+
Aa
-
like
comment

Thông điệp của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi thăm Đông Nam Á

31/07/2021 13:05

Chuyến thăm ba nước Đông Nam Á của Bộ trưởng Quốc phòng Austin nhấn mạnh vai trò của khu vực với Mỹ và làm sâu sắc quan hệ giữa các bên.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 28-29/7 thăm Việt Nam theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang. Chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Austin nằm trong khuôn khổ chuyến công du ba nước Đông Nam Á, gồm cả Singapore và Philippines.

Trong cuộc hội đàm ngày 29/7, hai bộ trưởng đánh giá kết quả hợp tác quốc phòng Việt – Mỹ thời gian qua là “thiết thực, phù hợp với quan hệ đối tác toàn diện đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước”. Các lĩnh vực mang lại kết quả nổi bật gồm khắc phục hậu quả chiến tranh và giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống như Covid-19, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Lloyd Austin duyệt đội danh dự ngày 29/7.

Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu Khoa giáo, Học viện Chính trị Công an Nhân dân, nói rằng việc Bộ trưởng Quốc phòng Austin chọn Đông Nam Á làm đích đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình thể hiện khu vực này là “địa bàn chiến lược quan trọng hàng đầu của Mỹ ở Đông Bán cầu”.

“Chúng ta có thể thấy tam giác chiến lược Việt Nam – Philippines – Singapore trên bản đồ Đông Nam Á. Nếu coi Biển Đông là kênh giao thông hàng hải giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Việt Nam nằm ở bờ tây con kênh, Philippines là bờ đông, còn Singapore giữ vị trí cửa ngõ phía nam”, ông Tâm nhận định.

“Trong các lĩnh vực địa quân sự, địa chính trị hay địa kinh tế, tam giác này đều đóng vai trò rất quan trọng. Đây là nhận định chung của Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và nhiều nước lớn khác chứ không chỉ riêng Mỹ”, chuyên gia này nói.

Theo đại tá Tâm, thế kỷ 21 được đánh giá là “thế kỷ của biển và đại dương” với trọng tâm cạnh tranh địa chiến lược toàn cầu của các nước lớn chuyển ra khu vực này, thay vì chỉ chủ yếu diễn ra trên đất liền như thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Các quốc gia giáp tuyến đường biển liên kết các đại dương, ví dụ Biển Đông nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, có vị thế đặc biệt quan trọng.

Biển Đông còn là trọng tâm cạnh tranh địa chiến lược của Trung Quốc trong sáng kiến Vành đai và Con đường, với kế hoạch thiết lập “con đường tơ lụa trên biển” nối nước này với Nam Á, Đông Phi và châu Âu.

Tuyến hàng hải qua Biển Đông có tầm quan trọng đặc biệt, do đó Trung Quốc muốn dồn mọi nguồn lực nhằm kiểm soát khu vực. Trong khi đó, Mỹ và phương Tây nỗ lực ngăn Trung Quốc thực hiện tham vọng này bằng “chiến lược liên vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

“Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới tam giác chiến lược Việt Nam – Philippines – Singapore là một phần quan trọng trong triển khai Chiến lược liên vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ “, ông Tâm cho biết. “Dù Bộ trưởng Austin rào trước rằng Mỹ sẽ không buộc các nước Đông Nam Á phải chọn phe, tuyên bố đó không ảnh hưởng tới việc Mỹ hiện chiến lược này”.

Chuyến thăm Đông Nam Á của Bộ trưởng Quốc phòng Austin được thực hiện đồng thời với chuyến công du Đông Bắc Á qua tam giác gồm Nhật Bản – Hàn Quốc – Mông Cổ của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman.

Theo đại tá Tâm, việc thực hiện cùng lúc hai mũi ngoại giao này cho thấy Mỹ đang vừa nỗ lực kết nối sâu sắc hơn với các nước Đông Nam Á, vừa tăng cường thông điệp răn đe Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu tại hội đàm ngày 29/7.

Trong cuộc hội đàm tại Seoul, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman đặt vấn đề đưa Hàn Quốc gia nhập nhóm Bộ Tứ, bao gồm 4 nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Austalia. Hồi tháng 5/2020, Mỹ đánh tiếng mời một số nước tham gia Bộ Tứ với tư cách “đối thoại viên”, bao gồm Hàn Quốc và New Zealand.

Ý định mở rộng nhóm Bộ Tứ của Mỹ khiến Trung Quốc lo ngại viễn cảnh về một “NATO phương Đông” nhằm kiểm soát họ hơn nữa, bất chấp Mỹ tuyên bố mục đích của Bộ Tứ là nhằm tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và đưa nền kinh tế thế giới tiến lên phía trước sau đại dịch Covid-19.

Đây được coi là một trong những yếu tố khiến cuộc gặp giữa bà Sherman với các quan chức ngoại giao hàng đầu Trung Quốc không mang lại nhiều kết quả. Trong thông cáo sau cuộc gặp tại Thiên Tân hôm 26/7, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định nước này “tiếp tục đẩy mạnh cạnh tranh song không tìm kiếm xung đột” với Trung Quốc.

Trong khi đó, phía Trung Quốc “yêu cầu Mỹ lập tức dừng can thiệp vào các vấn đề nội bộ và dừng gây hại cho lợi ích của Trung Quốc, đừng bước qua lằn ranh đỏ, đừng đùa với lửa và đừng đạo diễn một cuộc đối đầu tập thể dưới chiêu bài giá trị”.

“Kết thúc cuộc hội đàm, cả Trung Quốc và Mỹ đều hiểu rằng dù căng thẳng leo thang trong quan hệ song phương, cải hai nước đều rõ những lằn ranh đỏ mà mỗi bên cần cân nhắc kỹ lưỡng hậu quả khi đụng chạm tới”, đại tá Tâm cho biết.

Chuyến đi tới Đông Nam Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin diễn ra chưa đầy một tuần sau chuyến thăm Việt Nam của người đồng cấp Anh Ben Wallace. Điều này thể hiện sự quan tâm ngày càng lớn của các cường quốc thế giới với Đông Nam Á và Biển Đông, do khu vực này có tầm quan trọng toàn cầu, ông Tâm nhận định.

“Mỗi ngày có tới hơn 15 triệu thùng dầu và lượng hàng hóa trị giá 11 triệu USD được vận chuyển qua Biển Đông”, ông Tâm nói. “Biển Đông chiếm vị trí thứ hai trong chuỗi cung ứng hậu cần toàn cầu, khiến nhiều cường quốc ngày càng quan tâm hơn đến khu vực”.

Ngoài lý do kinh tế, các cường quốc còn quan tâm đến Đông Nam Á và Biển Đông vì cuộc cạnh tranh chiến lược toàn cầu hiện nay về chính trị, quân sự, văn hóa và xã hội.

“Đây là cuộc cạnh tranh mang tính vừa hợp tác vừa đấu tranh, vừa liên kết vừa công kích giữa các nước lớn và không nằm ngoài cái gọi là lợi ích cốt lõi”, đại tá Tâm nhấn mạnh.

Nguyễn Tiến

Bài mới
Đọc nhiều