+
Aa
-
like
comment

Thư gửi Cục Quản lý giám sát bảo hiểm

21/05/2020 08:23

Gần đây, nhiều người dân bức xúc với bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, đặc biệt là bảo hiểm xe máy. PV trích đăng ý kiến của một chuyên gia gửi đến Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính).

Thư gửi Cục Quản lý giám sát bảo hiểm - Ảnh 1.
Nhiều ngày qua trên đường 3 Tháng 2, quận 10, TP.HCM người dân đổ xô đi mua bảo hiểm xe máy để tránh bị… phạt!

Việc tham gia loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới là cực kỳ quan trọng và tối cần thiết. Vì loại hình bảo hiểm trên đảm bảo cho quyền lợi của người bị nạn trong các vụ tai nạn.

Tuy nhiên, vì sao loại hình bảo hiểm cần thiết và đầy tính nhân văn trên lại bị “thờ ơ” trong một thời gian dài mà chỉ dậy sóng khi có đợt kiểm tra của cảnh sát giao thông? Và trong làn sóng đổ xô đi mua bảo hiểm xe máy suốt mấy ngày nay liệu có mấy người có ý thức được mình đang mua cái gì và sẽ được gì?

Thị trường béo bở

Đến cuối năm 2019, lượng xe máy đang lưu thông đạt khoảng 59 triệu xe. Với giá phí bảo hiểm vào khoảng 66.000 đồng/xe, thị phần của loại hình bảo hiểm này có tiềm năng lên hơn 3.800 tỉ đồng. Dù là một mảng thị trường béo bở như thế nhưng với người dân lại chẳng hữu ích cho họ.

Tôi tiếp xúc và tìm hiểu nhiều trường hợp người dân cho biết rất khó đòi bồi thường từ các hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới. Lý do phổ biến là người tham gia không biết phải tìm hiểu cách đòi bồi thường như thế nào.

Không được tư vấn đầy đủ nên còn nhiều người nhầm lẫn giữa bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới và bảo hiểm tai nạn người ngồi trên xe. Phải chăng đây là loại hình bảo hiểm đang được triển khai một cách “dễ dãi” và “thiếu trách nhiệm”?

Phần lớn các công ty bảo hiểm yêu cầu các loại giấy tờ sau để có thể giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho nghiệp vụ bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, bao gồm:

(1) mẫu đơn yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm hoàn chỉnh, có chữ ký hợp lệ;

(2) các hóa đơn y tế gốc cùng với chi tiết về các chi phí y tế phát sinh;

(3) các giấy chứng nhận y tế liên quan tới việc điều trị/nhập viện;

(4) biên bản báo cáo chính thức về vụ tai nạn, tức là biên bản tai nạn có xác nhận của cảnh sát, trạm cảnh sát hoặc cơ quan chức trách địa phương có liên quan tại hiện trường vụ tai nạn;

(5) bản sao giấy chứng tử (nếu khiếu nại liên quan tới bất kỳ thương vong nào);

(6) chứng từ chứng minh mối quan hệ của bên thụ hưởng/xác nhận quyền thừa kế hợp pháp (nếu khiếu nại liên quan tới bất kỳ thương vong nào).

Trong các loại giấy tờ trên thì mục thứ 4 là cái rất khó khăn để có thể thu thập được trong khá nhiều trường hợp. Chính yêu cầu này mà hầu như người tham gia bảo hiểm đều từ bỏ việc yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm. Liệu có thể giúp người tham gia bảo hiểm đơn giản hơn trong việc yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm?

Lợi cho dân hay doanh nghiệp?

Luật kinh doanh bảo hiểm có quy định trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm phải “Phối hợp với bên mua bảo hiểm để giải quyết yêu cầu của người thứ ba đòi bồi thường về những thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm”.

Nhưng trong thực tế triển khai, rất nhiều người phản ảnh rằng họ phải tự đi thu thập đầy đủ các chứng từ trên mới được giải quyết quyền lợi bảo hiểm. Như vậy, trách nhiệm phối hợp của doanh nghiệp bảo hiểm ở đâu? Và có cách nào để người tham gia bảo hiểm yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phối hợp để thu thập các loại giấy tờ trên hay không?

Chính vì cách thức triển khai loại hình bảo hiểm nêu trên mà tôi băn khoăn liệu loại hình bảo hiểm này được triển khai có thực sự vì lợi ích của những người dân hay vì lợi ích của doanh nghiệp bảo hiểm, hay là lợi ích của ai khác nữa?

