Thủ đoạn lừa tiền của ông trùm đa cấp Nguyễn Hữu Tiến
Dù không có hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng các công ty OTCMAX, VNCOIN, Thiên Rồng Việt của ông trùm đa cấp Nguyễn Hữu Tiến làm chủ vẫn mở hội thảo kêu gọi đầu tư góp vốn thực hiện các “dự án ma”.
Nguyễn Hữu Tiến đã lấy tiền người trước trả cho người sau
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang thụ lý điều tra bổ sung vụ án hình sự “Nguyễn Hữu Tiến cùng đồng phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo Quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung số 43/QĐ-VKSTC-V2 ngày 03/8/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Ngày 9/9, Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có Bản kết luận điều tra bổ sung vụ án số 51/VPCQCSĐT-P5, chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 2) đề nghị truy tố bị can Nguyễn Hữu Tiến và các đồng phạm Nguyễn Hồng Quân, Phạm Việt Sơn, Phạm Thị Phương Thư.
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, trong khoảng thời gian từ tháng 12/2015 đến tháng 7/2018, Nguyễn Hữu Tiến cùng đồng phạm thành lập các Công ty Cổ phần đầu tư Thiên Rồng Việt, Công ty Cổ phần OTCMAX, không hoạt động sản xuất kinh doanh gì, lấy danh nghĩa Công ty đưa ra các thông tin không đúng sự thật, nhằm lừa dối, lôi kéo các nhà đầu tư tham gia nộp tiền vào công ty.
Cụ thể, các đối tượng đã thông qua việc sử dụng mạng Internet, tạo lập các trang web như “thienrongviet.com, otcmax.vn, vncoin.vn” để quảng bá hình ảnh, in ấn các tạp chí, ấn phẩm, tổ chức nhiều buổi hội thảo, hội nghị khách hàng, đưa ra các thông tin không đúng sự thật về các dự án đầu tư, hứa hẹn trả lãi suất cao, hoa hồng hấp dẫn, tạo dựng lòng tin, huy động nhà đầu tư góp vốn vào công ty theo hình thức đa cấp.
Bằng thủ pháp kỹ thuật, đối tượng Nguyễn Hồng Quân tự tạo ra các mã code cho Nguyễn Hữu Tiến và các đối tượng chủ chốt của hai công ty VNCOIN, OTCMAX, Thiên Rồng Việt để không phải nộp tiền như các nhà đầu tư khác.
Song song với đó, các đối tượng được sắp xếp ngồi ở vị trí đứng đầu các nhánh trong cây “nhị phân” của hệ thống góp vốn kiểu đa cấp để các đối tượng này nghiễm nhiên được hưởng toàn bộ lợi nhuận và hoa hồng của cả hệ thống.
Khi nhà đầu tư góp vốn, công ty sẽ ký hợp đồng thỏa thuận hợp tác đầu tư, cam kết trả lợi nhuận theo các gói đầu tư liên tục trong thời gian 90 ngày làm việc, với mức cực khủng 1,8% mỗi ngày. Tiến gắn mã code (mã đầu tư) cho các nhà đầu tư, các mã code này chỉ là các dãy số ảo có 9 đến 10 ký tự, có giá từ 2,5 triệu đến 250 triệu đồng. Thực tế hoa hồng và lợi nhuận mà nhà đầu tư được hưởng là lấy từ nguồn vốn góp của chính họ và lấy của nhà đầu tư sau trả cho nhà đầu tư trước.
Do phương thức hoạt động là lấy tiền người sau trả cho người trước nên khi số lượng nhà đầu tư sụt giảm, công ty của Tiến đã không có tiền để trả cho nhà đầu tư theo hợp đồng. Lúc này Tiến đã đưa ra hai phương án và yêu cầu các nhà đầu tư phải lựa chọn 1 trong 2 phương án:
Phương án 1 là trả lại Công ty cổ phần OTCMAX hợp đồng hợp tác đầu tư đã ký trước đó, ký giấy xác nhận thanh lý hợp đồng với Công ty, khi đó Công ty cam kết trả lại tiền cho nhà đầu tư trong thời gian 45 ngày làm việc.
Phương án 2 là Công ty cổ phần OTCMAX đề nghị các nhà đầu tư sử dụng số tiền còn lại mua (quy đổi) ra “cổ phiếu nội bộ” của Công ty cổ phần đầu tư Thiên Rồng Việt, lấy mã cổ phiếu TRV với mệnh giá 10 nghìn đồng/1 cổ phiếu và thực hiện qua sàn “otcmax.vn”.
Thực tế đến nay ở cả 2 phương án, các nhà đầu tư đều không nhận được đồng tiền nào vì các thông tin mà Tiến và đồng bọn đưa ra đều là giả mạo, không có thật.
Công ty cổ phần OTCMAX và Công ty cổ phần đầu tư Thiên Rồng Việt chưa đăng ký phát hành cổ phiếu, chưa được cấp phép giao dịch trên sàn chứng khoán.
Ngoài điều hành OTCMAX, đối tượng Tiến còn điều hành Công ty Thiên Rồng Việt với cách thức hoạt động tương tự.
