Thông báo mới nhất của Sở TT&TT Bình Dương về việc livestream của bà Phương Hằng
Mặc dù các chuyên gia vẫn còn tranh cãi về nguyên nhân gây ra vụ tai nạn khiến 179 người thiệt mạng ở Hàn Quốc, nhưng một số chuyên gia cho rằng một con chim đâm vào động cơ không thể là yếu tố duy nhất dẫn đến thảm kịch này.
2 ngày sau thảm kịch hàng không ở Hàn Quốc, câu trả lời về sự cố xảy ra với chuyến bay Jeju Air 2216 vẫn còn là ẩn số.
Theo báo cáo, tháp kiểm soát không lưu tại sân bay Muan đã phát cảnh báo va chạm với chim ngay trước khi xảy ra sự cố. Một quan chức của Bộ Giao thông Hàn Quốc tiết lộ, phi công đã thông báo với bộ phận kiểm soát không lưu rằng máy bay đã va chạm với chim trước khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Giả thuyết ban đầu cho rằng cú đâm vào chim đã khiến động cơ cung cấp năng lượng cho càng đáp bị hỏng, từ đó dẫn đến việc máy bay hạ cánh bằng bụng và bốc cháy.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Sonya Brown, giảng viên cấp cao về thiết kế hàng không vũ trụ tại Đại học New South Wales, tỏ ra hoài nghi về giả thuyết trên.
“Một vụ va chạm với chim không thể dẫn đến chết người… Nó không nên dẫn đến những gì chúng ta cuối cùng đã thấy, đặc biệt là vì trong bất kỳ tình huống nào mà một động cơ không hoạt động (như trong video cho thấy), vẫn còn rất nhiều năng lượng”, bà Brown cho biết, đồng thời nói thêm rằng va chạm với chim rất phổ biến đến mức chúng đã được tính đến trong thiết kế của máy bay hiện đại.
Theo chuyên gia, trên một chiếc Boeing 737 và bất kỳ máy bay thương mại nào cũng có các hệ thống dự phòng, đặc biệt là đối với càng đáp, được vận hành bằng thủy lực.
“Ngay cả khi hệ thống đó bị hỏng, nó vẫn còn cơ chế dự phòng mở ra bằng trọng lực mà không cần hệ thống thủy lực, vì vậy càng đáp vẫn có thể mở ra được”, chuyên gia nói thêm.
Ngoài ra còn có các hệ thống dự phòng kép dành cho các hệ thống điều khiển bay khác như cánh tà và thanh chắn, có nghĩa là những công cụ này, vốn được sử dụng trước khi hạ cánh để tăng lực cản và làm chậm tốc độ của máy bay, đáng lẽ phải được kích hoạt.
“Chúng hoạt động dựa trên hai hệ thống thủy lực độc lập và rất khó có khả năng một cú va chạm với chim có thể phá hỏng hai hệ thống thủy lực độc lập đó”, bà Brown cho biết.
“Có vẻ như sự cố này còn nhiều điều hơn thế nữa”, bà nói.
Giáo sư Doug Drury tại Đại học Central Queensland đồng ý rằng chỉ riêng việc va chạm với chim không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến vụ tai nạn.
“Một cú đâm của chim vào một động cơ không thể khiến toàn bộ hệ thống bị hỏng hoàn toàn, bạn có thể lái một chiếc 737 chỉ bằng một động cơ”, Drury, một phi công kỳ cựu đã từng lái máy bay thương mại, quân sự và tư nhân trong suốt sự nghiệp của mình, cho biết.
Ông Drury cũng đặt nghi vấn về tốc độ mà máy bay tiếp cận đường băng.
“Nếu bạn định hạ cánh bằng bụng, bạn sẽ giảm tốc độ xuống chỉ còn tốc độ dừng. Nhưng máy bay này đang lướt trên đường băng rất nhanh”, ông nói.
“Tại sao chúng lại bay nhanh như vậy. Có nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời vào thời điểm này”, chuyên gia hoài nghi.
Máy bay Boeing 737-800 chở 181 người của hãng hàng không Jeju Air đã bất ngờ hạ cánh bằng bụng, trước khi trượt trên đường băng và đâm vào tường bê tông ở rìa sân bay Muan hôm 29/12.
Sau thảm kịch, ngày càng nhiều câu hỏi được đặt ra về sự xuất hiện của một khối bê tông tại sân bay nơi máy bay gặp nạn, và liệu việc không có vật thể này có thể ngăn chặn được số thương vong cao trong vụ tai nạn hay không.
Cấu trúc bê tông gây tranh cãi là nơi đặt một hệ thống dẫn đường hỗ trợ máy bay hạ cánh, được gọi là bộ định vị, và nằm cách cuối đường băng khoảng 250m.
Cấu trúc cao 2m được phủ bằng đất và bao gồm cả bộ định vị cao 4m. Khối bê tông này được xây dựng khi bộ định vị được thay thế vào năm ngoái.
Các nhà chức trách sân bay cho biết khối bê tông được nâng lên để giữ bộ định vị ngang bằng với đường băng nhằm đảm bảo nó hoạt động bình thường vì mặt đất ở cuối đường băng bị nghiêng.
Một số chuyên gia và nhà quan sát đã đặt ra câu hỏi về khối bê tông, rằng liệu có thể cứu được nhiều người hơn nếu cấu trúc này không xuất hiện ở đó khi máy bay trượt khoảng 1.600m trên đường băng vào thời điểm va chạm với khối bê tông hay không.
“Tôi đã thấy nhiều ăng-ten ở nhiều sân bay nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy loại này. Ngay cả khi muốn ăng-ten cao hơn, thì cũng không cần phải xây một bức tường bê tông”, một phi công cho biết, ám chỉ đến hệ thống định vị.
Bộ Giao thông Hàn Quốc đã xác nhận trong các cuộc họp báo rằng, hệ thống định vị được lắp đặt cách đường băng khoảng 251m và một số sân bay khác trong nước cũng lắp đặt thiết bị này bằng các kết cấu bê tông.
Cơ quan này cũng chỉ ra rằng, các sân bay khác ở nước ngoài đã sử dụng bê tông trong các kết cấu như vậy.
Bích Ngân