+
Aa
-
like
comment

Thời của UAV tầm trung sắp kết thúc

09/04/2021 21:59

Hiện tại, phương án đối phó với UAV vẫn là các tổ hợp phòng không tầm ngắn, tác chiến điện tử hay thậm chí là các loại pháo phòng không. Nhưng có một loại khí tài chưa được tính tới?

Máy bay phản lực huấn luyện đã và sẽ “đắt hàng”?Máy bay huấn luyện là một loại máy bay được thiết kế để thuận lợi cho việc huấn luyện bay. Các phi công thường được huấn luyện trên một loại máy bay phản lực hạng nhẹ, có từ hai chỗ ngồi trở lên để cho một học viên và người hướng dẫn.

Ngoài ra, các máy bay phản lực huấn luyện cũng có thể đóng vai trò như một chiếc tiêm kích đánh chặn – cường kích hạng nhẹ.

Nói tới máy bay phản lực huấn luyện, không thể không nhắc đến L-39NG của Cộng hòa Séc (Czech) và Yak-130 của Nga.

Một điểm chung giữa các máy bay phải lực huấn luyện hiện đại nói trên là chúng có thể mang theo vũ khí và đóng vai trò như một cường kích – tiêm kích đánh chặn nếu cần thiết.

Thời của UAV tầm trung sắp kết thúc với sự bùng nổ giao dịch của thiên địch này? - Ảnh 1.
Máy bay phản lực huấn luyện L-39NG.

Lần đầu xuất hiện tại triển lãm hàng không quốc tế Paris Air Show 2015, L-39NG sở hữu một loạt thông số ấn tượng như sử dụng động cơ Williams International FJ44-4M của Mỹ, hệ thống lái hiện đại và khung máy bay nhẹ hơn L-39.

Có giá dưới 10 triệu USD (theo tạp chí Jane) nhưng L-39NG có thể mang tới 1,2 tấn vũ khí bao gồm pháo, tên lửa không đối không, tên lửa không đối đất, rocket và bom không điều khiển trên 5 mấu cứng biến nó thành loại máy bay chiến đấu hạng nhẹ nếu cần thiết.

“Đối thủ” thương mại của L-39NG, Yak-130 (khoảng 15 triệu USD) trang bị động cơ phản lực AI-222-25 có khả năng mang 3 tấn vũ khí, và có thể đóng vai trò cường kích, tiêm kích hạng chống lại các mục tiêu trên không tốc độ thấp bao gồm UAV, máy bay vận tải, trực thăng.

Tổ hợp vũ khí trang bị trên Yak-130 bao gồm tên lửa không đối không dẫn đường R-73/74, tên lửa không đối đất không điều khiển S-8, S-13, S-25OFM, các loại bom thông thường và bom chính xác nặng 500 kg.

Theo một báo cáo của Flightglobal.com, tổng số 110 chiếc Yak-130 đã được Quân đội Nga đặt mua và đưa vào trang bị tính tới hết năm 2020. Ngoài ra, hàng trăm chiếc Yak-130 đã được các quốc gia như Belarus, Syria, Libya, Argentina, Serbia, Bangladesh và Việt Nam đặt hàng.

L-39NG cũng không hề kém cạnh, tính từ năm 2015 tới nay nhà sản xuất đã ký hợp đồng cung cấp trên 40 chiếc cho các khách hàng nước ngoài.

Ngoài việc phục vụ công tác huấn luyện, việc sở hữu năng lực tấn công của các máy bay phản lực nói trên có khả năng tăng cường khả năng yểm trợ mặt đất – nhưng liệu chúng có giúp ích gì trong cái gọi là “chiến tranh không người lái” ở tương lai?

Thời của UAV tầm trung sắp kết thúc với sự bùng nổ giao dịch của thiên địch này? - Ảnh 2.
Khả năng mang theo 3 tấn vũ khí của Yak-130 là khá ấn tượng.

Phản lực cơ hạng nhẹ có thể là “thiên địch” của UAV?

Trong các cuộc xung đột ở Syria, Libya, Yemen, Nagorno-Karabakh gần đây, vai trò của Máy bay không người lái (UAV) tầm trung độ bền cao (MALE) là không thể bác bỏ.

Chúng trở thành “tai mắt” cho hỏa lực pháo binh và nếu điều kiện cho phép, chúng có thể tiêu diệt khí tài đối phương.

Cho tới thời điểm hiện tại, phương án đối phó với UAV hiện vẫn phụ thuộc vào các tổ hợp phòng không tầm ngắn như Pantsir-S1, Tor-M3, cũng như các tổ hợp tác chiến điện tử hay thậm chí là các loại pháo phòng không.

Nhưng chính ưu thế về số lượng của UAV, đặc biệt là các phương án tác chiến theo “bầy” có thể giúp chúng “bão hòa” năng lực phòng không trên mặt đất và tấn công chúng.

Thời của UAV tầm trung sắp kết thúc với sự bùng nổ giao dịch của thiên địch này? - Ảnh 4.
Một UAV Bayraktar TB-2 bị bắn rơi trên chiến trường Libya.

Cần nhấn mạnh rằng 1 tổ hợp UAV, ví dụ Bayraktar TB-2 (do Thổ Nhĩ Kỹ sản xuất) có giá khá rẻ – khoảng 1 triệu USD, tuy nhiên chiếc UAV này chỉ có thể hoạt động trong tầm 150 km, trần bay 8.200 mét và tốc độ tối đa là 220 km/h.

Vậy tại sao các lực lượng không quân trên thế giới không tính tới việc sử dụng phản lực cơ hạng nhẹ để đối phó với UAV.

Nếu so với các thông số của L-39NG và Yak-130 (tầm – trần bay – tốc độ tối đa lần lượt là 2.590 km – 11.500 mét – 775 km/h và 2.100 km – 12.500 mét – 1.060 km/h), có thể thấy các phản lực cơ hạng nhẹ này thừa sức “thảm sát” hàng loạt UAV MALE tương tự Bayraktar TB2.

Nếu Quân đội Arab Syria (SAA), Quân đội Quốc gia Libya (LNA) và các lực lượng Armenia ở Karabakh sở hữu số lượng phản lực cơ hạng nhẹ đủ lớn – loại “thiên địch” này sẽ đánh quỵ hoàn toàn các mưu đồ tấn công UAV của đối phương.

Ngoài ra, việc sở hữu số lượng lớn phản lực cơ hạng nhẹ cũng sẽ giúp đào tạo một số lượng lớn phi công, cùng với việc sở hữu nhiều máy bay sẽ giúp các lực lượng không quân của các nước nhỏ chiếm ưu thế trên không trong trường hợp cần thiết.

Và cuối cùng, chi phí giờ bay của các phản lực cơ hạng nhẹ được đánh giá là thấp (L-39NG là 2.500 USD và Yak-130 là dưới 2,000 USD) khiến nó đặc biệt phù hợp để đối phó với nguy cơ từ những UAV “giá rẻ” trong một cuộc xung đột quân sự.

DK

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều