Thu ngân sách nhà nước: Về đích sớm để tạo đà cho nhiệm vụ năm 2022
Năm 2021 đang dần khép lại, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và những thay đổi trong chính sách tài khóa khiến việc thu ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, kết thúc tháng 11, thu ngân sách năm 2021 đã cán đích của cả năm. Tin vui này tạo đà cho việc thực hiện nhiệm vụ năm 2022.
Theo báo cáo của Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính), lũy kế thu ngân sách nhà nước 11 tháng năm 2021 ước đạt 1.389,2 nghìn tỷ đồng, bằng 103,4% dự toán, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nội địa ước đạt 100,6% dự toán, tăng 6,2%; thu từ dầu thô ước đạt 164,2% dự toán, tăng 20%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 118% dự toán, tăng 24,3%.
Có 55 địa phương thu nội địa 11 tháng đạt trên 90% dự toán. Điển hình là tỉnh Thanh Hóa, 11 tháng năm 2021, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt hơn 31 nghìn tỷ đồng, vượt 118% so với dự toán được giao. Đáng chú ý, có 2 lĩnh vực nhiều năm qua khó khăn trong thu ngân sách thì năm nay đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu là lĩnh vực ngoài quốc doanh và hải quan.
Đặc biệt cần phải ghi nhận nỗ lực vượt bậc của thành phố Hồ Chí Minh, bất chấp tác động xấu từ đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, lũy kế ngân sách nhà nước 10 tháng năm 2021 ước thực hiện 311.895 tỷ đồng, đạt 85,5% dự toán và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và hải quan là 99.700 tỷ đồng, đạt 92,3% so với kế hoạch.
Để có kết quả thu ngân sách tích cực 11 tháng qua, trước hết phải nói đến nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, cũng cần ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của các bộ, ngành, địa phương trong việc chỉ đạo quyết liệt thu ngân sách nhà nước bằng việc ban hành, kịp thời triển khai nhiều giải pháp, thực hiện hỗ trợ tối đa cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện giãn, giảm tiền thuế, tiền thuê đất và nhiều khoản phí, lệ phí. Thực hiện Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ, cơ quan Thuế đã tiếp nhận giấy đề nghị gia hạn cho khoảng 120 nghìn doanh nghiệp và gần 20 nghìn hộ, cá nhân kinh doanh, với tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 93 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, cùng với các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhằm thu đúng, thu đủ về ngân sách, cơ quan thuế, hải quan đã thực hiện thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, thu đòi nợ thuế, tăng cường đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Những kết quả tích cực về thu ngân sách nhà nước 11 tháng 2021 chắc chắn sẽ góp phần đảm bảo các cân đối vĩ mô lớn của nền kinh tế trong năm nay, cũng như tạo nguồn lực tài chính quốc gia cho chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi kinh tế năm sau. Do vậy, để phát huy kết quả đã đạt được, phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2021 ở mức cao nhất, tạo đã cho thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2022. Trong những tháng còn lại của năm, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật ngân sách nhà nước, Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn liên quan. Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, tạo môi trường thuận lợi, rõ ràng, minh bạch cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Tiếp đó là tiếp tục tổ chức thực hiện tốt việc gia hạn, miễn, giảm tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân theo các nghị quyết, quyết định của Chính phủ để tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, hồi phục và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra cần đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế; Rà soát các nguồn thu còn tiềm năng để khai thác tăng thu, các khoản thu còn vướng mắc về cơ chế, chính sách để phối hợp chặt chẽ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh và Tổng cục Thuế; Đẩy mạnh triển khai các dự án để xử lý, đôn đốc thu vào ngân sách nhà nước kịp thời đối với các khoản thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản, phí, lệ phí, thu khác ngân sách… nhằm bù đắp một phần hụt thu ngân sách nhà nước do dịch Covid-19 gây ra.
Bên cạnh đó, chủ động cân đối, đảm bảo đầy đủ nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các nhiệm vụ cấp bách khác; Tăng cường quản lý công tác dự trữ nhà nước nhằm đảm nhu cầu hàng hoá thiết yếu cho người dân. Thường xuyên tổng hợp, đánh giá các tác động của dịch Covid-19 đến người nộp thuế trên địa bàn để nhận định mức độ suy giảm kinh tế, mức ảnh hưởng đối với thu ngân sách nhà nước để kịp thời đề xuất, tham mưu các giải pháp hỗ trợ cũng như xây dựng chính sách thuế phù hợp tình hình thực tế với cơ quan quản lý.
Diệu Hương