Với tư cách công dân, tôi hoàn toàn ủng hộ việc tham gia loại hình bảo hiểm này. Nhưng người dân chúng tôi muốn được nhận lại những gì mình đã bỏ tiền tham gia hơn là một mảnh giấy chỉ để đối phó với việc kiểm tra của cảnh sát giao thông.

Lại nhắc doanh nghiệp bảo hiểm kiểm tra

Trong khi nhiều ý kiến cho rằng cần xem lại các quy định về quy trình, thủ tục để nhận bảo hiểm thì Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính vừa có công văn gửi doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ về bán bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Cục này cho biết thời gian qua, cục có nhận được phản ảnh về việc một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có dấu hiệu bán bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới không tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành.

Do vậy, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm… chủ động kiểm tra, rà soát, đảm bảo thực hiện đúng quy tắc, điều khoản, biểu phí theo quy định pháp luật hiện hành. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm tiến hành chấn chỉnh, xử lý kịp thời.

Đồng thời, các doanh nghiệp bảo hiểm cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm…

TRẦN NGUYÊN ĐÁN (viện trưởng Học viện Đào tạo bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính – IFRM)

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Trị): Đẩy khó khăn cho người mua bảo hiểm

untitled-2 copy

Hiện nay việc triển khai mua bán, quản lý bảo hiểm đối với phương tiện tham gia giao thông còn nhiều bất cập về thủ tục, nhất là khi thực hiện thanh toán hoặc chi trả bảo hiểm theo đúng quyền lợi của người tham gia. Điều này dẫn tới đẩy rủi ro cho người mua khi quyền lợi của họ nhiều khi không được giải quyết thỏa đáng, các thủ tục giải quyết còn bất cập.

Đơn vị tham gia bán bảo hiểm xử lý vụ việc người dân cũng chưa hài lòng. Thủ tục đền bù, cơ chế hỗ trợ chưa được kịp thời và mang tính khách quan. Cần rà soát chấn chỉnh để bảo hiểm thực chất hơn, hỗ trợ người rủi ro nhanh và kịp thời nhất. Nên xem xét, hướng dẫn, giám sát quản lý cho cụ thể hơn giữa người tham gia bảo hiểm, bán bảo hiểm cho hài hòa lợi ích.

Đại biểu Đặng Thuần Phong (phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội): Quốc hội cần giám sát

untitled-1 copy

Thực tế, nhiều người dân khi xảy ra tai nạn, va chạm giao thông yêu cầu bồi thường thì thủ tục quá nhiêu khê nên quyền lợi người dân chưa đảm bảo. Từ đó, người dân tham gia hình thức bảo hiểm này chỉ mang tính đối phó. Quản lý nhà nước còn sơ hở như thế cần tính toán lại để hoàn thiện quy định chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu người dân, khuyến khích tự nguyện mua bảo hiểm khi thấy rõ lợi ích mang lại.

Tôi đề nghị cơ quan chức năng cần hoàn thiện, sửa đổi quy định sao cho thực tiễn, đảm bảo tính minh bạch, tuân thủ quy định chung. Trường hợp chưa hoàn thiện phải sớm giám sát kiểm tra đánh giá chứ không thể chỉ lấy cớ để gây nhiêu khê trong nhân dân. Tôi cũng đề nghị Quốc hội nên sớm giám sát và đánh giá vấn đề này.

Ông Trương Minh Hoàng (phó trưởng đoàn chuyên trách đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau): Rà soát, sửa đổi quy định

truongminhhoang -camau 2(read-only)

Phải có bảo hiểm trách nhiệm dân sự khi tham gia giao thông là cần thiết. Khi xảy ra tai nạn giao thông, các bên liên quan phải có đủ thủ tục giấy tờ, biên bản xác nhận các bên liên quan… để bảo hiểm chi trả đúng đối tượng là thủ tục cần thiết nhằm tránh trục lợi bảo hiểm.

Vì vậy, các bất cập trong chính sách triển khai quy trình bảo hiểm hiện nay cần phải được đánh giá lại và làm rõ, xem khâu nào gây khó khăn, triển khai thiếu tính khả thi… thì sửa đổi cho phù hợp.

Hiện giải quyết quyền lợi bảo hiểm còn bất cập, nên người dân mua để đối phó. Các ban, ngành cơ quan chức năng cũng cần tăng thanh tra, kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó cần thông tin rộng rãi đâu là đại lý chính thống, giấy bảo hiểm chính thống thế nào để người dân biết rõ.

(Theo TTO)

Bài mới
Đọc nhiều