Thông tư “cởi trói” cho bệnh viện công
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 14/2023/TT-BYT “cởi trói” cho bệnh viện công lập về những khó khăn trong thủ tục xây dựng các gói thầu, đặc biệt là việc xác định giá các gói thầu mua sắm hàng hoá, vật tư, trang thiết bị y tế trong bối cảnh cấp bách hiện nay.
Thời gian qua, những vướng mắc trong việc thực hiện các gói thầu trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế hay trang thiết bị y tế liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng còn nhiều thủ tục liên quan chưa được quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán… đã khiến các bệnh viện gần như “tê liệt”, ảnh hưởng lớn đến công tác khám chữa bệnh. Các bác sĩ đã cố gắng khắc phục tình trạng thiếu vật tư, trang thiết bị thiết yếu trong một thời gian dài, mà không thể yêu cầu bệnh nhân mua vật tư, hóa chất ở ngoài mang vào. Nhiều ca mổ nội soi cần 3-4 dụng cụ, các bác sĩ phải tận dụng đồ cũ hấp lại, hoặc dùng đồ cá nhân của mình, song ngay cả những đồ như vậy cũng không còn nhiều.
Trước những khó khăn của ngành y tế, Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ được ban hành ngày 4/3 đã cơ bản tháo gỡ vướng mắc về thiếu trang thiết bị, vật tư tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập. Với việc tự động gia hạn giấy phép nhập khẩu, các bệnh viện có thể nhập thiết bị y tế dễ dàng hơn.
Tiếp theo những nỗ lực ấy, Bộ Y tế vừa ban hành thông tư 14. Đây là văn bản quan trọng, đã tháo gỡ được khó khăn cấp bách liên quan tới việc xác định giá của các gói thầu tại các bệnh viện công lập. Thông tư cho phép các bệnh viện được đấu thầu thuốc, mua thiết bị, vật tư chào giá cao nhất, phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn. Bệnh viện không nhất thiết phải mua mặt hàng giá thấp dẫn đến “dao mổ rạch ba lần không qua da” như từng xảy ra ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).
Thông tư cũng đã mở rộng phạm vi đến vấn đề sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị y tế. Cụ thể, nhiều máy công nghệ cao phục vụ chụp chiếu thường ngày cho người dân chỉ có thể thay thế linh kiện của chính hãng máy đó. Trước đây, nếu muốn sửa chữa, bảo dưỡng thì phải có 3 báo giá. Thông tư 14 hướng dẫn rõ, trong trường hợp bảo dưỡng máy móc, bệnh viện có thể có 1 đến 2 báo giá, chủ đầu tư sẽ giao hội đồng xem xét, lựa chọn mà không phải chờ đủ 3 báo giá.
Mặc dù đã được “cởi trói”, nhưng nhiều bệnh viện vẫn còn băn khoăn, lo lắng về việc thiếu trang thiết bị, vật tư y tế trong thời gian tới, do hiện nay, nguồn cung từ các nhà cung cấp đang bị thiếu. Thậm chí, có hạng mục mời thầu nhiều lần, nhưng chỉ có 1-2 nhà thầu, hoặc không có nhà thầu nào tham gia. Nguyên nhân do đơn vị nhập khẩu cũng gặp khó khăn về nguồn cung từ nước ngoài, nên nguồn hàng bị gián đoạn, không có hàng hoặc phải chờ hàng rất lâu.
Tất nhiên, không thể nào yêu cầu một quy định mới vừa ban hành đã đáp ứng ngay được những vướng mắc về cơ chế cả một thời gian dài. Tuy nhiên, ít nhất cũng đã ghi nhận sự nỗ lực và cố gắng của Chính phủ trong việc cấp bách “cởi trói” cho bệnh viện nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Công Luân