+
Aa
-
like
comment

THOÁT KHỎI CÁI BÓNG CỦA THỂ CHẾ: DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN VIỆT NAM TRÊN HÀNH TRÌNH VƯƠN MÌNH

15/05/2025 09:40

Trong một bữa ăn cách đây hơn hai thập kỷ, một doanh nhân Việt Nam từng ngồi giữa Jack Ma – khi ấy chỉ mới có 8 triệu USD – và kể rằng mình đã sở hữu 12 triệu USD. Hai mươi năm sau, khi gặp lại, doanh nhân Việt hào hứng chia sẻ rằng mình đã vươn tới 3 tỷ USD. Nhưng Jack Ma khi ấy đã ở mốc hơn 27 tỷ USD và hỏi rằng, “Ông đã ngủ quên à?”. Câu hỏi không chỉ là một sự so sánh tài sản, mà là một tấm gương phản chiếu về hai môi trường phát triển.

Tỷ phú Jack Ma (Ảnh: Bloomberg)

Câu chuyện ấy không lạc lõng nếu đặt trong bối cảnh Việt Nam hiện nay: nền kinh tế có hơn 850 nghìn doanh nghiệp, khu vực tư nhân đóng góp tới một nửa GDP, nhưng vẫn là lực lượng “gánh nặng chứ chưa được giải phóng”. Họ chịu thiệt thòi trong tiếp cận đất đai, tín dụng, chính sách thuế, cơ hội đấu thầu, và thường xuyên chết chìm trong một mê cung thủ tục và quy định chồng chéo. Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước được ưu ái về nguồn lực, doanh nghiệp FDI được ưu đãi về chính sách, thì khu vực tư nhân trong nước – nơi tạo ra phần lớn việc làm và giá trị gia tăng – lại phải vật lộn trong bất công thể chế suốt nhiều năm.

Không ít doanh nhân Việt khởi nghiệp cùng thời với Huawei, Alibaba, Samsung – nhưng thay vì vươn lên từ đổi mới công nghệ hay sản phẩm, họ lại bị cuốn vào vòng xoáy địa tô, tài chính ngắn hạn, thậm chí bị loại khỏi sân chơi bởi chính những rào cản do nhà nước tạo ra. Không phải vì họ không có ước mơ. Mà vì ước mơ ấy chưa từng được chắp cánh bởi một thể chế cho phép nó bay.

KHI GIỚI HẠN KHÔNG NẰM Ở NĂNG LỰC MÀ Ở CÁCH LUẬT PHÁP ĐỐI XỬ VỚI SÁNG TẠO

Khác biệt giữa doanh nghiệp Việt và các doanh nghiệp trong khu vực không nằm ở độ chăm chỉ hay ý chí, mà nằm ở cách thể chế đối xử với sai số. Singapore tạo sandbox để startup công nghệ thử nghiệm mô hình mới, với cơ chế bảo vệ rủi ro cụ thể. Trung Quốc cho phép “tăng trưởng trước, điều chỉnh sau”, từ đó mới có được một thế hệ doanh nghiệp Internet thống trị châu Á.

Sandbox – hay “khung thể chế thí điểm” – là cơ chế pháp lý cho phép một số doanh nghiệp được thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tiễn. Những thử nghiệm này diễn ra trong phạm vi và thời gian giới hạn, dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý, và đi kèm với các biện pháp dự phòng để hạn chế hậu quả nếu thất bại, nhằm bảo vệ sự an toàn của hệ thống tài chính quốc gia.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, sandbox lại được thiết kế như một cuộc thi tuyển chọn… hoàn hảo. Yêu cầu cao đến mức không một startup nào đáp ứng nổi. Thay vì là môi trường “thử rồi sửa”, nó trở thành bài kiểm tra đầu vào của một cỗ máy quản lý không tin vào rủi ro – dù sáng tạo là bản chất của rủi ro.

Hệ quả là nhiều doanh nhân buộc phải quay lưng với sản xuất – lĩnh vực vốn đòi hỏi dài hạn, nhiều vốn và nhiều bất trắc – để tìm lối tắt trong bất động sản, tài chính, thương mại. Đó là một lựa chọn hợp lý trong một môi trường bất hợp lý. Nhưng nếu sự hợp lý ấy cứ kéo dài, chúng ta sẽ không còn năng lực cạnh tranh quốc gia, không còn thương hiệu Việt tầm khu vực, và không còn một lực lượng doanh nhân dám nghĩ lớn trên chính đất nước của mình.

BA NGHỊ QUYẾT MỚI: MỘT TÂM THẾ KHÁC TRONG VIỆC NUÔI DƯỠNG DOANH NHÂN

Trong bối cảnh đó, sự ra đời đồng loạt của ba nghị quyết – 57, 66, 68 – không chỉ là hành động chính sách, mà là tín hiệu rõ ràng về một chuyển hướng tư duy: chấp nhận mạo hiểm, thúc đẩy sáng tạo, trao lại quyền mơ lớn cho cộng đồng doanh nhân trong một tâm thế mới – chủ động, dấn thân và dẫn dắt.

Ba nghị quyết 57, 66, 68 ra đời không phải để “cứu” doanh nghiệp, mà để đặt lại quan hệ giữa Nhà nước và thị trường – đặc biệt là với khu vực tư nhân trong nước – như một quan hệ hợp tác chiến lược thay vì chỉ quản lý hành chính.

Lần đầu tiên trong một văn bản cấp cao của Đảng, khu vực kinh tế tư nhân được xác lập là “lực lượng nòng cốt để phát triển kinh tế”, điều mà suốt nhiều năm vốn chỉ được thừa nhận một cách dè dặt, gián tiếp – nếu không muốn nói là bị lẩn khuất sau vai trò của doanh nghiệp nhà nước và FDI. Việc thẳng thắn khẳng định vai trò nòng cốt này không chỉ mang tính chính sách, mà là một bước chuyển lớn trong tư duy quản trị quốc gia: từ chỗ “quản cho chặt” sang “trao quyền để lớn”.

Khác với những định hướng trước đây vốn thiên về “cải thiện môi trường kinh doanh”, lần này các nghị quyết cho thấy một tâm thế mới: tạo ra hệ sinh thái để doanh nghiệp Việt có thể lớn, có thể mạo hiểm, có thể thua lỗ mà không bị trừng phạt và có thể quay lại đường đua mà không bị loại khỏi cuộc chơi. Sự đồng thời của ba nghị quyết – về doanh nghiệp lớn, về công nghiệp văn hóa, và về kinh tế tư nhân – chính là tuyên ngôn rõ ràng cho một thời kỳ mới: thời kỳ của doanh nhân nội địa, sáng tạo nội địa, và tầm nhìn Việt Nam được dẫn dắt bởi chính người Việt Nam.

Câu hỏi “ông đã ngủ quên à?” không chỉ dành cho doanh nhân. Mà còn là câu hỏi dành cho chính sách – rằng ta đã bỏ lỡ bao nhiêu mùa khởi nghiệp, bao nhiêu lứa doanh nhân, bao nhiêu công nghệ Việt vì sự sợ hãi rủi ro từ chính thể chế. Giờ là lúc phải tỉnh dậy. Không phải chỉ để bắt kịp thế giới, mà để kịp trao cơ hội cho những người đáng lẽ đã có thể bay từ rất lâu rồi.

Thu An

Bài mới
Đọc nhiều