+
Aa
-
like
comment

Thủ đoạn xuyên tạc chính sách phát triển kinh tế an ninh, quốc phòng

Bảo An - 03/01/2021 11:30

Vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 132/2020/QH14 thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Nghị quyết đã góp phần quy định rõ vấn đề làm kinh tế trên đất quốc phòng, an ninh – điều chưa được quy định trong luật Đất đai 2013. Tuy nhiên, một số đối tượng xấu lại đang xuyên tạc vấn đề này để công kích, chống phá Đảng, Nhà nước.

Đất quốc phòng phải được kiểm soát chặt chẽ.

Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh phải bảo đảm phục vụ cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh là chính; trường hợp sử dụng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì phải quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh. Đất quốc phòng, an ninh sử dụng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh và phương án sử dụng đất được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt. Chỉ đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an quy định trong các nhóm được pháp luật quy định và đối tượng được tiếp tục sử dụng đất quốc phòng, an ninh quy định mới được sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Đồng thời, Quốc hội cũng nghiêm cấm việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh để góp vốn bằng quyền sử dụng đất thực hiện hợp đồng liên doanh, liên kết; cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Kẻ gian tiếng nói cũng gian

Việc phát triển kinh tế quốc phòng, an ninh không phải là vấn đề mới. Có thể thấy, thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng đã đi tiên phong trên mặt trận phát triển kinh tế, trở thành những điểm sáng góp phần thúc đẩy nền kinh tế cả nước nói chung và nền kinh tế quốc phòng nói riêng. Tuy nhiên, đây cũng là cái cớ được nhiều đối tượng xấu, cơ hội chính trị xuyên tạc để chống phá đất nước. Theo đó, các đối tượng xuyên tạc rằng việc phát triển kinh tế quốc phòng là không phù hợp với nền kinh tế thị trường; các doanh nghiệp an ninh, quốc phòng tham gia vào nền kinh tế gây ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Đồng thời, các đối tượng tung ra luận điệu rằng công an, quân đội thì không nên làm kinh tế mà chỉ cần tập trung vào việc huấn luyện, phòng thủ…

Vẫn với tư duy tiêu cực như trên, khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 132/2020/QH14 ngày 17/11/2020 thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, các đối tượng tiếp tục tiến hành xuyên tạc, hướng lái dư luận theo hướng tiêu cực, xấu xa. Những luận điệu phản động, thâm độc được tung ra có thể kể đến như: Nghị quyết là không đúng với chủ trương của Đảng và giúp quân đội “giữ đất”, vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm; đất của dân sẽ bị công an, quân đội “cướp”; khi Quốc hội cho công an và quân đội làm kinh tế thì hai lực lượng này sẽ phớt lờ nhiệm vụ bảo vệ đất nước và ổn định trật tự trị an của xã hội…

Công an, Quân đội làm kinh tế: không chỉ phục vụ hoạt động kinh tế đơn thuần

Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 132/2020/QH14 là một bước đi góp phần làm rõ hành lang pháp lý đối với vấn đề sử dụng đất quốc phòng, an ninh gắn với hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế. Việc lực lượng vũ trang tham gia sản xuất không phải là một chủ trương mới mà nó xuất hiện từ lâu trong chính sách quốc phòng của Việt Nam. Từ thời phong kiến, chúng ta đã thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông” để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm quốc phòng. Đến hiện tại, Đảng, Nhà nước ta vẫn xác định kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh.

Luận điệu xuyên tạc cho rằng Đảng, Nhà nước ta đang tạo điều kiện cho công an, quân đội “giữ đất”, “chiếm đất” là một sự xuyên tạc trắng trợn. Chủ trương để lực lượng vũ trang tham gia xây dựng kinh tế là cần thiết, đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, phù hợp yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cần phải hiểu rõ, an ninh kinh tế là một trong những trụ cột của nền an ninh quốc gia. Đồng thời, trong các hoạt động, lĩnh vực của sản xuất kinh tế, có không ít lĩnh vực mang tính chất đặc thù, gắn chặt với nền an ninh, an toàn và ổn định của đất nước. Đơn cử như riêng vấn đề viễn thông, có thể thấy tập đoàn Viettel của quân đội đang nổi lên như một điểm sáng. Tuy nhiên, hoạt động này không chỉ đơn thuần ở việc phát triển kinh tế. Hoạt động thông tin liên lạc có vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta để lĩnh vực này bị thâu tóm bởi các tập đoàn bên ngoài thì an ninh thông tin sẽ không được bảo đảm. Trong trường hợp nếu có bất ổn chính trị, thậm chí là chiến tranh diễn ra, khi hệ thống thông tin bị thâu tóm cũng đồng nghĩa với việc chúng ta bị đánh gục. Hay như vấn đề nghiên cứu, sản xuất vũ khí, chúng ta không thể mãi phục thuộc vào việc mua của nước ngoài. Cần phải có sự tự chủ trong vấn đề này. Và khi đó, công an, quân đội tham gia nghiên cứu, sản xuất là điều hiển nhiên.

Việc Đảng, Nhà nước thông qua nghị quyết về việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế là đúng đắn, phục vụ nhiệm vụ cao nhất là bảo vệ an ninh, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều