Thôi ngay trò xuyên tạc phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
“Ông Nguyễn Xuân Phúc có dấu hiệu không tố giác tội phạm” là tiêu đề bài viết được trang Việt Nam thời báo tung ra để gây sự thu hút của dư luận. Những tưởng Việt Nam thời báo có phát hiện gì đặc biệt nghiêm trọng, bất ngờ nhưng không, tất cả cũng chỉ là những lập luận không đầu không đuôi, “dây cà ra dây muống”.
Trong phiên họp tại tổ bàn về dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra phát biểu: “Khen thưởng, tôi nói thật cũng có hiện tượng chạy thành tích, dùng thành tích khen thưởng để nâng lương, thăng cấp hàm. Một số ngành tôi ký mỏi tay vì khen thưởng quá nhiều”.
Ngay sau đó, các “mõ làng dân chủ” đã ngay lập tức “bắt sóng”, tiến hành xuyên tạc, quy chụp thông tin, tung ra luận điệu hướng lái cho rằng Chủ tịch nước là “tòng phạm”, “đồng phạm” với những người chạy thành tích, chạy khen thưởng. Ở một góc độ khác, các “nhà bình loạn” tiếp tục hướng lái, dẫn dắt dư luận rằng “công luận được quyền đặt nghi vấn, liệu ở đây để “ký quá mỏi tay”, có liên quan gì đến “bánh ít đi, bánh quy lại””…
Chiêu trò cắt gọt, gán ghép thông tin, phát biểu của lãnh đạo nhà nước không phải là điều mới. Tuy nhiên, các đối tượng xấu vẫn liên tiếp sử dụng chiêu trò này để đánh lạc hướng dư luận, dẫn dắt cộng đồng đến với các nhận thức, suy nghĩ lệch lạc. Trường hợp này cũng tương tự.
Trước hết, nói về câu hỏi “Ông Nguyễn Xuân Phúc có dấu hiệu không tố giác tội phạm” đây là một nhận định hết sức phiến diện, chủ quan, lệch lạc, mang định hướng tiêu cực. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ Luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách có lỗi, xâm phạm các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ. Không tố giác tội phạm một cách đơn giản có thể hiểu là việc không báo cho cơ quan có thẩm quyền về một trong các tội phạm được Bộ luật hình sự quy định (mà mình biết rõ là đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện ). Trong phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, không có bất kỳ một nội dung nào cho thấy có hành vi phạm tội đã được thực hiện hay có việc bao che cho hành vi phạm tội. Tất cả những thông tin được các đối tượng đưa ra đều chỉ dựa trên những nhận định, đánh giá chủ quan, vô căn cứ.
Tự biết lập luận quy chụp Chủ tịch nước “không tố giác tội phạm” là thiếu căn cứ, các đối tượng tiếp tục hướng lái vu khống Chủ tịch nước có dấu hiệu vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Căn cứ được những “nhà bình loạn” đưa ra là việc Chủ tịch nước phát biểu: “tôi nói thật cũng có hiện tượng chạy thành tích, dùng thành tích khen thưởng để nâng lương, thăng cấp hàm”, “một số ngành tôi ký mỏi tay vì khen thưởng quá nhiều”. Thậm chí, những kẻ này còn tung ra các “thuyết âm mưu” khi cho rằng Chủ tịch nước ký mỏi tay là do “bánh ít đi, bánh quy lại”. Ơ kìa, trong tất cả câu nói của Chủ tịch nước, nào có dòng nào thể hiện Chủ tịch nước đã ký khen thưởng để phục vụ người khác “dùng thành tích khen thưởng để nâng lương, thăng cấp hàm” đâu mà các “nhà bình loạn” xôn xao như vậy.
Nói thẳng, nhìn vào kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian vừa qua, chúng ta cũng không khó để thấy có trường hợp được khen thưởng rất nhiều, rất cao nhưng lại “nhúng chàm”. Đây là những minh chứng về việc có dấu hiệu “chạy thành tích”. Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu như trên thể hiện sự thẳng thắn, nhìn vào thực tiễn thời gian vừa qua để từ đó đưa ra giải pháp hoàn thiện cơ chế, pháp luật, ngăn chặn tình trạng sai phạm. Nói thẳng, nếu Chủ tịch nước “tiếp tay” cho sai phạm, hưởng lợi từ việc ký khen thưởng thì chẳng dại gì mà lại công khai cho bàn dân thiên hạ bàn tán.
Và cũng phải nói thêm, trong phiên thảo luận, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu: “Tôi đã viết 1 thư gần đây không công bố, yêu cầu mỗi chuyên viên Ban Thi đua khen thưởng Trung ương phải xem xét chịu trách nhiệm hồ sơ, chống tiêu cực, tham nhũng trong quá trình khen thưởng”. Như vậy có thể thấy, Chủ tịch rất quan tâm đến chất lượng của công tác thi đua khen thưởng, những trường hợp tham nhũng, tiêu cực khi khen thưởng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định. Ấy thế nhưng không hề thấy các “nhà bình loạn” đề cập đến nội dung này mà chỉ chăm chăm cắt xẻ, xuyên tạc một số phát biểu của Chủ tịch nước.
Thế mới thấy, thông qua lăng kính, cách nhìn của những “nhà dân chủ”, tất cả mọi thông tin đều có thể bị bẻ lệch, từ đúng thành sai, từ tích cực thành tiêu cực nhằm thực hiện mưu đồ chống phá đất nước.
Bảo An