Thông điệp bất ngờ của ông Kim Jong-un tại lễ duyệt binh kỳ lạ
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố sẽ tiếp tục tăng cường “khả năng răn đe chiến tranh” để chống lại mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng và các mối đe dọa khác.
Hãng tin Yonhap cho biết tuyên bố được ông Kim đưa ra tại lễ duyệt binh đánh dấu 75 năm ngày thành lập Đảng Lao động cầm quyền hôm 10-10.
Trong bài phát biểu phát trên kênh truyền hình quốc gia, ông Kim cũng chúc Hàn Quốc phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covid-19. Đây được xem là thông điệp hòa giải mà nhà lãnh đạo Triều Tiên gửi tới Seoul, bày tỏ hy vọng sẽ sớm đến ngày hai miền Nam – Bắc Triều Tiên “chung tay” sau khi cuộc khủng hoảng Covid-19 kết thúc.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường khả năng răn đe chiến tranh để tự vệ nhằm răn đe, kiểm soát và quản lý mọi nỗ lực cũng như hành vi đe dọa nguy hiểm, bao gồm cả mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng, từ các thế lực thù địch” – ông Kim, mặc bộ đồ màu xám nhạt, nói. Nhà lãnh đạo Triều Tiên không đề cập tới Mỹ trong bài phát biểu.
Lễ duyệt binh được cho là diễn ra vào rạng sáng 10-10 (giờ địa phương), là lễ duyệt binh đầu tiên mà Triều Tiên tổ chức kể từ năm 2018.
Theo Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS), Bình Nhưỡng có thể sẽ tung ra “vũ khí chiến lược mới” bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hoặc tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).
Bình Nhưỡng được cho là có 3 loại ICBM: Hwasong-13, Hwasong-14, Hwasong-15 và họ đang tìm cách phát triển một ICBM đa đầu đạn có thể bay xa hơn và khó bị đánh chặn hơn. Trong đó, Hwasong-15 là phiên bản tiên tiến nhất cho đến nay. Tên lửa có tầm bắn ước tính 12.874 km, vươn tới được bất kỳ khu vực nào của lục địa Mỹ. Loại này được phóng thử lần cuối vào ngày 29-11-2017.
“Chúng tôi đang phân tích chi tiết về loại vũ khí mà Bình Nhưỡng công bố hôm nay. Không phát hiện động thái bất thường nào của quân đội Triều Tiên” – một sĩ quan JCS cho biết.
Việc Triều Tiên tổ chức lễ duyệt binh trước bình minh là điều khá bất thường vì trước đây chúng đều được tổ chức vào ban ngày. GS Kim Young-jun, Trường ĐH Quốc phòng Hàn Quốc, bình luận: “Thay vì công khai, Triều Tiên dường như đang cố gắng xoay sở tình hình trước cuộc bầu cử ở Mỹ. Sự kiện bất ngờ dường như cũng nhằm mục đích khiến thế giới khó tìm hiểu thông tin chi tiết về các tài sản quân sự của họ”.
Phạm Nghĩa/NLĐ