Thống lĩnh ASEAN, Việt Nam đi đầu ngó lơ Trung Quốc
Khi các nhà mạng di động tại một số quốc gia trong Đông Nam Á như Phlippines, Thái Lan tiếp tục sử dụng linh kiện của Huawei cho mạng 5G, bất chấp mọi tranh cãi và cáo buộc liên quan đến rủi ro bảo mật mà các thiết bị của công ty này có thể gây ra. Thì Việt Nam đã quyết định khước từ, không nhập bất cứ thiết bị nào của Huawei mà tự mình phát triển mạng 5G. Lý do gì mà Việt Nam có bước đi can đảm, “ngược dòng” với các nước trong khu vực, đi đầu quay lưng với Huawei như vậy?
Mặc dù không có bằng chứng công khai chứng minh rằng Huawei có liên quan đến tình báo Trung Quốc và công ty công nghệ này nhiều lần phủ nhận cáo buộc. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng Huawei sẽ có nghĩa vụ hợp tác, bắt tay ngầm cung cấp dữ liệu cho chính phủ Trung Quốc, nếu cần. Bởi, theo Điều 7 của Luật Tình báo quốc gia nước này thì: “Tất cả mọi doanh nghiệp và công dân sẽ phải hỗ trợ, hợp tác và cộng tác với hoạt động tình báo quốc gia, và đảm bảo tính bí mật cho hoạt động tình báo quốc gia mà họ biết… Nhà nước sẽ bảo vệ các cá nhân và các tổ chức hỗ trợ, hợp tác và cộng tác với hoạt động tình báo quốc gia”.
Trong thế giới mà thông tin là sức mạnh như hiện nay, thì liệu Việt Nam có nên hợp tác với một công ty bị ràng buộc bởi những điều luật tình báo, phải cung cấp thông tin của nước mình cho Trung Quốc hay không? Với điều khoản như trên, thì có thể xem Huawei chính là “đội quân ngầm” mà chính quyền Trung Quốc nuôi nhằm để thu thập tất cả các dữ liệu, tình báo, chính trị, quân sự của các nước trên thế giới, đặc biệt là Việt Nam để thực hiện mưu đồ bành trướng của mình. Thử nghĩ mà xem, nếu như không có sự “hậu thuẫn” của chính quyền Trung Quốc thì liệu Huawei có thể nào thò được “chân sói” vào nhiều quốc gia với những bản hợp đồng mời chào rẻ hơn nhiều lần so với các doanh nghiệp nước ngoài khác như vậy được.
Giờ đây, chủ quyền của mỗi quốc gia không còn chỉ bó hẹp trong phạm vi không gian vật lý như đất liền, vùng biển, vùng trời nữa, mà giờ đây còn có cả không gian mạng, thông tin dữ liệu cũng được coi là một mặt trận, chiến trường mới cần được bảo vệ, chẳng kém quan trọng gì. Vậy nên, bảo vệ chủ quyền biển đảo mà an ninh quốc phòng bất ổn thì cũng như người thọt đi được một chân. Như khuyến nghị của Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên chính thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói rằng: “Việt Nam đã sáng suốt khi quyết định không sử dụng Huawei để phát triển mạng 5G của mình. Chúng ta biết Trung Quốc vẫn là mối đe dọa an ninh đáng kể cho Việt Nam, đặc biệt trong tranh chấp Biển Đông”. Hay của Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chia sẻ rằng: “Trên thế giới, không có nước nào không gắn hoạt động đầu tư với hoạt động gián tiếp để khai thác thông tin từ các nước rồi làm giàu cho quốc gia mình”. Việc Việt Nam tự chủ, quay lưng lại với Huawei, không cho “chân sói” thò vào nhà mình, chính là bước đi khôn ngoan trong việc bảo vệ an ninh quốc gia.
Có thể thấy, các nước trong khu vực đã liều lĩnh buông lỏng, đánh đổi thông tin quốc gia, dữ liệu cá nhân của người dân để phát triển kinh tế, có được sự đầu tư từ Trung Quốc. Còn Việt Nam lại hành động ngược lại, dù Huawei có mời chào với giá rẻ, béo bở như thế nào đi chăng nữa thì chúng ta vẫn quyết bảo vệ thông tin người dân, không để Trung Quốc “nắm thóp” thu thập dữ liệu quốc gia.
Năm 2020 là năm Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, tin rằng hành động đi đầu trong việc ngó lơ hãng công nghệ Trung Quốc của Việt Nam, sẽ giúp cho các nước chủ động, nâng cao hơn trong việc bảo vệ thông tin an ninh quốc gia. Đồng thời tự chủ về mặt công nghệ, thúc đẩy các công ty nước họ mạnh dạn phát triển mạng 5G của riêng mình.
Thế Khoa