Thông điệp mạnh mẽ của chính quyền Biden
Ngạn ngữ tiếng Anh có câu “A friend in need is a friend indeed”. Đúng vậy, “người bạn trong lúc khó khăn là người bạn đích thực”. Đó cũng là một thông điệp quan trọng trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Phó tổng thống Mỹ.
“Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”.
Ông Joe Biden, khi còn là phó tổng thống Mỹ, đã “lẩy” hai câu Kiều trên khi đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Mỹ tháng 7-2015 để bày tỏ niềm tin và hy vọng vào tương lai tốt đẹp của mối quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ.
Và khi ông Biden nhậm chức tổng thống Mỹ ngày 20-1 năm nay, ông lại tiếp tục vun đắp cho tương lai quan hệ hai nước với việc sớm cử Phó tổng thống Kamala Harris tới thăm chính thức Việt Nam trong ba ngày từ 24 đến 26-8.
Chuyến thăm của Phó tổng thống là chuyến công du cấp cao nhất của chính quyền mới ở Mỹ tới khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là lần đầu tiên một phó tổng thống Mỹ thăm chính thức Việt Nam.
Ở tầm khu vực, chuyến thăm thể hiện sự cam kết mạnh mẽ và ưu tiên cao của chính quyền mới ở Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á nói riêng và bao trùm hơn là cả khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, một khu vực có “tầm quan trọng thiết yếu” đối với an ninh và sự phồn vinh của Mỹ như chính bà Harris khẳng định.
Xét trên khía cạnh song phương, chuyến thăm là dịp tiếp xúc trực tiếp cấp cao nhất kể từ khi hai nước đều đã có ban lãnh đạo mới. Bản thân chuyến thăm là một thông điệp mạnh mẽ rằng chính quyền của Tổng thống Biden coi trọng vị trí của Việt Nam trong khu vực và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Việt Nam trên cơ sở những lợi ích chung.
Chỉ một tháng ngay sau khi nhậm chức, ông Biden đã công bố Chỉ dẫn chiến lược an ninh đối ngoại, trong đó Việt Nam là một trong số ít các đối tác được xác định ưu tiên tăng cường quan hệ.
Ngay trước chuyến thăm, Cơ quan đại diện thương mại Mỹ đã ra quyết định (23-7) không áp dụng biện pháp điều chỉnh thương mại (áp thuế mới) với Việt Nam sau khi Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt được thỏa thuận (19-7) liên quan đến chính sách tỉ giá, theo đó Việt Nam không bị coi là quốc gia thao túng tiền tệ, đảo ngược lại quyết định điều tra trước đó (10-2020) của chính quyền Trump.
Nhờ đó, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng hóa Việt Nam với kim ngạch trên 40 tỉ USD trong nửa đầu 2021, mức tăng kỷ lục trên 40% so với cùng kỳ năm trước.
Một điểm sáng không thể không nhắc tới, đó là việc cho đến nay Mỹ là nước đã cung cấp số vắc xin chống COVID-19 lớn nhất cho Việt Nam với 5 triệu liều và 20,9 triệu USD qua các cơ chế khác nhau, cùng nhiều trang thiết bị y tế như máy thở, tủ âm sâu, máy xét nghiệm PCR…
Được biết, bà Harris có thể có những công bố mới về hỗ trợ vắc xin và trang thiết bị y tế cho Việt Nam trong lúc cả nước đang phải nỗ lực hết mình đối phó với đợt bùng phát COVID-19 lần thứ 4. Đây cũng là kết quả rất cụ thể của chính sách ngoại giao vắc xin hiện nay của Chính phủ Việt Nam, sự vào cuộc và vận động ráo riết của lãnh đạo cấp cao, của các bộ ngành, các doanh nghiệp và các cơ quan đại diện ngoại giao ở cả hai nước.
Ngạn ngữ tiếng Anh có câu “A friend in need is a friend indeed”. Đúng vậy, “người bạn trong lúc khó khăn là người bạn đích thực”. Đó cũng là một thông điệp quan trọng trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Phó tổng thống Mỹ.
Chúc bà Kamala Harris có một chuyến thăm thành công và có những ấn tượng đẹp về đất nước và người dân Việt Nam!
NGUYỄN QUỐC CƯỜNG (nguyên đại sứ Việt Nam tại Mỹ)