+
Aa
-
like
comment

Thời gian sống sót của lữ đoàn NATO trong xung đột với Nga là 3 ngày

Bích Ngân - 31/05/2024 10:02

Sĩ quan tình báo Mỹ cho biết, thời gian sống sót của một lữ đoàn NATO trong xung đột với Nga hiện nay sẽ chỉ là 3 ngày, trong khi cuộc chiến tranh điện tử giữa Nga và Ukraine diễn ra gay gắt.

Cựu sĩ quan tình báo quân đội Mỹ Scott Ritter giảng bài trên kênh YouTube Dialogue Works khi nói về những kỳ vọng “sinh tử” của một lữ đoàn NATO trong cuộc xung đột khốc liệt với Nga nếu xảy ra trong giai đoạn hiện nay.

Scott Ritter cho rằng, một lữ đoàn NATO hiện nay chỉ có thể tồn tại trong khoảng ba ngày khi đối đầu với Quân đội Nga. Vì vậy, ông cảm thấy rằng, nếu Đức cử một lữ đoàn đến Litva thì họ sẽ “sống được thêm ba ngày nữa”.

Scott Ritter nói thêm rằng, mặc dù các nước NATO đang triển khai quân gần biên giới Nga, kể cả ở các nước vùng Baltic, nhưng điều đó không có nghĩa là họ đã sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh toàn diện. Ritter cho biết, Đức dự kiến đến năm 2027 sẽ bố trí quân ở Lithuania.

Vị cựu sĩ quan tình báo quân đội Mỹ nhấn mạnh: “Phải mất ba năm để thành lập lực lượng, nhưng chỉ những quốc gia yếu kém mới làm như vậy. Còn nếu Đức là một cường quốc quân sự thực sự, họ sẽ gửi ngay một lực lượng như vậy tới Lithuania và nói: Chúng tôi đã sẵn sàng rồi”.

Ông Scott Ritter cũng đề cập rằng, Mỹ cũng không tốt hơn các nước châu Âu về mặt này, bởi vì Quân đội Mỹ bố trí rải rác trên khắp thế giới và không thể hình thành một đợt triển khai quy mô lớn ở châu Âu trong thời gian ngắn.

Trong khi đó, tác chiến điện tử giữa Nga và Ukraine (có NATO đứng sau) trên chiến trường Ukraine ngày càng trở nên khốc liệt. Gần đây có thông tin cho rằng, do sự can thiệp điện tử của Nga, khả năng tấn công chính xác của một số vũ khí do Mỹ cung cấp cho Ukraine đã bị giảm đáng kể, thậm chí bị vô hiệu hóa.

Một báo cáo đánh giá nội bộ bí mật của Ukraine cho thấy, nhiều loại vũ khí dẫn đường bằng vệ tinh được Ukraine sử dụng, không thể chống lại công nghệ gây nhiễu của Nga, dẫn đến khả năng tấn công chính xác của những loại đạn này bị giảm đáng kể.

Theo báo cáo, các hệ thống vũ khí dẫn đường đã bị tác động bởi chiến tranh điện tử của Nga bao gồm đạn pháo dẫn đường “Excalibur” do Mỹ sản xuất có thể được bắn bằng pháo M777 và hệ thống phóng tên lửa cơ động cao HIMARS.

Từ năm 2023, tỷ lệ bắn trúng của đạn pháo dẫn đường “Excalibur” do Quân đội Ukraine sử dụng ở chiến trường đã giảm mạnh, và xác suất cuối cùng bắn trúng mục tiêu là dưới 10%. Do vậy Quân đội Ukraine phải ngừng sử dụng loại đạn pháo đắt đỏ này.

Ngoài ra, một sĩ quan quân đội cấp cao Ukraine cho biết, trong năm đầu tiên xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine, Quân đội Ukraine đã sử dụng hệ thống bệ phóng tên lửa HIMARS để tấn công chính xác các kho đạn và sở chỉ huy của Nga nằm phía sau chiến tuyến. Nhưng sang năm thứ hai, khi Nga triển khai các hệ thống tác chiến điện tử, hiệu quả chiến đấu của HIMARS đã giảm đi rất nhiều.

Tuy nhiên ở phía bên kia chiến tuyến, Ukraine có sự giúp sức của NATO, cũng đã triển khai hệ thống tác chiến điện tử để “đánh lừa” UAV tấn công tầm xa của Nga như Geran-2 và tên lửa hành trình, bằng cách tạo ra các tín hiệu hệ thống định vị toàn cầu “giả”, khiến tên lửa và UAV đi lệch mục tiêu.

Quân đội Ukraine ngày 3/2 vừa qua tuyên bố rằng, hệ thống tác chiến điện tử của Quân đội Ukraine đã được đưa vào sử dụng và triển khai theo các hướng khác nhau để chống lại tên lửa, máy bay không người lái của Nga…

Tờ Hoàn Cầu của Trung Quốc vừa qua cho biết, NATO đã cung cấp cho Ukraine nhiều loại vũ khí dẫn đường, trong đó có UAV cảm tử, được lắp ráp bằng linh kiện và phần mềm do phương Tây cung cấp, điều này khiến lực lượng chiến đấu tiền tuyến của Nga trong giai đoạn đầu vô cùng đau đầu.

Sau đó, các chuyên gia kỹ thuật Nga đã sửa đổi thiết bị tác chiến điện tử, sử dụng nhiễu tín hiệu mạnh để vô hiệu hóa UAV và đạn vũ khí dẫn đường chính xác do NATO cung cấp.

Khí tài gây nhiễu điện tử của Nga có thể được triển khai cơ động và bao phủ phạm vi rộng. Khi Ukraine sử dụng bệ phóng tên lửa cơ động cao HIMARS do Mỹ cung cấp, để phóng tên lửa dẫn đường M31, do tác chiến điện tử của Nga, khiến hệ thống định vị GPS của đạn tên lửa đã bị lỗi ở cuối đường bay, nên không thể bắn trúng mục tiêu một cách chính xác.

Tờ Hoàn Cầu cũng cho biết, hiện Ukraine cũng đã áp dụng các biện pháp đối phó tương ứng, chẳng hạn như cung cấp hệ thống dự phòng và điều khiển thủ công cho UAV cảm tử để tiến hành trinh sát ở các mục tiêu trước khi tấn công.

Một khi phát hiện ra thiết bị tác chiến điện tử của Nga, họ sẽ tấn công trước bằng UAV FPV. Bằng chiến thuật này, những vũ khí dẫn đường của Ukraine mới phát huy được hiệu quả trong chiến đấu. Tuy nhiên đó không phải là việc dễ dàng với Quân đội Ukraine. (Nguồn ảnh: Bild, CNN, Ukrinform, Sputnik).

Bích Ngân 

Bài mới
Đọc nhiều