Thủ tướng: ‘8G’ để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra khái niệm “8G” (Giao, Giáo, Giang, Gắn, Giàu, Giỏi, Già, Giới) để vận dụng trong thực tiễn, phát triển cho vùng ĐBSCL.
Trưa 13/3, phát biểu kết luận chỉ đạo hội nghị lần thứ 3 về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu diễn ra tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nhiều ý kiến, báo cáo, tham luận sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm, đầy trăn trở.
Nhắc lại câu ca dao “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/Ăn gạo nhớ kẻ đâm, xay, dần, sàng”, ông gửi lời cảm ơn đến người dân miền Tây đã cần cù lao động, làm ra các sản phẩm nông sản, bảo đảm an ninh lương thực cho Việt Nam và một phần thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra khái niệm “8G” (Giao, Giáo, Giang, Gắn, Giàu, Giỏi, Già, Giới) để vận dụng trong thực tiễn, phát triển cho vùng ĐBSCL.
“Giao” là Giao thông. Tức là phải dành nguồn lực và tập trung ưu tiên phát triển hệ thống giao thông thủy lợi của toàn vùng ĐBSCL, nhất là hệ thống đường cao tốc tạo sự liên kết thuận tiện, chi phí thấp.
“Giáo” là “Giáo dục”. Theo Thủ tướng, giáo dục là chìa khóa vàng đối với phát triển bền vũng của ĐBSCL. Giáo dục là đáp án cho bài toán phát triển ngắn hạn và cả dài hạn.
“Giang” có nghĩa là sông. ĐBSCL là vùng sông nước. Kinh tế và sinh kế người dân gắn liền với sông. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng chiến lược phát triển ĐBSCL cần tận dụng lợi thế, phát huy vài trò của sông để phát triển nông nghiệp, lúa gạo, trái cây, thủy sản.
“Gắn” là gắn kết trung ương địa phương, nhà nước với thị trường, người dân và doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là gắn kết vùng ĐBSCL.
“Giàu”, theo Thủ tướng ĐBSCL cần thu hút người giàu, doanh nghiệp có tiềm lực tới đầu tư phát triển kinh tế địa phương.
“Giỏi” tức là thu hút tài năng đến đóng góp chất xám trí tuệ cho sự phát triển của ĐBSCL.
“Già” tức là già hóa dân số và chính sách an ninh xã hội. ĐBSCL có mức độ dân số già hóa dân số cao hơn cả nước. Đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương về kinh tế văn hóa xã hội lẫn môi trường. Do đó ĐBSCL cần chủ động cho vấn đề dân số già hóa và hình thành mạng lưới an sinh xã hội để nâng đỡ cho người già và yếu thế.
“Giới” có nghĩa là cần phải thúc đẩy bình đẳng giới tiếp cận cơ hội việc làm phát huy vai trò của người phụ nữ.
THANH TIẾN – CHU HUY