+
Aa
-
like
comment

“Thu ngân sách chưa bền vững”: Một góc nhìn khác

An Diễm - 27/10/2022 11:29

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá chất lượng thu ngân sách nhà nước còn chứa đựng yếu tố chưa bền vững. Nguyên nhân là phần tăng đa số đến từ bất động sản, dầu thô và xổ số trong khi lĩnh vực sản xuất còn chậm. Đây là nhận định thuần túy qua số liệu báo cáo, tuy nhiên cũng cần nhìn nhận một khía cạnh khác.

Thu ngân sách chưa bền vững

Trong báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết là thu ngân sách 9 tháng đã đạt 94%, ước cả năm vượt dự toán hơn 14%. Ủy ban cũng nhận định chất lượng thu ngân sách nhà nước còn chứa đựng yếu tố chưa bền vững, phần lớn tăng thu từ đất, dầu thô (đạt 213% dự toán do giá bình quân tăng 47,05 USD/thùng so với dự toán), xổ số kiến thiết, trong khi thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng chậm. Thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp 3 năm không đạt dự toán, số thu thực tế rất thấp so với dự toán năm 2022, chỉ đạt 2,8 nghìn tỷ đồng, giảm 37,2 nghìn tỷ đồng so với dự toán.

Nhận định trên là hoàn toàn chính xác bởi bất động sản, dầu thô là hai nguồn thu biến động mạnh, tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau trên thị trường, trong khi đó các nhà quản lý thích những yếu tố bền vững để dễ dàng tính toán khi lập kế hoạch. Ủy ban Kinh tế cũng nhắc đến việc “thu ngân sách nhà nước tăng cao trong bối cảnh số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động chờ giải thể tăng cao và nhà nước đang thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp”. Có nghĩa là thu ngân sách tăng cao trong bối cảnh “yếu tố bền vững” (sản xuất, kinh doanh) bị chậm lại, điều này không hẳn là quá tiêu cực.

Trước hết, cần nhìn nhận bối cảnh hiện tại ở Việt Nam và thế giới, khi mà nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Đại dịch Covid-19 tràn qua đã tàn phá nặng nề các doanh nghiệp, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, làm kinh tế sụt giảm khiến nhu cầu tiêu thụ giảm đi. Tiếp đến là cuộc chiến Nga – Ukraine hiện tại khiến cho giá năng lượng tăng vọt kéo theo lạm phát khiến cho nhu cầu mua sắm càng giảm mạnh, việc sản xuất, kinh doanh chậm lại. Một phần dòng tiền từ kinh doanh bị rút ra đổ vào các kênh đầu tư như đất đai và chứng khoán, giúp cho thuế thu được từ các lĩnh vực này tăng cao. Đây hoàn toàn là sự điều chỉnh của thị trường, và “yếu tố ngân sách không bền vững” tăng lên chính nhờ “yếu tố bền vững” giảm xuống.

Nếu nhìn vào số liệu kinh tế từ các nước đang phát triển với nền kinh tế đa dạng, ổn định, bền vững thì có thể thấy họ đang gặp rất nhiều khó khăn. Một nhà máy sản xuất có thể gặp các vấn đề như nguyên liệu đầu vào quá cao, nhu cầu đầu ra bị giảm khiến doanh thu giảm sút, nhà máy có thể phải đóng cửa. Một doanh nghiệp khác cũng có thể khó vay vốn, lợi nhuận giảm đi. Trong khi đó, một số quốc gia kinh doanh dầu mỏ, khí đốt thì đang chứng kiến doanh thu tăng vọt trong ngắn hạn. Như vậy bức tranh kinh tế và thu ngân sách tại Việt Nam khá tương đồng với các diễn biến từ quốc tế.

Tất nhiên, Việt Nam vẫn phải hướng đến một nền kinh tế với cơ cấu hợp lý, đa ngành, đặc biệt là các ngành nghề chất lượng cao, thay vì tập trung vào các ngành như thâm dụng tài nguyên. Đây cũng là yếu tố cốt lõi để nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống cho người dân. Chính phủ cũng đang đẩy mạnh chấn chỉnh lại những lộn xộn trong lĩnh vực bất động sản về phát hành trái phiếu và huy động vốn. Tuy nhiên, trong thời kỳ khủng hoảng vẫn có thể đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng, duy trì tăng trưởng kinh tế chứng tỏ cơ cấu phát triển của nước ta vẫn có những ưu điểm nhất định.

Nhìn chung, những nhận định của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là hợp tình, hợp lý về mặt dài hạn, nhưng nếu xét đến những yếu tố bất định trong bức tranh ngắn hạn thì chúng ta vẫn thấy rất nhiều điểm sáng.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều