+
Aa
-
like
comment

Thủ đoạn bóp méo lịch sử “Chiến tranh biên giới” nhằm công kích lãnh đạo đất nước

An Diễm - 16/02/2022 16:09

Sau khi Việt Nam và các nước bình thường hóa quan hệ tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” cùng phát triển, chúng ta đã có những hạn chế nhất định trong việc thông tin về các sự kiện xung đột. Tuy nhiên, việc này trở thành cái cớ để các đối tượng chống phá xuyên tạc rằng, “Nhà nước hèn nhát không dám nhắc đến và còn cấm đoán nhân dân thông tin”.

Các đại biểu cắt băng khánh thành Đài tưởng niệm liệt sỹ Vị Xuyên

Sau khi giành thắng lợi trong cuộc chiến vĩ đại chống giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước vào năm 1975, tình hình Việt Nam chưa được yên ổn mà rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn. Biên giới phía Nam thì tập đoàn Khơ me đỏ Pôn pôt ra sức khiêu khích, buộc chúng ta phải phản công đẩy lùi. Biên giới phía Bắc thì vào tháng 2/1979, Trung Quốc huy động 60 vạn quân cùng nhiều khí tài kéo sang, mở đầu một cuộc chiến vô cùng tàn khốc. Với truyền thống yêu nước và ý chí quật cường, cả dân tộc Việt Nam đã đoàn kết một lòng, kiên quyết đánh bại hành động gây chiến tranh, buộc quân Trung Quốc phải rút khỏi Việt Nam ngày 18/3/1979, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Thế nhưng, cuộc chiến này cũng kéo theo những xung đột dai dẳng hàng chục năm.

Kinh tế đất nước bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh chống Mỹ, lại phải căng sức với những cuộc chiến mới nên nhanh chóng kiệt quệ, trong khi đó thì Liên Xô và các nước Đông Âu lại dần suy yếu. Đứng trước tình hình này, Việt Nam đã phải thực hiện những cuộc cải tổ chính sách cả về đối nội lẫn đối ngoại để vực dậy đất nước. Đại hội Đảng lần thử VI năm 1986 phát động công cuộc đổi mới, chấp nhận sự tồn tại hợp pháp và bình đẳng của nhiều thành phần kinh tế, xây dựng cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kết quả là nền kinh tế đã có bước phát triển vượt bậc, từ một nước thiếu lương thực trầm trọng chúng ta đã dần tự chủ và ngày nay vươn lên trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới.

Trong xu hướng thay đổi, chính sách đối ngoại cũng được điều chỉnh, bằng việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, đánh dấu bằng Hội nghị Thành Đô từ ngày 3 đến ngày 4/9/1990. Phát huy truyền thống nhân văn, nhân đạo, bang giao hòa hiếu, Việt Nam đã làm hết sức mình, thực hiện gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, phấn đấu cho lợi ích của mỗi quốc gia và nguyện vọng nhân dân hai nước. Tiếp theo, ngày 11/7/1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước, gác lại quá khứ và mở ra một chương mới trong lịch sử hai nước. Từ đây, Việt Nam chính thức vượt khỏi vòng phong tỏa, phát triển mạnh mẽ về mọi mặt với tất cả các quốc gia trên thế giới.

Khi đã chấp nhận bình thường hóa quan hệ, coi nhau là bạn thì đương nhiên phải hạn chế tối đa các phát ngôn kích động thù hận quá khứ. Đó là lý do vì sao nhà nước luôn kỷ niệm các ngày lễ chiến thắng nhưng cũng hạn chế nhắc đến tên các quốc gia từng là cựu thù như Trung Quốc hay Mỹ. Theo thời gian, khi mối quan hệ đã đủ bền chặt và tin tưởng thì có thể dần dần đưa mở thông tin một cách công khai và rộng rãi. Không phải là chúng ta sợ mà đó là đường lối ngoại giao khôn khéo được áp dụng từ nghìn năm qua. Nói thẳng, nếu chúng ta sợ thì không có chuyện, lãnh đạo Nhà nước, mới đây nhất là Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thắp hương tưởng niệm các tử sĩ, bày tỏ lòng thành kính với các chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Trung Quốc năm 1979.

Ấy vậy nhưng, Chân Trời Mới Media vẫn lu loa, Nhà nước “hèn nhát” không dám nhắc đến tên Trung Quốc, không cho nhân dân bàn luận về cuộc chiến. Và để nối dài luận điệu xuyên tạc này, họ chế thêm các tình tiết như “Việt Nam xin Trung Quốc làm hòa”, “Chính phủ sợ dân biết về cuộc chiến sẽ có hại cho chính sách, gây sức ép buộc Nhà nước phải rời xa Trung Quốc”, “Việt Nam là chư hầu của Trung Quốc”.

Như đã nói ở trên, việc hạn chế thông tin chính thức để tránh kích động thù hằn nhằm giữ gìn quan hệ ngoại giao khác hoàn toàn với việc cấm đoán nhân dân hay hèn nhát. Ngay cụm từ “gác lại quá khứ” mà không phải “đóng lại quá khứ” cũng nói rõ hàm ý rằng chúng ta luôn đề cao cảnh giác, “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc… bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc; bảo vệ nền văn hoá dân tộc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng tỉnh táo ngăn chặn và đẩy lùi những tư tưởng và hành động quá khích biểu tình, bạo loạn gây phương hại tới mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam – Trung Quốc, phá vỡ môi trường hoà bình.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều