+
Aa
-
like
comment

Thủ đoạn mới của người Trung Quốc nhập cảnh ‘chui’

07/05/2021 09:59

Những người nhập cảnh trái phép thường chọn các khu chung cư mới đưa vào sử dụng, chung cư cao cấp để lưu trú. 

Ngày 6-5, Công an TP Hà Nội đang tiếp tục điều tra vụ một nhóm hơn 50 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép và lưu trú tại Việt Nam.

Hiện tại, cơ quan công an đã khởi tố, bắt tạm giam Wu Ding Sen (33 tuổi, trú Phúc Kiến, Trung Quốc) về tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép. Ngoài Wu Ding Sen, hai nghi phạm khác cũng đang bị điều tra về hành vi này.

Lưu trú trong chung cư cao cấp

Thông tin ban đầu, Wu Ding Sen vốn là thợ sửa chữa ô tô. Cuối tháng 3-2021, Wu Ding Sen nhập cảnh vào Việt Nam tại sân bay quốc tế Nội Bài, theo thị thực dành cho người nước ngoài làm việc với doanh nghiệp Việt Nam, thời hạn ba tháng.

Được biết, Wu Ding Sen xin thị thực thông qua một công ty xuất nhập khẩu nông lâm sản tại Việt Nam với giá 25.000 nhân dân tệ (tương đương khoảng 87 triệu đồng).

Giữa tháng 4-2021, thông qua người môi giới, Wu Ding Sen thuê một căn hộ trong tòa chung cư D’Capitale (số 119 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) với giá 9 triệu đồng/tuần. Wu Ding Sen và bốn người Trung Quốc cùng ở tại đây, mục đích để giảm số tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt.

Wu Ding Sen biết rõ ngoại trừ mình thì những người còn lại đều không có thị thực nhập cảnh vào Việt Nam, thậm chí còn không đi cách ly theo quy định nhưng vẫn cho họ ở cùng. Wu Ding Sen còn dặn những người này không được gây ồn ào, mất an ninh trật tự, không được đi lại nhiều, nếu có người đến thì phải đi ra ngoài để tránh bị phát hiện.

Sau khi phát hiện nhóm của Wu Ding Sen, công an mở rộng điều tra và được biết một trong những người ở cùng Wu Ding Sen trước đây từng lưu trú tại chung cư Florence (số 28 Trần Hữu Dực, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm).

Tiếp tục kiểm tra khu chung cư trên, công an phát hiện thêm 46 người nước ngoài khác đang lưu trú tại chín căn hộ, tất cả không có giấy tờ nhập cảnh hợp pháp.

Công an TP Hà Nội phát hiện một nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

 1.343 người Trung Quốc nhập cảnh “chui”

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, cho biết theo báo cáo của công an 39/63 tỉnh, thành từ đầu năm đến nay có 199 vụ, với 1.343 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Bộ Công an đã xử lý, khởi tố 49 vụ với 141 đối tượng.

Theo ông Xô, trách nhiệm để người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trước tiên thuộc về lực lượng bảo vệ biên giới. Tiếp đó là trách nhiệm của các đơn vị chức năng, cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương. Ông Xô cho rằng cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vì người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam vi phạm chủ quyền của Việt Nam; mang mầm bệnh, nguy cơ dịch bệnh rất lớn; ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người Việt.

Thủ đoạn nhập cảnh “chui” tinh vi

Theo Công an TP Hà Nội, thời gian gần đây, do cơ quan chức năng Việt Nam tăng cường kiểm soát, chống tình trạng nhập cảnh trái phép nên các đối tượng đã thay đổi phương thức thủ đoạn.

Cụ thể, các đối tượng thường để một người nhập cảnh vào Việt Nam bằng thị thực, visa hợp pháp, sau đó tìm thuê nhà rồi đón những người nhập cảnh “chui” vào ở.

Đặc biệt, để tránh bị phát hiện bởi cơ quan chức năng Việt Nam, các đối tượng sẽ lựa chọn những khu chung cư mới được đưa vào sử dụng, thậm chí cả chung cư cao cấp làm nơi tạm trú. Tinh vi hơn, nhóm còn thường xuyên thay đổi chỗ ở, khoảng 2-3 ngày/lần.

Khi sinh sống tại các khu chung cư, người nhập cảnh hợp pháp sẽ đi mua đồ dùng sinh hoạt cho nhóm nhập cảnh trái phép. Ngược lại, nhóm nhập cảnh “chui” hạn chế tối đa việc ra ngoài, chỉ ở trong phòng. Nếu cơ quan chức năng đến kiểm tra, người nhập cảnh hợp pháp sẽ yêu cầu nhóm nhập cảnh trái phép tạm tránh ra ngoài để không bị kiểm tra hoặc phát hiện…

Thời gian qua, lực lượng Công an TP Hà Nội liên tiếp phát hiện các vụ việc người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có diễn biến hết sức phức tạp. Theo khai nhận ban đầu, những người này nhập cảnh “chui” với mục đích tìm việc làm hoặc đi qua Hà Nội để vào các tỉnh phía Nam, hoặc sau đó sang Campuchia.

Trước tình trạng trên, riêng từ năm 2020 trở lại đây, Công an TP đã ban hành năm kế hoạch, 23 công văn chỉ đạo trực tiếp công tác phòng chống người nước ngoài nhập cảnh trái phép, ngoài ra còn có 13 báo cáo chuyên đề có các nội dung chỉ đạo liên quan đến vấn đề này.

Trong đó, Công an TP chỉ đạo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh phối hợp với các phòng nghiệp vụ và công an các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình, tăng cường công tác rà soát với tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vụ việc người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Kêu gọi người dân tố giác nhập cảnh “chui”

Tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Công an hôm 3-5, Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, yêu cầu công an các địa phương đã có ca nhiễm trong cộng đồng cần nâng cao cảnh giác, tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ.

Theo đó, Thứ trưởng nhấn mạnh việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, nhất là quản lý cư trú, quản lý địa bàn, nắm hộ, nắm người, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, quản lý người nước ngoài.

Việc này nhằm chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng truy vết, sàng lọc, khoanh vùng, dập dịch; tăng cường đấu tranh phòng chống tội phạm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định liên quan dịch bệnh COVID-19. Đặc biệt, Thứ trưởng Sơn đề nghị đẩy mạnh công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác người vi phạm các quy định về phòng chống dịch tại địa bàn cơ sở, những đối tượng nhập cảnh trái phép.

TUYẾN PHAN/ TPO

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều