+
Aa
-
like
comment

Thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung giai đoạn 1 sẽ có tác động thế nào đến Việt Nam?

15/12/2019 08:46

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa có báo cáo nhanh về việc Mỹ – Trung đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sẽ tác động thế nào đến nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.

Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 sẽ có tác động thế nào đến Việt Nam?

Cập nhật diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ – Trung

Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã kéo dài gần hai năm. Đến nay, Mỹ đã áp thuế nhập khẩu 25% với khoảng 250 tỷ USD hàng Trung Quốc và 15% với 110 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại đã “lắng dịu” hơn kể từ tháng 9/2019 với nhiều nỗ lực của chính quyền cũng như đoàn đàm phán Mỹ và Trung Quốc. Điều này đã giúp 2 nước đạt được tiến bộ thực chất bước đầu trong thỏa thuận thương mại.

Ngày 12/12/2019, truyền thông quốc tế (như Bloomberg, CNBC, Reuters, Wall Street Journa) đưa tin Tổng thống Trump đã chấp thuận thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung giai đoạn 1 mà 2 đoàn đàm phán Mỹ – Trung đạt được và dự kiến công bố chính thức vào ngày 16/12/2019. Ngày 13/12/2019, Tổng thống Trump cũng đã công bố trên Twitter của mình rằng: “Chúng tôi đã nhất trí thỏa thuận giai đoạn một rất lớn với Trung Quốc. Họ đồng ý với nhiều thay đổi về cấu trúc và mua số lượng lớn sản phẩm nông nghiệp, năng lượng, sản xuất cùng nhiều thứ khác”, mặc dù trước đó 1 giờ đồng hồ, ông vẫn bác bỏ các thông tin của truyền thông. Đây là diễn biến tích cực đối với 2 nước trong các vòng đàm phán thương mại tiếp theo, giúp hạ nhiệt căng thẳng thương mại giữa 2 nước, đồng thời góp phần giảm tác động tiêu cực đối với nền kinh tế 2 nước nói riêng và kinh tế thế giới nói chung. Tuy nhiên, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, … vẫn cần theo dõi và chờ đợi đến khi Thỏa thuận được công bố chính thức.

Một số nội dung chính của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1

Sau nhiều lần đàm phán, cấp tham mưu hai bên đã đi đến thỏa thuận 6 điểm chính gồm: (i) Thỏa thuận về việc hủy áp thuế mới, phía Mỹ sẽ hủy kế hoạch áp thuế quan đối với 160 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc (hiệu lực từ 16/12/2019); (ii) Thỏa thuận về việc nhập khẩu hàng hóa Mỹ, phía Trung Quốc sẽ thực hiện cam kết nhập khẩu hàng hóa nông sản của Mỹ (tăng kim ngạch nhập khẩu nông sản Mỹ từ 40 tỷ USD/năm lên 50 tỷ USD/năm); là lượng nông sản cao hơn 2 lần so với năm 2017 (19,5 tỷ USD) và gấp hơn 4 lần so với năm 2018 (9 tỷ USD); (iii) Thỏa thuận về dịch vụ tài chính, Trung Quốc cam kết mở cửa thị trường cho các định chế tài chính Mỹ và cam kết thực hiện các thỏa thuận về tính minh bạch đối với thị trường ngoại hối, không sử dụng tiền tệ làm vũ khí thương mại;

(iv) Thỏa thuận về chuyển giao công nghệ (vấn đề mấu chốt và khó khăn nhất trong căng thẳng và đàm phán thương mại Mỹ – Trung), các doanh nghiệp Mỹ sẽ được quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc với cam kết chia sẻ bí quyết công nghệ; (v) Thỏa thuận về sở hữu trí tuệ, hai bên đã đạt được thