+
Aa
-
like
comment

Thủ đoạn của “cò đất” ngày càng tinh vi

16/11/2019 10:16

Cảnh giác những hành vi lừa đảo ngày càng tinh vi của cò đất thông qua việc làm giả giấy ủy quyền khiến cho cả chủ đất lẫn các tổ chức hành nghề công chứng đứng ngồi không yên.

Thủ đoạn của “cò đất” ngày càng tinh vi
Tình trạng dùng chiêu lừa bán đất nền của cò đất ngày càng phức tạp và tinh vi

Trong thời gian gần đây, tình trạng dùng chiêu lừa bán đất nền ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… của cò đất ngày càng phức tạp và tinh vi.

Chủ đất gặp hạn

Câu chuyện bà Trần Thị Ngọc Điệp, tại quận 3 TP.HCM là một ví dụ. Bà Điệp cho biết, sau khi rao bán khu đất tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương với giá 11 tỷ, thì ngay lập tức có một nhóm người đến trả giá và đặt vấn đề làm hợp đồng đặt cọc.

Sau khi đặt cọc là 1 tỷ, nhóm người này đã “nổ” với bà Điệp rằng quan hệ rộng nên sẽ tự làm thủ tục sang tên nhưng với điều kiện “phải làm giấy ủy quyền cho nhóm người này”. Đồng ý với phương án trên, 2 bên đã làm giấy ủy quyền tại một văn phòng công chứng tại Bình Dương.

Thời gian trôi qua hơn 2 tháng, nóng ruột, bà Điệp đã gọi điện cho nhóm người này thì được giải thích “trong sổ bị sai về số thửa…”, cho nên phải điều chỉnh lại, tuy nhiên để làm được điều này thì bà Điệp phải mượn được sổ đỏ nhà bên cạnh thì thị xã Bến Cát mới điều chỉnh và làm thủ tục sang tên.

Thấy những lý do vô lý, bà Điệp đã yêu cầu nhóm người kia trả lại sổ để trực tiếp đi làm. Tuy nhiên, sau khi nhận lại sổ bà phát hiện sổ đất của bà bị bóc xé te tua.

Chưa dừng lại ở đó, bà Điệp còn phát hiện nhóm người này còn giả mạo chữ ký của bà để ký giấy ủy quyền cho người khác khiến bà hết sức băn khoăn. Để đảm bảo cho miếng đất của mình, bà Điệp đã phải trực tiếp lên thị xã Bến Cát để làm lại giấy tờ với mục đích ngăn chặn hành vi nêu trên để tránh những rủi ro không đáng có.

Bà Hoàng Thị T, quận 1, TP.HCM cũng chia sẻ câu chuyện tương tự sau khi đang thông tin rao bán căn nhà ở phường Cầu Ông Lãnh, quận 1 với giá 16 tỉ đồng. Qua trao đổi với vài khách mua, một thời gian ngắn, bà H thấy có nhiều người đến nhà xem nhà nhưng thực chất là nhóm người này lại khẳng định là muốn bán nhà. Đáng ngạc nhiên là trên thực tế thì bà H vẫn là chủ nhà, vẫn đang sử dụng nhà và chưa từng bán cho ai.

Sau bà H mới ngớ ra sổ đỏ thật và tờ lệ phí trước bạ của mình đã không cánh mà bay từ lúc nào. Tìm hiểu thêm, bà H mới biết là sau khi có được hai bản chính giấy trên, ai đó đã giả mạo chị và dùng CMND giả tên bà đến Phòng Công chứng để công chứng hợp đồng ủy quyền cho người khác được quyền định đoạt nhà của bà…

Với những thủ đoạn tinh vi nêu trên, các đối tượng cò đất không chỉ khiến cho chủ đất lo lắng với nguy cơ dẫn đến tranh chấp vì các đối tượng này đã dùng giấy tờ giả để thế chấp ngân hàng, mà các tổ chức hành nghề công chứng cũng đứng ngồi không yên.

Thủ đoạn tinh vi

Một số đối tượng môi giới hay còn gọi là “cò đất” thông qua việc “làm hợp đồng đặt cọc, giả giấy ủy quyền…” với người bán để lừa cả người bán lẫn người mua, thậm chí là cả các tổ chức hành nghề công chứng.

Đáng chú ý, với khả năng “hoạt ngôn” của mình, các đối tượng cò đất đã “nổ” với người bán rằng có mối quan hệ tốt với chính quyền địa phương nên việc làm thủ tục sang tên đổi chủ khá nhanh chóng và vấn đề này giúp cho việc mua bán, thanh toán tiền nhanh hơn cho cả người bán và người mua.

Lợi dụng vào những thông tin này, các cò đất đề nghị chủ đất làm thủ tục ủy quyền để các đối tượng đi làm giấy tờ. Tuy nhiên, trên thực tế sau khi được chủ đất làm thủ tục ủy quyền, các đối tượng này đã ôm toàn bộ giấy tờ gốc rồi tự ý phân lô để rao bán nền cho nhiều người chứ không hề làm thủ tục sang tên đổi chủ như những gì các đối tượng này cam kết trước đó.

Chưa dừng lại ở đó, để đối phó với chủ đất, các đối tượng cò này còn làm “sổ đất giả”, giấy ủy quyền giả, sau đó sẵn sàng trả lại giấy tờ cho chủ đất với lý do “giấy tờ sai thửa đất, có tranh chấp…”. Thậm chí, các đối tượng này còn dùng giấy tờ thật của chủ đất để thế chấp ngân hàng. Và sự việc này chỉ thực sự vớ lẽ sau khi nhân viên ngân hàng thông báo với chủ đất là đất đang bị thế chấp không thể mua bán.

Đáng chú ý, trong sự việc này một số các văn phòng công chứng cũng dễ dàng trở thành nạn nhân do các cò đất dùng giấy tờ giả để thực hiện các hành vi giao dịch mua bán và thông qua công chứng. Và hai tổ chức hành nghề công chứng ở TP.HCM cùng mắc bẫy người giả, giấy tờ giả… là một ví dụ điển hình, đang là vấn đề bức xúc trong dư luận trong suốt thời gian qua.

(Theo CafeF)

Bài mới
Đọc nhiều