Thu nhập khó khăn vì Covid-19, giá xăng, gas, rau củ cũng tăng theo
Trong khi thu nhập chung bị ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19, giá rau xanh tại chợ truyền thống tăng vọt, bên cạnh giá gas, xăng cũng đua nhau leo thang khiến nhiều người rơi vào cảnh khó khăn.
Nhiều bà nội trợ, công nhân, người lao động phổ thông tại TP.HCM đang đau đầu vì trong lúc thu nhập gặp khó khăn bởi Covid-19 thì một loạt mặt hàng thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày như xăng, gas, rau củ quả… đều tăng giá.
Mua vài kg rau bằng giá thịt heo
Giá rau xanh tăng vọt là câu chuyện được nhiều bà nội trợ tại TP.HCM bàn tán gần đây, khi việc mua rau củ quả trở nên khó hơn trong lúc các chợ tạm không họp, nhiều chợ truyền thống đang tạm ngưng hoạt động và họ chưa quen với việc vào siêu thị hay các cửa hàng thực phẩm phải khai báo y tế.
Bà Thanh Hương (quận Bình Thạnh) lắc đầu cho biết, một phần chợ Bà Chiểu đang tạm ngưng hoạt động, nên số lượng người bán rau củ quả không nhiều, hàng cũng không đa dạng và dồi dào như trước.
“Chưa kể, mua rau mà đụng tới là phỏng tay. Trước đây, rau củ quả thường không tốn bao nhiêu, nhưng giờ mua vài kg rau củ quả các loại để ăn trong 2-3 ngày, nhiều khi đắt hơn cả thịt heo”, bà than.
Tại chợ Bà Chiểu và nhiều chợ truyền thống khác như Đa Kao, Tân Định, Thị Nghè…, giá rau xanh phổ biến ở mức 30.000 đồng/kg, bầu, bí, dưa leo 30.000 – 35.000 đồng/kg, khổ qua 40.000 – 45.000 đồng/kg; bông cải, đậu que 45.000 – 50.000 đồng/kg.
Với mức giá tăng từ 10.000 – 15.000 đồng/kg, giá rau xanh tưởng chừng ít được quan tâm nhưng đang trở thành một phần gánh nặng trong bài toán chi tiêu hàng ngày của các bà nội trợ. Đó là chưa kể, tháng trước, một loạt mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, đường, bột ngọt… đều đã tăng giá.
Ở trong nhà kể từ khi quận Gò Vấp còn là “điểm nóng” Covid-19 tại TP.HCM, Hữu Thắng (nhân viên văn phòng) cho biết, thu nhập cả tháng qua của anh giảm gần 50% do công việc bị ảnh hưởng. Vậy nên anh phải thắt chặt chi tiêu, đưa mì gói vào một phần thực đơn trong tuần. Những ngày qua, anh bất ngờ khi giá rau xanh tại chợ gần nhà tăng vọt.
“Tôi đi khắp các sạp tìm mua chanh, nghệ để tăng sức đề kháng mà không có. Có một sạp bán chanh, thì hai trái gần 10.000 đồng”, Thắng tỏ ra mệt mỏi và chỉ mong dịch sớm được kiểm soát để mọi thứ bình thường trở lại.
Không chỉ chợ truyền thống, giá một số mặt hàng rau củ quả về các chợ đầu mối tại TP.HCM những ngày qua cũng ghi nhận tăng đáng kể: Bí đao, khổ qua tăng 1.000 đồng; củ cải trắng, cà chua, củ hành đỏ tăng 2.000 đồng.
Theo nhận định của Sở Công Thương TP.HCM, giá rau củ quả tăng do chợ đầu mối Hóc Môn đang tạm ngưng hoạt động. Cũng vì vậy, lượng hàng về các chợ đầu mối tại TP.HCM hôm 2/7 chỉ đạt 4.731 tấn, trong khi nửa đầu tháng 6, trung bình mỗi ngày đến 7.600 – 7.800 tấn.
Giá xăng, giá gas cũng tăng mạnh
Hơn một tháng nay, anh Ngọc Toàn (ngụ quận Phú Nhuận), tài xế một ứng dụng gọi xe công nghệ, lo lắng vì tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, đi giao nhiều hàng cho khách, sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao. Nhưng vài ngày trở lại đây, anh có một mối lo khác là giá xăng, giá gas đã tăng mạnh.
Hôm 26/6, giá xăng A95 tăng 752 đồng/lít, xăng E5 tăng 712 đồng/lít. Giá bán lẻ tối đa xăng A95 là 20.916 đồng/lít, còn E5 19.760 đồng/lít. Đây là mức giá xăng cao nhất kể từ đầu năm 2020 đến nay.
“Thu nhập vẫn chừng ấy, mỗi ngày chạy xe kiếm được chưa tới 300.000 đồng, chưa trừ phí cho hãng, giá xăng. Mà xăng vừa tăng giá mạnh mấy ngày nay nên không còn được bao nhiêu. Vợ tôi phụ quán ăn người ta, nghỉ việc cả tháng nay nên kinh tế đang dồn hết vào tôi”, anh Toàn nói.
Bữa trưa của anh thường là bánh mì, ăn vội trên xe để tiết kiệm. Thu nhập từ chạy xe được dồn hết vào việc mua thực phẩm, ăn uống hàng ngày cho gia đình. Nhưng những ngày qua, giá rau củ quả – vốn là thực phẩm quen thuộc trong bữa cơm gia đình công nhân, lao động phổ thông – cũng tăng vọt.
Rồi giá gas bán lẻ từ tháng 7 vừa được các đại lý báo tăng đến 30.000 đồng/bình 12kg. Mỗi bình gas 12kg hiện có giá hơn 400.000 đồng, gần như là mức giá cao nhất nhiều năm qua.
“Cũng may mình còn có việc làm chứ nhiều gia đình cả chồng lẫn vợ đều mất việc trong thời điểm này thì chắc khó sống nổi”, anh Toản nói.
Theo Cục Thống kê TP.HCM, nhiều nhóm mặt hàng trong rổ ảnh hưởng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của TP đều ghi nhận tăng so với tháng trước.
Cụ thể, chỉ số giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,38%; trong đó, lương thực tăng 0,46%, chủ yếu do gạo tăng 0,65%. Chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 0,37%; trong đó, giá thịt gà tăng 0,57%, trứng các loại tăng 1,58%, các loại đậu và hạt tăng 1,19%, dầu thực vật tăng 0,45%; rau tươi, khô và chế biến tăng 6,36% so với tháng trước.
Đứng trước áp lực tăng giá, trước đó, một số nhà bán lẻ cho biết đã nhận được đề nghị tăng giá từ nhà cung cấp. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, các đề nghị này sẽ được doanh nghiệp xem xét cẩn trọng, không áp dụng tăng giá ngay mà sẽ đưa ra lộ trình hợp lý để chia sẻ bài toán áp lực giá cả với người tiêu dùng.
Hồng Phúc