Thủ đô bị tấn công, người Việt ở Kiev đứng trước lựa chọn khó khăn
Thủ đô bị tấn công, người Việt tại Kyiv phải lựa chọn theo dòng người di tản về hướng tây, tìm những căn hầm để trú ẩn hoặc vững lòng sống trong căn hộ của mình…
Buổi sáng của “ngày chiến sự thứ 2”, ông Nguyễn Xuân Đạt (ở Kyiv, Ukraine) nhận được một clip của cậu bạn người Ukraine. Clip ghi lại cảnh tại một cây cầu bị công binh giật sập.
“Quân đội Ukraine vừa phá hủy một cây cầu trên tuyến đường bộ thẳng từ biên giới Belarus về thủ đô Kyiv, hy vọng làm chậm bước tiến của quân Nga”, ông Đạt chia sẻ.
Hai ngày qua, người đàn ông gốc Việt sống cùng vợ và 3 đứa con đối mặt với điều mà ông chưa bao giờ trải qua trong suốt 30 năm định cư ở Kyiv: Thủ đô bị tấn công.
Di tản hoặc ở yên
Sau khi nghe thông tin quân đội Nga tiến thẳng đến Kyiv, một số gia đình người Việt đã di tản về phía tây ngoại ô Kyiv để tránh xa vùng chiến sự. Số khác tìm kiếm các căn hầm trú ẩn để ở tạm. Riêng ông Đạt và gia đình vẫn quyết định ở lại trong căn hộ của mình tại chung cư.
“Tôi nghĩ đi đâu trong đất nước Ukraine thì cũng không thoát được chiến sự, chưa kể ‘tên bay đạn lạc’ trong quá trình di chuyển thì còn nguy hiểm đến tính mạng cả gia đình. Xem tình hình cụ thể như nào đã”, ông chia sẻ.
Sáng 25/2, ông Đạt nghe thấy tiếng đạn pháo vọng quanh thủ đô Kyiv, thỉnh thoảng lẫn cả tiếng súng của bộ binh. Thông tin báo đài cho biết quân Nga đã ở rất gần.
Bằng giọng nói không có vẻ gì là chắc chắn, người đàn ông có vợ và 3 đứa con chia sẻ thêm: “Mục tiêu của Nga là chính quyền của tổng thống đương nhiệm và quân đội Ukraine, chứ tôi tin họ sẽ không đụng đến dân thường. Hy vọng thế”.
Trong vô số những thông tin gửi về từ mặt trận, ông Đạt được biết rằng quân đội Nga đã bị trì hoãn đà tấn công sau khi áp sát Kyiv. “Quân đội Nga mà không đạt được yêu sách thì tôi tin họ sẽ đánh thẳng vào Kyiv”, ông Đạt dự đoán.
Một mặt, người đàn ông Việt kiều hy vọng rằng 2 chính quyền sẽ tìm được giải pháp vãn hồi hòa bình và Kyiv của ông sẽ không bị tấn công. Mặt khác, ông lo sợ rủi ro “tên bay đạn lạc” khi chiến sự tiếp tục căng thẳng.
Thời điểm ông Đạt chia sẻ với phóng viên (9h ngày 25/2, giờ Ukraine), thủ đô Kyiv của Ukraine đã bị bao vây 3 phía đông, nam, bắc. Chỉ còn hướng tây chưa bị bao vây. Rumani, Hungary và Ba Lan – 3 nước giáp Ukraine ở phía tây – đã mở biên giới để đón dòng người di tản.
Nỗi lo “người Việt thế hệ thứ 2”
Từ thành phố Kharkiv, ông Nguyễn Văn Hiệp (50 tuổi) và gia đình đã phải rời bỏ căn nhà của mình sau khi nhận ra nó nằm quá gần một sân bay và nhà máy sản xuất khí tài quân sự – những địa điểm có thể trở thành mục tiêu tấn công. Ông cũng nhận được thông tin rằng bộ binh Nga có thể tiến vào Kharkiv, chưa biết chính xác khi nào.
“Kharkiv là thành phố tiền đồn của Ukraine, nằm giáp biên giới với Nga. Nơi đây cũng là thủ phủ công nghiệp của đất nước và có mật độ người Việt ở đông nhất”, ông Hiệp chia sẻ.
Ông cùng vợ và 2 cô con gái (13 và 17 tuổi) chuyển đến trú ẩn trong một căn hầm của người đồng hương cách đó vài km. Những ngày này, 2-3 hộ gia đình người Việt sẽ tụ lại ở chung một căn hầm để chia sẻ nhu yếu phẩm, giúp đỡ và động viên nhau về mặt tinh thần.
“Xăng dầu khan hiếm, các quầy hàng vẫn mở cửa nhưng hàng hóa bên trong đã bị vét sạch. Kiều bào đang phải nương tựa và chia sẻ với nhau”, ông Hiệp chia sẻ.
Dưới căn hầm, ông đã chuẩn bị riêng cho gia đình mình những can xăng để đảm bảo có thể lái xe đưa cả nhà di tản trong tình huống xấu nhất.
“Vợ chồng tôi có 2 con gái nên không quá lo lắng. Nhưng rất nhiều người đồng hương có con trai đã lớn, họ đang giữ những đứa trẻ ở nhà”, ông nói.
Sau hàng chục năm định cư tại quốc gia Đông Âu này, nhiều người Việt “thế hệ thứ nhất” đã lập gia đình, sinh con đẻ cái. Những đứa trẻ thuộc “thế hệ thứ 2” trưởng thành và mang quốc tịch Ukraine. Điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ phải thực hiện mọi nghĩa vụ công dân khi đất nước ban lệnh tổng động viên.
Ngày 24/2, sau khi quân đội Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào lãnh thổ Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ban bố sắc lệnh tổng động viên, cấm nam giới 18-60 tuổi rời đất nước.
Theo ông Hiệp, những thanh niên gốc Việt mang quốc tịch Ukraine sẽ phải gia nhập quân đội. Gần như không có cơ hội để một đại gia đình người Ukraine gốc Việt có thể di tản cùng nhau.
“Đi thì đi cả, không thì cùng ở lại. Nhiều gia đình người Việt vì có con cái mang quốc tịch Ukraine đến tuổi nhập ngũ nên họ chấp nhận ở lại và chờ đợi”, ông Hiệp chia sẻ.
Trước diễn biến phức tạp tại Ukraine, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao gửi lời thăm hỏi và một số lưu ý tới cộng đồng người Việt tại đây.
Ủy ban khuyến cáo cộng đồng người Việt tại Ukraine bình tĩnh, theo dõi sát tình hình, thực hiện nghiêm hướng dẫn của nhà chức trách địa phương. An ninh, trật tự, giao thông tại một số thành phố có thể bất ổn. Vì vậy, người dân cần cân nhắc ở yên tại chỗ, chuẩn bị nhu yếu phẩm và tìm nơi trú ẩn an toàn.
Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam sẽ nỗ lực bảo hộ công dân và hỗ trợ cộng đồng vượt qua khó khăn. Ủy ban đề nghị các hội đoàn phát huy vai trò nòng cốt, thường xuyên giữ liên hệ, nắm tình hình, động viên người dân và thông báo cho Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine nếu có vấn đề phát sinh để kịp thời phối hợp giải quyết.
Ngọc Trân