Thủ đô Hà Nội là trọng điểm của những kẻ xuyên tạc, chống phá
Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, là trái tim của cả nước.
Với vị trí địa-chính trị và địa-kinh tế quan trọng, Thủ đô cũng là nơi các thế lực thù địch thường xuyên sử dụng thông tin xuyên tạc, bịa đặt để kích động, phá hoại…
Không chỉ đưa tin thất thiệt, chúng còn thường xuyên kêu gọi người dân tụ tập, biểu tình chống lại các chủ trương phát triển, gây ảnh hưởng tới an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
Từ phá hoại những chủ trương, chính sách lớn
Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến là “trái tim” của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, là “Thành phố vì hòa bình”.
Luật Thủ đô quy định: “Thủ đô là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước”.
Với vai trò và vị thế đặc biệt quan trọng ấy, Hà Nội luôn là tâm điểm chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng, nhất là từ khi Thành phố Hà Nội mở rộng địa giới hành chính năm 2008 đến nay.
Có thể khái quát một số luận điệu các thế lực thù địch và kẻ xấu thường xuyên xuyên tạc, kích động như sau:
Một là, xuyên tạc chủ trương mở rộng địa giới hành chính của Thành phố Hà Nội.
Từ khi Nhà nước ta có chủ trương và ra quyết định mở rộng địa giới hành chính của Thành phố Hà Nội đến nay, nhiều đài báo nước ngoài và các trang mạng vẫn nhai đi nhai lại những luận điệu xuyên tạc, như: “Hà Nội nuốt chửng Hà Tây”, “Hà Tây mất đất”, “Sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội-Ai là người trục lợi?”…
Từ đó, họ kêu gọi: “Trả lại đất cho người dân Hà Tây”, “Hà Nội và Hà Tây có nên chia tay?”… Đài VOA tiếng Việt còn xuyên tạc khi viết: “Chủ trương lớn” nhưng “sống chết mặc bay”, hoặc bài “Từ sáp nhập Hà Nội liên hệ tới Luật Đặc khu” với nội dung kích động biểu tình.
Hai là, xuyên tạc, chống phá chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố Hà Nội.
Để Hà Nội xứng với tầm vóc là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, Đảng, Nhà nước cho phép xác lập cơ chế đặc thù cho Thủ đô Hà Nội trong 7 lĩnh vực: Quy hoạch, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, môi trường-đất đai; kinh tế-tài chính, an ninh-an toàn xã hội được quy định trong Luật Thủ đô.
Thế nhưng, trên không gian mạng xuất hiện thông tin xuyên tạc luật này với những luận điệu sai trái, điển hình, như: Trang Chân trời mới Media của tổ chức khủng bố Việt Tân tung clip với tiêu đề: “Từ Luật Thủ đô tới Luật 3 đặc khu nghĩ về Quyền dân bị đảng tước đoạt” với nội dung xuyên tạc trắng trợn rằng Luật Thủ đô không đủ số phiếu hợp lệ để thông qua, Luật Thủ đô không có giá trị gì.
Trên thực tế, phải khẳng định rằng, việc điều chỉnh địa giới hành chính Thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta và quyết tâm chính trị lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tây (cũ) trong tình hình mới.
Nghị quyết số 15/NQ/QH12 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp Hà Nội có thêm không gian quy hoạch phát triển một thủ đô văn minh, hiện đại, với tầm nhìn không chỉ 20-30 năm mà còn dài hơn nữa.
Tiềm năng đất đai, nguồn nhân lực sau khi địa giới hành chính Thủ đô được mở rộng sẽ tạo điều kiện để Hà Nội phát triển cả về không gian kinh tế, hệ thống kết cấu hạ tầng, kiến trúc đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, cùng với hàng nghìn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các địa phương sẽ góp phần khẳng định vị thế trung tâm của Thủ đô, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn và hiệu quả hơn của vùng đất Thăng Long-Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Việc mở rộng địa giới hành chính cũng giúp Thủ đô Hà Nội gắn với không gian rừng núi trung du Tây Bắc, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai xây dựng thế trận vững chắc về quốc phòng, an ninh, đem lại thế và lực mới cho Thủ đô phát triển bền vững, ổn định, lâu dài…
Do đó, luận điệu sai trái trên chẳng những mơ hồ về mặt lý luận mà còn trái ngược với thực tiễn phát triển sinh động của Thủ đô.
Sự thật thì sao? Sự ra đời và thực hiện Luật Thủ đô 5 năm qua cho thấy: Đây là văn bản pháp lý đặc biệt quan trọng đối với Hà Nội, trong đó quy định nhiều cơ chế, chính sách đặc thù.
Cùng nỗ lực của thành phố và sự hỗ trợ, tạo điều kiện kịp thời của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương trong việc tiếp tục đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống sẽ giúp Hà Nội phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, chứ không như những điều mà các thế lực thù địch xuyên tạc ở trên.
Nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông của Thủ đô, Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội thực hiện theo đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường phố đã được Ủy ban Nhân dân thành phố thông qua với việc đốn hạ 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố.
Đây cũng là “cơ hội” để cho những kẻ “mượn gió bẻ măng” trong vụ biểu tình vì cây xanh tại Hà Nội, như: Tổ chức khủng bố Việt Tân, nhóm “No U”, “Hội anh em dân chủ”…
Nhận định về vụ việc lần này, một lãnh đạo Thành phố Hà Nội từng chỉ rõ: “Các trang mạng lợi dụng nói vống lên, kích động nhân dân xuống đường biểu tình.
Nhân danh bảo vệ cây xanh nhưng thực ra là chống chế độ, chống lại chính quyền các cấp. Đây là sự kích động từ bên ngoài chứ không nhầm lẫn với cái bức xúc của người dân phê bình chính đáng”.
Các đối tượng muốn biến các cuộc xuống đường biểu tình thành các phong trào để bọn chúng lên án chế độ, chính quyền, thực hiện “cách mạng đường phố”.
Đến phá hoại các dự án kinh tế-xã hội
Ba là, xuyên tạc, chống phá việc triển khai các công trình, dự án kinh tế-xã hội trên địa bàn Thủ đô, nhất là những công trình liên quan tới quốc phòng và an ninh.
Nội dung thông tin và luận điệu xuyên tạc của các thế lực chống đối trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh hiện nay hết sức tinh vi, xảo quyệt, đa dạng, với nhiều biểu hiện, nhưng không khó nhận diện.
Chủ yếu vẫn là: Đòi “phi chính trị hóa” quân đội và công an, phủ nhận nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với lực lượng vũ trang và sự nghiệp quốc phòng – an ninh; tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng về công tác quốc phòng – an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, nhất là “thế trận lòng dân”.
Thậm chí, chúng còn dàn dựng những tình huống va chạm với cảnh sát giao thông để quay phim, chụp ảnh rồi tuyên truyền xuyên tạc bản chất sự việc.
Chúng đặc biệt chú ý đến trạng thái tâm lý của quân và dân ta trên địa bàn Thủ đô, của dư luận xã hội để tuyên truyền, xuyên tạc vị trí, chức năng, nhiệm vụ của quân đội và công an; đặt lợi ích kinh tế đối lập với lợi ích quốc phòng – an ninh; đối lập giữa hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhằm phủ định vai trò của quốc phòng – an ninh…
Chúng lợi dụng việc Thành phố Hà Nội xử lý một số sự việc liên quan đến quản lý đất đai để lôi kéo những người dân nhẹ dạ cả tin, một số thành phần cơ hội chính trị trong nước, bọn phản động ở nước ngoài kích động, hình thành các điểm nóng khiếu kiện kéo dài.
Thời gian gần đây, các thế lực thù địch còn tập trung xuyên tạc một số dự án kinh tế do các tập đoàn kinh tế tư nhân triển khai.
Chúng cố tình bóp méo, nhào nặn ra các câu chuyện về nhóm lợi ích, “tư bản thân hữu” để xuyên tạc đường lối lãnh đạo phát triển kinh tế tư nhân của Đảng, tạo dư luận xấu, gây hoang mang, bức xúc trong nhân dân.
Đẩy lùi thông tin xuyên tạc, phá hoại
Để làm thất bại các luận điệu chống phá của các thế lực thù địch, cần tập trung làm tốt một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô trước những thông tin xấu độc của các thế lực thù địch trên không gian mạng liên quan đến sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.
Tích cực tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chỉ thị, nghị quyết của Thành ủy, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô…
Làm rõ thực chất đằng sau luận điệu của các thế lực thù địch; đâu là thủ đoạn mới, tính chất nguy hại của nó là gì để đấu tranh ngăn chặn, hạn chế tác động tiêu cực…
Hai là, phát huy vai trò của các cơ quan chức năng cung cấp thông tin định hướng chính xác, kịp thời.
Các cơ quan tuyên giáo, thông tin truyền thông cần phát huy tốt vai trò, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí trong cung cấp, định hướng thông tin, bảo đảm thông tin chính xác, kịp thời; khắc phục “khoảng trống” hoặc sự chậm trễ trong cung cấp thông tin, nhất là khi có những sự việc phức tạp, những luồng dư luận tiêu cực.
Các cơ quan thông tin và truyền thông, nhất là báo chí ở Thủ đô và cả nước phải góp phần tạo nên sự đồng tâm, đồng thuận xã hội.
Báo chí phải thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước, chính quyền với nhân dân, là người tuyên truyền, hướng dẫn, cổ vũ nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và Thành phố Hà Nội, đồng thời là diễn đàn xã hội rộng rãi để phát huy dân chủ, phát huy những giá trị văn hóa tiến bộ hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, là diễn đàn để nhân dân tham gia các công việc của đất nước, của thành phố, giám sát và phản biện xã hội, nâng cao trình độ dân trí, động viên cổ vũ nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển của Thủ đô Hà Nội toàn diện, bền vững.
Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi tổ chức, lực lượng trong đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đồng bộ, phù hợp, phân rõ trách nhiệm cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp; vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu, cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp của thành phố.
Đồng thời, có chính sách động viên, khích lệ phù hợp, bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, dịch vụ, công cụ, phương tiện phù hợp để phục vụ nhiệm vụ đấu tranh.
Bốn là, kết hợp chặt chẽ các nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức đấu tranh phù hợp với thực tiễn tình hình Thủ đô.
Cần kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh công khai trên báo chí với đấu tranh trực diện trên internet, mạng xã hội; đấu tranh trên báo chí, mạng xã hội với đấu tranh trên thực địa; giữa đấu tranh ngăn chặn sự tác động chuyển hóa từ bên ngoài với giữ vững sự ổn định từ bên trong nội bộ; giữa đấu tranh chính trị với sử dụng các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ để ngăn chặn, bóc gỡ, vô hiệu hóa một số trang mạng, blog, facebook phản động…
(Theo Quân Đội Nhân Dân)