+
Aa
-
like
comment

Thói vô cảm, cần phải luật hóa!

09/07/2019 16:32

Những ngày qua, sự thờ ơ, vô cảm của những người tham gia giao thông với đôi nam nữ chở nhau trên xe máy bị văng lên vỉa hè sau khi va chạm với xe taxi tại quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh làm nhiều người không khỏi bàng hoàng, xót xa.

Lật lại quá khứ, không ít vụ tai nạn giao thông khiến dư luận “lạnh người” cũng bởi sự sự lạnh lùng, vô cảm theo kiểu “đèn nhà ai, nhà ấy rạng” như vậy. Vụ tai nạn giao thông ngày 29/02/2016, tại phố Ái Mộ, quận Long Biên (Hà Nội), nhiều xe từ chối chở nạn nhân đi cấp cứu; vụ xe taxi gây tai nạn liên hoàn trên cầu vượt Thái Hà – Chùa Bộc (Hà Nội), nhiều thanh niên bình thản đứng quay phim, chụp ảnh, bình luận mặc cho nạn nhân nằm la liệt… Câu hỏi đặt ra là có thể quy trách nhiệm hình sự với những người này không, có khó khăn gì khi xử lý bằng pháp luật hình sự.

Vụ tai nạn sáng sớm ngày 25/6 tại quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh, nhiều người xuất hiện nhưng không ai giúp đỡ nạn nhân

Có thể xử lý hình sự?

Điều 132 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng:

Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm; b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.
Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, việc không cứu giúp người gặp tai nạn giao thông hoàn toàn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, cụ thể:

– Khách thể: Quan hệ xã hội bị xâm hại là nghĩa vụ phải cứu giúp người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tình mạng được pháp luật quy định nhưng người phạm tội đã không thực hiện.

– Chủ thể: Người có năng lực trách nhiệm hình sự từ đủ 16 tuổi trở lên.

– Mặt khách quan: Người phạm tội nhìn thấy, nghe thấy, cảm nhận thấy mạng sống của người khác đang bị đe dọa nhưng đã không hành động để cứu giúp dù có đủ khả năng, điều kiện giúp đỡ người gặp nạn dẫn đến hậu quả là cái chết cho nạn nhân.

– Mặt chủ quan: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý.

Khó khăn trong việc quy trách nhiệm hình sự

Trên thực tế việc truy cứu trách nhiệm hình sự với những người không cứu giúp nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông là rất khó khăn, phức tạp vì các lý do:

Thứ nhất, xác định danh tính người không cứu giúp. Đa số những người không có hành động giúp đỡ người bị tai nạn giao thông không có quan hệ với nạn nhân, họ có thể ở bất cứ đâu, là bất cứ thành phần nào trong xã hội nên xác định danh tính của những người này là không dễ dàng. Hơn nữa, với những vụ tai nạn có nhiều người có mặt tại hiện trường mà không cứu giúp nạn nhân thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự với tất cả số này gần như là không thể.

Thứ hai, người có hành vi không cứu giúp phải nhận thức được tình trạng nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân mới cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, nhận thức lại là những gì tồn tại trong tư tưởng nên rất khó để xác định người có hành vi không cứu giúp nhận thức thế nào về tình trạng của nạn nhân. Ngoài ra, nếu họ không nhận thức được về tình trạng của nạn nhân hoặc cho rằng tính mạng nạn nhân không bị đe dọa thì không thể cấu thành tội phạm. Trong các vụ tai nạn giao thông, rất nhiều người đi đường vì lý do không muốn gặp những rắc rối, phiền hà mà chỉ lướt qua, không dừng xe lại, trường hợp này khó có thể nói họ ý thức được tình trạng nạn nhân như thế nào. Nhiều vụ tai nạn giao thông, nạn nhân chỉ bị xây xước nhẹ, không có những tổn thương nặng biểu hiện ra bên ngoài nhưng sau đó lại chết cũng không thể nói người không cứu giúp ý thức được tính mạng nạn nhân đang nguy hiểm.

Thứ ba, xác định thế nào là đủ điều kiện, khả năng cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Với các vụ tai nạn giao thông, hành động thiết thực, phổ biến nhất để cứu giúp người bị nạn là hỗ trợ, đưa nạn nhân đi cấp cứu (gọi xe đưa nạn nhân đi cấp cứu, chở nạn nhân đi cấp cứu, yêu cầu người khác giúp đỡ nạn nhân, gọi điện cho cứu hộ, cứu nạn…). Tuy nhiên, người không hành động cứu giúp người khác có thể viện dẫn một lý do nào đó dẫn đến họ không cứu giúp nạn nhân tai nạn giao thông. Việc xác định đủ điều kiện cứu giúp người khác hay không mang tính định tính, chưa có hướng dẫn cụ thể với các vụ việc tai nạn giao thông nên gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng.

Thứ tư, xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi không cứu giúp và hậu quả nạn nhân chết. Trách nhiệm hình sự chỉ được xem xét nếu người gặp nạn chết, tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng có cấu thành vật chất, hậu quả bắt buộc phải xảy ra mới cấu thành tội phạm. Trường hợp người bị tai nạn giao thông không chết, dù bị thương nặng đến đâu thì vẫn không cấu thành tội phạm. Đặc biệt, giữa hành vi không cứu giúp và hậu quả chết người phải có mối quan hệ nhân quả. Điều đó có nghĩa, hành vi không cứu giúp dẫn đến hậu quả nạn nhân chết, còn nếu cứu giúp hay không cứu giúp mà nạn nhân vẫn chết thì trách nhiệm hình sự không được đặt ra. Tuy nhiên, việc xác định mối quan hệ nhân quả này là phức tạp bởi lẽ khi nạn nhân chết khó có thể khẳng định nếu được cứu giúp chắc chắn sẽ giữ được tính mạng.

Như đã nói, việc xử lý hình sự với những người không cứu giúp người gặp tai nạn giao thông là rất khó khăn. Trách nhiệm hình sự thường chỉ được đặt ra với những người trực tiếp gây tai nạn nhưng lại không cứu giúp nạn nhân. Để loại bỏ thói thờ ơ, vô cảm với người bị tai nạn giao thông ra khỏi xã hội vẫn cần tập trung tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng tinh thần “thương người như thể thương thân” và kỹ năng cần thiết khi gặp các vụ tai nạn giao thông. Đồng thời, với trường hợp cấp cứu nạn nhân các vụ tai nạn giao thông, cơ quan chức năng cần linh hoạt, mềm dẻo trong các thủ tục như ứng tiền viện phí, lấy lời khai… để hạn chế tâm lý e dè, sợ phiền hà khi cứu giúp người gặp nạn.

(Theo Bút Danh)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều