Thói “ăn không nói có”, “vu oan giá họa” thời nào cũng bị nguyền rủa
Loại người điêu toa, “ăn không nói có”, “vu oan giá họa”, “bốc lửa bỏ tay người”… luôn bị nguyền rủa. Song, thời nào cũng có và buồn thay, nó đang nở rộ ở thời công nghệ 4.0.
Những ngày vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin bệnh nhân Covid 21 sau khi xuống máy bay đã nói dối cả đoàn đi thể dục để đến nhà bồ nhí. Hiện, hai mẹ con cô này đã bị “công an và y tế hốt đi cách ly”…
Ngay lập tức, thông tin trên lan truyền rộng rãi trên mạng.
Độc ác hơn, một số kẻ còn lấy ảnh hai mẹ con của môt người ở chung tòa nhà mà các đối tượng nói trên cho rằng là của bồ nhí bệnh nhân nọ gán cho bài viết xuyên tạc khiến mẹ con cô này phải “van xin” trên mạng để thanh minh.
Theo thông tin từ báo Dân trí, ngày 13/3, Bộ Công an đã triệu tập các đối tượng Võ Thị Thanh Thủy (SN 1986, trú tại quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội), Doãn Thị Kim Phượng (SN 1958, trú tại quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) và Nguyễn Thị Vân (SN 1994, trú tại Đông Anh, TP Hà Nội…
Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận do thiếu hiểu biết nên đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân đăng tải, chia sẻ những thông tin suy diễn, thất thiệt nêu trên, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của ông N.Q.T. (bệnh nhân Covid 21).
Với hành vi này, chắc chắn các đối tượng trên sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo qui định của luật pháp.
Điều đáng tiếc, hành vi bịa đặt kiểu này không phải là lần đầu và có lẽ cũng không phải là lần cuối.
Gần đây, không ít lời đồn thổi vô căn cứ nhằm vào những người có chức, có quyền với ý đồ không trong sáng bằng những cái cớ rất vu vơ, song lại được không ít người tin.
Ví như vụ ở Công viên nước Hồ Tây (Hà Nội), không ít người bị ngộ nhận một trong số nạn nhân là con gái của một vị Bộ trưởng chỉ vì cô gái này… trùng họ. Trong khi, con gái của Bộ trưởng này đang ở TPHCM, cách xa cả ngàn cây số và mới lấy chồng.
Rồi một thủ khoa cũng bị “vu” là con vị Bộ trưởng cái bộ chủ quản của trường đại học này chỉ vì trùng họ. Trong khi, sinh viên này quê Hà Nội còn vị Bộ trưởng quê ở Hà Nam.
Sự vu vạ này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của vị Bộ trưởng mà còn làm giảm giá trị thành tích của em sinh viên (vì là “con” Bộ trưởng nên được ưu ái?), ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình em.
Nhiều khi tự hỏi, nếu như nạn nhân là mình hay là con, là cháu, là người thân của mình thì sẽ như thế nào?
Điều đáng buồn là trên đất nước này, đã từng có biết bao số phận oan ức vì trò vu oan, giá họa.
Đã có biết bao linh hồn người oan khuất vì là nạn nhân trò ăn không nói có.
Đã có biết bao nhiêu cuộc đời tan nát vì thói “bốc lửa bỏ tay người”…
Giờ đây, sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin cũng là mảnh đất “màu mỡ” cho những kẻ điêu toa, lừa đảo.
Những người tử tế không bao giờ chấp nhận kẻ điêu toa, vu khống, xuyên tạc dù với thường dân hay quan chức.
Những người này không chỉ bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc mà còn bị người đời nguyền rủa và xa lánh, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám/DT