Thời báo Hoàn Cầu: “Vũ khí nhập khẩu của Ấn Độ chỉ là thứ vứt đi”
Trang Thời báo Hoàn Cầu sáng nay vừa có bài đăng, lên tiếng chê bai số vũ khí, tên lửa cũng như xe tăng chiến đấu mà Ấn Độ nhập khẩu từ Nga, Pháp đều là những loại vũ khí tầm thường, không thể so sánh với vũ khí nội địa Trung Quốc.
Ngay sau thông tin Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ, bà Nirmala Sitharaman có chuyến thăm Nga khẩn cấp với mục đích hối thúc Nga chuyển giao vũ khí cho Ấn Độ. Thời báo Hoàn Cầu cho rằng Ấn Độ đang “mù quáng” và “lạc quan thái quá” khi tin rằng vũ khí nhập khẩu sẽ khiến Trung Quốc sợ sệt.
Ngược lại, Thời báo Hoàn Cầu còn tự tin chế giễu số vũ khí, đạn dược cũng như tên lửa mà Ấn Độ dùng số tiền khổng lồ để nhập khẩu từ Nga, Pháp, Mỹ đều là thứ vứt đi so với vũ khí Trung Quốc trang bị.
Thời báo Hoàn Cầu còn khẳng định số vũ khí nhập khẩu của Ấn Độ còn kém xa so với vũ khí nội địa mà Trung Quốc đang sử dụng. Vì thế cơ hội mà Ấn Độ chiến thắng Trung Quốc nếu giao tranh dường như bằng không.
Theo lời của chuyên gia phân tích vũ khí Trung Quốc, năng lực của Không quân Ấn Độ hiện nay khi nước này sử dụng các trực thăng vận tải CH-47 Chinook do Mỹ sản xuất để vận chuyển lựu pháo ra tiền tuyến cũng như huy động trực thăng tấn công AH-64 Apache cho các nhiệm vụ chống tăng.
Số vũ khí và trang thiết bị này của Ấn Độ không thể sánh được với vũ khí của Bắc Kinh, chẳng hạn như lựu pháo phản lực tự hành PCL-181 và PLZ-05, trực thăng tấn công Z-10, xe tăng chiến đấu chủ lực Type 15 và Type 99A, theo Thời báo Hoàn Cầu.
Xét về sức mạnh hỏa lực, tính cơ động và chiến thuật, Thời báo Hoàn Cầu đánh giá vũ khí của Trung Quốc vượt trội hơn rất nhiều so với Ấn Độ, đặc biệt xét về khả năng tác chiến ở những địa hình đồi núi cao.
Chưa dừng lại ở đó, Thời báo Hoàn Cầu khẳng định thêm các tiêm kích MiG-29, Su-30 do Nga chế tạo, Mirage 2000 của Pháp hay máy bay tấn công Jaguar do liên doanh Anh – Pháp sản xuất, tuy là những sản phẩm phổ biến trên thị trường quốc tế, nhưng không thể so sánh được với các dòng chiến đấu cơ J-10C và J-16 mà Trung Quốc tự phát triển nội địa.
Giới phân tích vũ khí Trung Quốc thậm chí còn tin rằng máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của họ “ưu việt hơn các máy bay của Ấn Độ cả thế hệ”, một khoảng cách không thể lấp đầy bằng bất cứ biện pháp nào.
Đối với Thời báo Hoàn Cầu, việc binh lính Ấn Độ sử dụng các vũ khí nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới cũng sẽ khiến họ gặp rất nhiều khó khăn về mặt hỗ trợ hậu cần và mức độ tương thích giữa các hệ thống.
Bảo Trâm (Lược dịch theo Thời báo Hoàn Cầu)