còn theo đuổi chiến lược “Không Covid”, tờ Thời báo Hoàn cầu, ấn phẩm của Nhân dân nhật báo, đăng tải các bài viết tự hào về thành công của đại lục trong việc chặn đựng sự lây lan của virus, đồng thời đề cập đến việc Nhật, Australia và một số nước khác phải tạm hoãn kế hoạch khôi phục mọi hoạt động như bình thường và tái đóng cửa biên giới trước nguy cơ bùng phát biến thể Omicron.

Thủ phạm cản trở cuộc chiến chống biến thể Omicron toàn cầu

Theo một số nhà phân tích, điều này ám chỉ, sau 2 năm hứng chịu Covid-19 với hơn 260 triệu người nhiễm virus, trên 5 triệu bệnh nhân tử vong, các nền kinh tế quốc gia bị hủy hoại và hàng triệu trẻ em phải dừng đến trường, nhân loại vẫn chưa có một kế hoạch toàn cầu nhằm thoát khỏi đại dịch.

Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, sự đổ lỗi, tình trạng thiếu phối hợp hành động, thiếu thông tin và sự hoảng sợ tái diễn đang gây hại cuộc chiến chống biến thể Omicron của thế giới.

Sự khác biệt trong quan điểm, chính sách và cách đối phó virus giữa các quốc gia khiến nhiều chuyên gia y tế lo ngại. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo: “Việc thiếu một cách tiếp cận toàn cầu nhất quán và chặt chẽ đã dẫn đến phản ứng rời rạc và thiếu đồng bộ, tạo ra hiểu lầm, thông tin sai lệch và sự ngờ vực”.

Ông Ghebreyesus và các chuyên gia khác nhấn mạnh, không một quốc gia nào an toàn khi tỷ lệ chủng ngừa ở nhiều nơi còn thấp, đặc biệt tại những quốc gia đang phát triển và thu nhập thấp. Dịch càng kéo dài, virus càng có cơ hội sinh sôi, phát triển và biến đổi thành những biến chủng nguy hiểm hơn, có khả năng kháng vắc xin, đe dọa tiến trình hồi phục sang “bình thường mới” của thế giới.

Trong khuyến cáo gửi tới 194 nước thành viên hôm 29/11, WHO kêu gọi toàn thế giới đẩy mạnh chủng ngừa cho các nhóm có nguy cơ cao và “đảm bảo có sẵn các kế hoạch ứng phó nhằm duy trì các dịch vụ y tế thiết yếu”.

Dư luận đang chờ đợi tín hiệu tích cực khi trong những phát biểu mới nhất, các lãnh đạo thế giới khẳng định họ đã hiểu rõ vấn đề. Tại hội nghị trực tuyến do Senegal chủ trì, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa sẽ cung cấp 1 tỷ liều vắc xin cho châu Phi, ngoài gần 200 triệu liều mà Bắc Kinh đã bàn giao cho châu lục.

Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố, Washington đã viện trợ vắc xin cho nước ngoài nhiều hơn mọi quốc gia khác cộng gộp, đồng thời kêu gọi phần còn lại của thế giới chung tay thúc đẩy hành động. Lời kêu gọi của ông chủ Nhà Trắng đã nhận được sự tán đồng của các lãnh đạo châu Âu.

Tuấn Anh

Bài mới
Đọc nhiều