Thống nhất Bộ Công an phụ trách cấp, quản lý bằng lái xe
Ba bộ thống nhất để Bộ Công an báo cáo Quốc hội dự thảo luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó có quy định về cấp bằng lái xe có 12 đểm/năm.
Chính phủ đồng ý để Bộ Công an soạn thảo quy định về sát hạch và cấp giấy phép lái xe nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Chính phủ vừa có tờ trình dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an soạn thảo.
Theo sự thống nhất của Bộ Công an, Bộ GTVT và Bộ Tư pháp, lĩnh vực sát hạch, cấp giấy phép lái xe vốn thuộc phạm vi quy định của Luật Giao thông đường bộ sẽ được chuyển sang phạm vi quy định của Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ (đang được soạn thảo).
Bộ trưởng Công an Tô Lâm thừa ủy quyền Thủ tướng vừa ký tờ trình số 399 về dự án luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Chính phủ gửi tới các cơ quan của Quốc hội để phục vụ việc thẩm tra. Trong tờ trình chỉ giữ một phương án quy định về nội dung đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe.
Giấy phép lái xe có nhiều thay đổi
Dự luật này được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Theo đó, Chính phủ xây dựng song song 2 dự án luật về lĩnh vực này gồm: Dự Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Trong đó, Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ hướng tới mục tiêu lớn nhất là bảo vệ quyền con người, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông.
Còn Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) với mục tiêu lớn nhất là đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải đường bộ.
Theo Đại tướng Tô Lâm, trong quá trình xây dựng dự Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đã nghiên cứu, tham khảo pháp luật của nhiều nước. Hầu hết các nước đều có luật chuyên biệt về trật tự, an toàn giao thông, tách bạch với quy định về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ.
Vì vậy, nội dung dự luật được thể hiện theo đúng quan điểm được Chính phủ thống nhất trong Nghị quyết 123 về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8 của Chính phủ.
Theo đó, dự Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ có phạm vi điều chỉnh là quy định các vấn đề về quy tắc giao thông; đăng ký và cấp, thu hồi biển số xe cơ giới; đào tạo, sát hạch và cấp, cấp lại, đổi, thu hồi giấy phép lái xe; điểm của giấy phép lái xe; tổ chức an toàn giao thông và chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết ùn tắc, tai nạn giao thông; các biện pháp thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm về an toàn giao thông đường bộ.
Tại Nghị quyết 123, nội dung quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe vẫn được thể hiện với 2 phương án là thể hiện trong luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (phương án 1) và tiếp tục được thể hiện trong luật Giao thông đường bộ (phương án 2).
Tuy nhiên, dự Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an sửa đổi một số hạng giấy phép lái xe so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 như quy định 1 hạng B để cấp bằng cho người lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ; bỏ quy định hạng E, các hạng F; quy định về điểm của giấy phép lái xe…
Ngoài ra, giấy phép lái xe có 12 điểm trong 12 tháng. Giấy phép lái xe bị trừ hết điểm sau thời hạn 6 tháng thì người lái xe phải sát hạch lại. Nếu giấy phép lái xe còn điểm thì được phục hồi 12 điểm sau 12 tháng kế tiếp.
Bộ Công an chủ trì cấp bằng lái xe
Tuy nhiên, Bộ trưởng Công an vẫn báo cáo 2 phương án quy định về việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe để đưa ra xin ý kiến mặc dù “đa số thành viên Chính phủ đồng ý với phương án 1.
Bộ trưởng Công an cũng cho biết, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp đã thống nhất để Bộ công an báo cáo Quốc hội theo phương án 1. Theo đó, việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của dự Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (do Bộ Công an chủ trì).
Còn phương án 2 vẫn được Chính phủ đưa ra “để Quốc hội tham khảo” vì từ năm 2001 đến nay, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ và được thực hiện ổn định, nay đang được xã hội hóa mạnh mẽ.
Theo phân tích của Bộ Công an thể hiện trong tờ trình, phương án này không phù hợp với cấu trúc, mục tiêu và nội dung của dự luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là thúc đẩy mạnh mẽ kết cấu hạ tầng hiện đại, hiệu quả, nâng cao chất lượng hệ thống mạng kưới đường bộ, phát triển vận tải đường bộ phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới.
Thành Nhân