+
Aa
-
like
comment

Thu hút FDI: Không nên đặt ‘màng lọc’ rồi… ngồi chờ

14/07/2019 06:21

Cần chuyển cách đón đầu tư FDI thụ động sang thế chủ động nhằm tìm những nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện, lấp được khoảng trống, tạo ra bứt phá cho sản xuất trong nước…

5cfda766d7263e786737

Thu hút FDI phải có chọn lọc

Mới đây, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì họp Bộ Chính trị định kỳ và nghe Ban Cán sự đảng Chính phủ báo cáo về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030 sau khi có tờ trình hồi giữa tháng 6. Trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn hơn 30 năm đầu tư nước ngoài, ý kiến thẩm định của các cơ quan chức năng, căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ mới, Bộ Chính trị đã quyết định ra Nghị quyết chuyên đề về vấn đề quan trọng này.

Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 4/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, quan điểm của Chính phủ là tiếp tục tìm cách thu hút các nhà đầu tư, các chuỗi cung ứng đang tìm cách di chuyển khỏi các nước vào Việt Nam.

Thủ tướng nêu rõ tinh thần lớn trong thu hút FDI là phải có chọn lọc, chú trọng vào các tập đoàn hàng đầu thế giới, có công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Thủ tướng cũng thông báo, sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt đón làn sóng FDI mới vào Việt Nam và đưa ra các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư.

Việt Nam đứng trước một nghịch lý là một mặt thu hút được dòng vốn FDI kỷ lục và vượt qua các quốc gia khác ở ASEAN, mặt khác các bên liên quan lại có quan điểm chung rằng FDI chưa đáp ứng được kỳ vọng, vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị Nhóm Ngân hàng Thế giới hỗ trợ xây dựng Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới cho Việt Nam giai đoạn 2018- 2030.

Điểm nhấn chính của chiến lược này là sự chuyển dịch trọng tâm từ thu hút nhà đầu tư phù hợp cho sản phẩm của Việt Nam sang phát triển sản phẩm phù hợp (tức là môi trường kinh doanh và điều kiện đầu tư phù hợp) cho loại hình đầu tư mà Việt Nam cần trong tương lai, nhờ đó có thể tăng tối đa hiệu ứng lan tỏa và giá trị gia tăng của FDI.

“Thế hệ mới” nhưng không quên “thế hệ một”

Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, giai đoạn 2018-2030 nêu rõ: Trong số các xu hướng lớn toàn cầu có ảnh hưởng đến FDI trong 12 năm tới, cách mạng công nghiệp 4.0 là trào lưu có tính thách thức và đột phá nhất. Bên cạnh đó, hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) cũng có khả năng thúc đẩy tăng trưởng GDP và giúp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ.

Để xác định những ngành mà việc xúc tiến FDI chủ động và có mục tiêu là cần thiết và nên thực hiện nhất để góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế. Trong khi đầu tư “thế hệ mới” sẽ ngày càng tập trung thu hút nhiều hơn các hoạt động sử dụng nhiều công nghệ và kỹ năng và tối đa hóa giá trị gia tăng, đầu tư “thế hệ một” vẫn sẽ cần thiết để lấp đầy những lỗ hổng cơ bản trong chuỗi cung ứng trong nước, tạo ra số lượng lớn việc làm, thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế giữa các tỉnh thành, làm nền cho tăng trưởng đầu tư “FDI thế hệ mới”.

Vấn đề đặt ra đối với Việt Nam trong bối cảnh của chiến lược thu hút FDI này là làm thế nào để chuyển từ điểm đến hàng đầu cho các hoạt động lắp ráp giá trị thấp, thâm dụng lao động sang thu hút đầu tư vào các ngành chế tạo, chế biến và dịch vụ, là những hoạt động sẽ áp dụng công nghệ mới, tạo ra nhiều giá trị trong nước hơn, yêu cầu lao động có kỹ năng và mức lương cao hơn.

Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Từ nay Việt Nam sẽ thu hút có chọn lọc, chọn dự án có công nghệ với giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường…

Bộ KHĐT trình với Chính phủ và Bộ Chính trị một đề án về định hướng thu hút đầu tư vào Việt Nam sau 30 năm. Trong đó đã đánh giá và tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài, nếu tất cả các vấn đề từ lợi thế, khó khăn, nguyên nhân, xu hướng… Tất cả đều đã được nghiên cứu, và thời gian tới đây sẽ có định hướng mới, là thu hút có chọn lọc, ông Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Thời gian tới sẽ ban hành nghị quyết và có chương trình hành động với một hệ thống các nhiệm vụ giải pháp đi kèm, để làm sao vừa thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả và nâng cao chất lượng trong thu hút đầu tư nước ngoài.

FDI không phải để chiếm lĩnh thị trường trong nước

Theo đánh giá của PGS. TS. Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, không nên đặt ra “màng lọc” rồi ngồi chờ xem doanh nghiệp nào đáp ứng đủ điều kiện thì “lọt qua”, còn nếu không đủ điều kiện thì “bật ra”, hoặc thậm chỉ có thể còn làm “thủng” cả màng lọc và cuối cùng vẫn rơi vào danh sách đầu tư.

“Chúng ta cần chuyển cách đón đầu tư FDI theo kiểu thụ động sang thế chủ động đi tìm những nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện mà chúng ta đang mong muốn có được. Đó là những nhà đầu tư có thể tạo ra các lĩnh vực thay đổi được căn bản các hoạt động sản xuất trong nước khi mà chúng ta đang thiếu, chưa có. Và như vậy thì chúng ta phải mời gọi và kỳ vọng các nhà đầu tư đó trở thành những con chim đầu đàn và sẽ kéo theo cả đàn chim – là các doanh nghiệp trong nước cùng tiến lên”, ông Cường nói.

Tiêu chuẩn quan trọng, theo PGS. TS. Hoàng Văn Cường, là phải tìm được những doanh nghiệp, những nhà đầu tư không cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước sẵn có, mà phải lấp được những khoảng trống, phải tạo ra bứt phá cho sản xuất trong nước. Và đặc biệt, các doanh nghiệp FDI phải liên kết được với các doanh nghiệp trong nước để tạo ra sự kết nối cho tất các các doanh nghiệp cùng đi lên, cùng phát triển.

Trong thời gian gần đây, dòng vốn FDI có xu hướng rót vào những khu vực nhanh có khả năng thu lợi nhuận, đặc biệt là chiếm lĩnh được thị trường trong nước. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do như là CPTPP, EVFTA…. Dó đó, cần thu hút FDI để tăng cường năng lực canh tranh của chúng ta chứ không để cho doanh nghiệp FDI chiếm lĩnh thị trường trong nước. Chính vì thế, chiến lược thu hút FDI trong giai đoạn tới cần hướng vào làm thế nào để tăng sức mạnh cho mình, có khả năng cạnh tranh được với những thị trường được cho là khắt khe, đặt ra các tiêu chuẩn cao.

“Chúng ta cần có các nhà đầu tư nước ngoài đạt được trình độ công nghệ rất cao, có thể tạo ra được các sản phẩm có tính chất bứt phá cho các hoạt động sản xuất trong nước mà chúng ta đang ở trình độ thấp chuyển thành hoạt động sản xuất có chuỗi giá trị, cung ứng sản phẩm có giá trị mang tính toàn cầu. Khi đó chúng ta mới thực sự tạo sức mạnh từ tiềm năng thị trường trong nước ra thị trường quốc tế”, ông Cường nêu quan điểm.

PGS. TS. Hoàng Văn Cường nhấn mạnh: “Chúng ta không thu hút những nhà đầu tư có vốn, có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước mà chúng ta phải thu hút những nhà đầu tư nào có thể tạo ra sự kết nối cho các doanh nghiệp trong nước. Đó là việc lựa chọn đầu tiên. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng phải vươn lên để kết nối được với các nhà đầu tư nước ngoài”.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, các doanh nghiệp trong nước phải tự liên kết với nhau để tạo sức mạnh, và khi tạo ra sức mạnh rồi thì mới có thể bắt tay được với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong một chuỗi cung ứng, thì đây là kết nối quan trọng bởi chỉ khi nào các doanh nghiệp này bắt tay được với nhau thì mới khép kín được chuỗi cung ứng đó và khi đó mới đảm bảo được tiêu chuẩn, đặc biệt là các tiêu chuẩn về mặt xuất xứ hàng hóa. Như vậy mới được đưa vào các thị trường như EU và các nước thuộc CPTPP và mang lại nguồn lợi cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước.

(Theo VOV)

Bài mới
Đọc nhiều