+
Aa
-
like
comment

Thông điệp ‘nước Mỹ trở lại’ của ông Joe Biden, Châu Á nên ‘suy nghĩ’ theo hướng nào?

Thành Nhân - 04/12/2020 06:25

Giới quan sát lưu ý các quốc gia châu Á không nên trông chờ vào sự trở lại khu vực một cách nhanh chóng của nước Mỹ dưới thời ông Joe Biden.

Thông điệp nước Mỹ trở lại của ông Biden, châu Á nên suy nghĩ theo hướng nào? - Ảnh 1.
Daniel R. Russel, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á, gọi ông Antony Blinken (phải) là “người giải quyết vấn đề”. Nhưng chính ông cũng bày tỏ lo ngại ít nhiều về thế giới quan của người được ông Biden đề cử ngoại trưởng, nhấn mạnh tổng thống đắc cử và ông Blinken “không phải là các nhà tư tưởng” – Ảnh: REUTERS

Nếu chính quyền Biden xem việc thúc đẩy dân chủ là ưu tiên, tôi không biết họ nghĩ gì về hai chữ chiến lược.

Nhà cựu ngoại giao Bilahari Kausikan nói với Nikkei Asia

Tờ Nikkei Asia của Nhật Bản nhận định thông điệp “Nước Mỹ trở lại” là một tín hiệu đáng mừng với châu Á nhưng vẫn còn chờ xem cách tiếp cận của chính quyền Biden là gì. Các trụ cột trong chính sách “xoay trục” từ thời Barack Obama đã sụp đổ, trong khi những chính sách dưới thời Donald Trump vẫn chưa kịp thành hình.

“Tsar” châu Á

Tạp chí Financial Times (FT) ngày 2-12 dẫn 5 nguồn thạo tin tiết lộ ông Biden đang cân nhắc bổ nhiệm một quan chức đặc biệt chuyên phụ trách các vấn đề châu Á (hay “tsar” về châu Á theo cách dùng từ của báo Mỹ).

Nếu nhìn vào vai trò và quyền hạn của cựu ngoại trưởng John Kerry, người được ông Biden chọn làm “tsar” về biến đổi khí hậu, có thể thấy việc chính quyền Biden lập “tsar” về châu Á là một sự nâng cấp mạnh mẽ nhất kể từ thời Obama xoay trục. Lấy ví dụ trường hợp của ông Kerry, vị trí “tsar” cho phép ông yêu cầu, huy động nguồn lực từ tất cả các bộ ngành, cơ quan liên bang để phục vụ cho mục đích chống biến đổi khí hậu.

Theo FT, vai trò của “tsar” về châu Á hiện vẫn đang được ông Jake Sullivan – người được ông Biden chọn làm cố vấn an ninh quốc gia – cân nhắc. Song có một điều chắc chắn đây sẽ là vị trí có quyền lực không hề nhỏ.

Nguồn tin của FT cho biết sẽ có ít nhất 3 trợ lý cho “tsar” về châu Á, mỗi người phụ trách một khu vực hoặc quốc gia. Một người sẽ phụ trách Trung Quốc, một người phụ trách Ấn Độ, người còn lại phụ trách Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và các đồng minh khác của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương.

Jeff Prescott, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia cho ông Biden trong thời gian còn làm phó tổng thống, là cái tên đáng chú ý nhất cho vị trí mới tại Nhà Trắng. Ely Ratner, một cựu phó trợ lý khác cũng từng phục vụ ông Biden và có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, cũng nằm trong vòng suy đoán của truyền thông Mỹ.

Thúc đẩy dân chủ nghĩa rộng

Trong một bài viết đăng trên tạp chí Foreign Affairs hồi tháng 3-2020, ông Biden đã đề cập nhiều đến Trung Quốc. Ông cáo buộc Bắc Kinh đang “ăn cướp” công nghệ của các công ty Mỹ, bắt nạt các nước láng giềng và mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Câu trả lời cho thực trạng này, theo ông Biden, là “đoàn kết các đồng minh và đối tác của Mỹ để chống lại những hành vi bóc lột của Trung Quốc và tìm kiếm các lĩnh vực có thể hợp tác với Bắc Kinh như biến đổi khí hậu, chống phổ biến vũ khí”.

8 tháng sau đó, khi Trung Quốc và 14 nước khác đặt bút ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Biden tuyên bố ông có kế hoạch tập hợp các nền kinh tế dân chủ, không để Trung Quốc một mình một chợ.

“Mỹ chiếm 25% nền kinh tế thế giới – ông Biden nói về sức mạnh kinh tế Mỹ – Chúng ta cần liên kết với các nền dân chủ khác, cần thêm 25% hoặc hơn nữa, để thiết lập luật chơi thay vì để Trung Quốc và các nước khác quyết định như thể một mình một cõi”.

Hai chữ “dân chủ” đã được ông Biden nhắc đến nhiều lần đến nỗi không thể kể hết. Giới chuyên gia châu Á cảnh báo nếu chính quyền Biden theo đuổi “dân chủ” theo nghĩa hẹp ở khu vực, họ sẽ khó tập hợp được lực lượng như ý muốn.

Ông Joshua Kurlantzick, một học giả về Đông Nam Á, nhận định với Nikkei Asia rằng nước Mỹ sẽ phải có sự thỏa hiệp và nhượng bộ nếu muốn tập trung vào Trung Quốc.

Bản thân ông Antony Blinken, người được ông Biden đề cử vị trí ngoại trưởng, cũng thừa nhận sẽ có sự xung đột giữa việc tìm kiếm đối tác/đồng minh và thượng tôn các giá trị dân chủ Mỹ.

Ông nói: “Sẽ có những quốc gia chúng tôi phải bắt tay ở châu Á, kể cả khi họ không phù hợp với tư tưởng dân chủ của Thomas Jefferson mà người Mỹ đang có”. Nói như nhà cựu ngoại giao Bilahari Kausikan của Singapore, không phải các đồng minh nào của Mỹ cũng chia sẻ định nghĩa của Washington về dân chủ hay thượng tôn các giá trị Mỹ.

Tạp chí Nikkei Asia nhận định chính quyền Biden sẽ phải hiểu rõ một “liên minh dân chủ” nên được thúc đẩy theo nghĩa rộng trong bối cảnh hiện tại. Ví dụ, một tập hợp các nước có lợi ích chung từ thương mại hơn là một tập hợp những quốc gia có cùng tư tưởng chính trị. Việc các nước ký RCEP, theo Nikkei Asia, là một hồi chuông cảnh báo cho Washington về việc các quốc gia sẵn sàng tiến về phía trước mà không có Mỹ.

Nhà cựu ngoại giao Kausikan của Singapore cảnh báo nếu chính quyền Biden xem thúc đẩy dân chủ là ưu tiên ở châu Á, cách tiếp cận này chỉ dẫn tới thất bại và “đẩy các nước trong khu vực vào vòng tay Trung Quốc”.

Ông Biden ưu tiên đối nội trước?

Tạp chí Nikkei Asia lưu ý trong bối cảnh nước Mỹ vẫn chưa qua đại dịch COVID-19, ưu tiên số 1 của chính quyền Joe Biden vẫn sẽ là chấm dứt cơn khủng hoảng sức khỏe công cộng này. “Khả năng cao chính quyền Biden sẽ không đàm phán các thỏa thuận thương mại lớn đáng kể nào trong năm đầu tiên bởi ông cần phải tập trung nguồn lực cho các vấn đề trong nước”, tờ báo của Nhật suy đoán.

Thành Nhân/Nikkei Asia

Bài mới
Đọc nhiều