Thôi trò đổ vạ cho Chính phủ thông qua luận điệu xuyên tạc về giá xăng
Khi nguồn cung xăng dầu trong nước thiếu hụt dẫn đến giá đầu vào tăng và xăng bán ra bị khan hiếm, Chính phủ phải điều chỉnh tăng giá xăng phù hợp theo thị trường. Thế nhưng động thái này lại bị các đối tượng xuyên tạc thành Chính phủ lấy tiền của dân.
Cuối tháng 9 năm 2021, nước Anh rơi vào khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Do sự chậm trễ trong chuỗi cung ứng vì thiếu hụt tài xế vận chuyển, nhiều cửa hàng xăng dầu rơi vào tình trạng khan hiếm. Giá mua vào tăng, trong khi giá bán tối đa cho người tiêu dùng bị Chính phủ Anh giới hạn nhằm bảo vệ các hộ gia đình khỏi tác động của biến động thị trường, khiến các công ty năng lượng gặp khó. Ít nhất 7 nhà cung cấp năng lượng đã phá sản chỉ trong vài tuần. Từ ngày 1-10, giới hạn giá này đã được điều chỉnh cao hơn, tính theo giá năng lượng bán buôn trung bình. Nhiều người đổ xô đi mua xăng bất chấp giá dần tăng lên, còn Chính phủ thì kêu gọi kiềm chế vì nước Anh lúc đó không thiếu xăng, mà chỉ thiếu tài xế chở hàng đi phân phối.
Tình hình tại nước ta thời điểm này còn nghiêm trọng hơn nước Anh khi đó. Giá dầu quốc tế đang tăng, trong khi nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vốn chiếm thị phần nguồn cung xăng dầu tới 35% cả nước đột ngột tiết giảm công suất từ 105% về 80%, hủy nhập 2 tàu dầu thô và cảnh báo dừng hoàn toàn hoạt động vào giữa tháng 2 do nguyên nhân về tài chính. Điều này khiến cho nguồn xăng trong nước bị khan hiếm, giá nhập tăng cao. Tại các cửa hàng xăng dầu cho biết nhiều cửa hàng càng bán xăng càng lỗ (lên tới 300-500 đồng một lít) vì giá nhập quá cao trong khi giá trần phải chờ Nhà nước điều chỉnh. “Việc “đóng cửa”, hay treo biển “giảm thời gian bán hàng” có thể hiểu, thậm chí thông cảm được, cho dù đây là phản ứng rất tiêu cực với nền kinh tế, là cách đối phó trước sự khan hiếm và không còn lợi nhuận, thậm chí lỗ.”
Trong một bài viết được Việt Tân đăng lại nhằm phản ánh về thông tin này, Phạm Minh Vũ đã xuyên tạc hoàn toàn sự việc. Vũ cho rằng, cây xăng không bán chẳng qua là găm hàng chờ tăng giá, là kiểu bán hàng của “mafia”. Thậm chí Vũ còn xuyên tạc rằng các cây xăng là sân sau của quan chức nên làm ăn chộp giật. Vũ còn bình luận phiến diện về các loại thuế, phí trong giá xăng, cho rằng đó là hành vi móc túi dân, và ngang ngược “yêu cầu chính phủ Việt Nam hãy bỏ ngay 3 loại thuế, phí vô lý này”.
Thực tế, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, nói rõ “xăng dầu là mặt hàng chiến lược, đặc biệt quan trọng, nhạy cảm, dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô, do đó phải được quản lý, điều tiết một cách khoa học, chặt chẽ.” Việc đầu tiên là đi thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm “một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân”. Và việc thứ hai là Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan rà soát các quy định về thuế, phí, tính toán lại mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức để điều chỉnh giá xăng nhằm bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp. Có thể thấy đây việc bắt buộc để phù hợp với tình hình thực tế và quy luật thị trường.
Để đảm bảo hỗ trợ nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh họ đang nỗ lực hồi phục sản xuất – kinh doanh sau thời kỳ dịch bệnh thì ngay từ tháng 11/2021, Bộ Tài chính cũng đã tiếp thu ý kiến của nhiều chuyên gia và nghiên cứu đề xuất để giảm thuế phí nhằm kìm đà tăng của giá xăng. Nhưng trong bài viết của Phạm Minh Vũ được Việt Tân đăng tải lại, đối tượng xoáy sâu vào chi tiết thuế phí cứ như thể đây là một ý kiến “tâm huyết” mới được đưa ra nhằm phản bác các chính sách của Chính phủ. Cần biết là giảm thuế phí không dễ vì giảm thuế tức là giảm thu ngân sách, trong khi nhu cầu hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch khiến cho nguồn vốn từ ngân sách trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Là một nước đang phát triển, thu nhập người dân Việt Nam mới chỉ đạt mức trung bình thấp, trong khi nhu cầu đầu tư, phát triển, xây dựng hạ tầng còn rất cao. Chính vì thế, Chính phủ đã ban hành các chính sách thuế và phí nhằm đảm bảo có đủ nguồn lực đầu tư công, và đều được tính toán hợp lý. Đơn cử như đối với xăng thì xăng nhập vào Việt Nam sẽ phải chịu các khoản thuế như: thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, phần trích quỹ bình ổn giá. Trong đó thuế giá trị gia tăng đã giảm về gần 0%, còn quỹ bình ổn vốn là để tiết kiệm cho điều tiết giá xăng, thuế môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt thì đương nhiên phải có.
Khi để cho một nhà báo nửa mùa như Phạm Minh Vũ đi viết về kinh tế, diễn giải về thuế, phí, ta nhận được một bài viết phiến diện và cũng nửa mùa. Số liệu thì đi cắt cóp từ báo chí trong nước, nhưng những sự thật khách quan mà báo chí ghi nhận thì lại không được Vũ ngó ngàng tới. Vì vậy bài viết của Vũ hoàn toàn vô giá trị vì thiếu thông tin, trong khi quá thừa những luận điệu cảm tính và sặc mùi xuyên tạc.
An Diễm