Bằng thủ đoạn trên, Nguyễn Hữu Tiến và các đồng phạm đã lôi kéo được 10.126 nhà đầu tư tham gia, với tổng số tiền đầu tư là hơn 460 tỷ đồng. Các đối tượng khai nhận đã chiếm hưởng số tiền hơn 40 tỷ đồng.
Chân dung “ông trùm” đa cấp Nguyễn Hữu TiếnTheo tìm hiểu của PV, để điều hành công ty, ông “trùm” Nguyễn Hữu Tiến thuê một số người quen đứng tên cổ đông, trong đó, Tiến thuê Phạm Việt Sơn giữ chức danh tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật. Nguyễn Hồng Quân phụ trách lĩnh vực công nghệ thông tin.
Tất cả những người đứng tên trong ban lãnh đạo công ty và các cổ đông đều làm việc theo chỉ đạo của Tiến và được nhận lương hàng tháng.
Tại cơ quan điều tra, Phạm Việt Sơn khai nhận rằng, được Nguyễn Hữu Tiến thuê về làm giám đốc Công ty CP OTCMAX với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Vợ của Sơn cũng được Tiến thuê về làm kế toán cho công ty. Khi về OTCMAX, Sơn được giao nhiệm vụ ký hợp đồng hợp tác đầu tư với các khách hàng góp vốn đầu tư vào công ty.
Từ tháng 8/2016 đến tháng 12/2016 diễn ra 4 buổi hội thảo, Tiến là người phụ trách thuyết trình về các dự án để nhà đầu tư tin tưởng góp vốn. Khi các nhà đầu tư tin tưởng góp vốn, Tiến là người thu tiền.
Về hoạt động của công ty, Sơn khai nhận rằng trong khoảng thời gian trên, công ty không kinh doanh gì, cũng không liên hệ liên kết với các dự án mà Tiến giới thiệu trong các buổi hội thảo.
App MyAladdinz có dấu hiệu kinh doanh đa cấp trái phépBộ Công an cảnh báo phần mềm MyAladdinz đang huy động vốn, kinh doanh đa cấp trái phép
Các hợp đồng hợp tác đầu tư đều do Sơn ký nhưng chỉ ký mẫu vào một bản hợp đồng, sau đó công ty photo chữ ký và dán vào các hợp đồng đầu tư khác. Việc này Sơn biết rõ nhưng không phản đối.
Còn bị can Nguyễn Hồng Quân, tại CQĐT, Quân khai nhận từ tháng 12/2015 đến nay Quân làm thuê cho Tiến ở Công ty cổ phần đầu tư Thiên Rồng Việt, OTCMAX phụ trách lĩnh vực công nghệ thông tin. Các công ty này đều do Tiến sáng lập và điều hành mọi hoạt động của công ty.
Quân được Tiến phân công phụ trách mảng truyền thông nên Quân biết rõ Tiến thành lập công ty nhưng không thực hiện bất kỳ dự án nào. Quân khai nhận, mọi số tiền của NĐT Tiến dùng đầu tư làm việc riêng của Tiến.
Năm 2016, Tiến mời Quân tham gia cổ đông OTCMAX nhưng Quân từ chối vì Quân biết bị can Tiến thành lập công ty để lừa đảo các NĐT, mô hình Tiến xây dựng là mô hình đa cấp. Theo đó, toàn bộ nội dung phần mềm quản trị do Quân và Thượng xây dựng theo chỉ đạo của Tiến.
Theo lời khai của Quân, ở các buổi hội thảo, Quân đều tham gia và có quay phim ghi hình các buổi hội thảo này. Tiến chỉ đạo các buổi hội thảo phải được phát ở tạp chí do công ty cổ phần Thiên Rồng Việt phát hành, nội dung do Quân và Thư duyệt theo chỉ đạo của Tiến.
Trong các buổi hội thảo, Nguyễn Hữu Tiến kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào các dự án của công ty. Quân khai có tham gia các buổi hội thảo này và có quay phim ghi hình. Nội dung các buổi hội thảo được Quân thực hiện và được phát trên các tạp chí do Công ty CP Thiên Rồng Việt phát hành theo chỉ đạo của Tiến.
Trong khoảng thời gian từ tháng 8-12/2016, Cty CP OTCMAX của Nguyễn Hữu Tiến đã ký kết với hơn 6000 nhà đầu tư, tổng số tiền Tiến thu hơn 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền của các nhà đầu tư, Tiến đã không triển khai các dự án nhưng đã hứa với các nhà đầu mà dùng số tiền này với mục đích khác.
Cụ thể như trả lợi nhuận cho các nhà đầu tư khoảng 150 tỷ đồng; trả tiền thuê trụ sở công ty, thuê địa điểm tổ chức các hội thảo, tiệc chiêu đãi khách…hết 5 tỷ đồng; mua các trang thiết bị và chi phí thường xuyên cho hoạt động của công ty hết 15 tỷ đồng.
Trả lương cho nhân viên cũng hết 7 tỷ đồng; trả 1 tỷ đồng tiền mua 1 xe ô tô hiệu Camry do Cty Thiên Rồng Việt mua trả góp trước đó. Số tiền còn lại khoảng 22 tỷ đồng, Tiến đã tiêu xài cá nhân như uống café, ăn nhậu, tiếp khách…
An Vũ/DV