Thông tin về lừa đảo chiếm đoạt thông tin cá nhân trên mạng là giả mạo
Trung tâm Xử lý Tin giả Việt Nam khẳng định thông tin “Vừa rồi đồng nghiệp của tôi nhận được một cuộc gọi hỏi rằng anh ấy đã được tiêm phòng chưa. Nếu anh ta tiêm phòng, hãy nhấn phím 1;… ” đang lan truyền trên mạng là giả mạo
Ngày 29-8, Trung tâm Xử lý Tin giả Việt Nam thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định thông tin lan truyền trên trên mạng xã hội về lừa đảo chiếm đoạt thông tin cá nhân trên mạng là giả mạo.
Cụ thể, Trung tâm Xử lý Tin giả Việt Nam đã phát hiện trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin “Vừa rồi đồng nghiệp của tôi nhận được một cuộc gọi hỏi rằng anh ấy đã được tiêm phòng chưa. Nếu anh ta tiêm phòng, hãy nhấn phím 1; nếu anh ta chưa được tiêm phòng, nhấn phím 2. Kết quả là anh ta nhấn phím 1, điện thoại bị chặn và thông tin ngân hàng trực tuyến và thẻ thanh toán swk thường xuyên sử dụng của anh ta đều được chuyển…”.
Qua kiểm tra, xác minh từ cơ quan chức năng, Trung tâm Xử lý Tin giả Việt Nam khẳng định nội dung thông tin trên là giả mạo.
Trung tâm Xử lý Tin giả Việt Nam khuyến cáo người dân và cộng đồng mạng không chia sẻ tin giả nêu trên, khi có yêu cầu hỗ trợ liên quan dịch bệnh hãy gọi ngay cho đường dây nóng của chính quyền địa phương, ngành y tế, công an và lực lượng chức năng khác. Vụ việc sẽ được chuyển cơ quan chức năng để xem xét, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng Việt Nam và TP HCM nói riêng đã xử lý rất nhiều đối tượng chia sẻ thông tin không đúng sự thật. Tại TP HCM, từ tháng 4-2021 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã tiến hành xử phạt 15 trường hợp vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 122,5 triệu đồng.
Trong đó, xử phạt về hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, xuyên tạc sự thật là 7 trường hợp; chia sẻ thông tin gây hiểu lầm, hiểu sai nội dung, gây hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 là 8 trường hợp.
Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông cùng với các cơ quan chức năng thuộc TP HCM đã xử lý 2 vụ án hình sự liên quan đến đối tượng Phan Hữu Điệp Anh (tung tin sai sự thật) và đối tượng Lê Thị Kim Dung (dẫn người đi tiêm vắc-xin để trục lợi).
Phan Anh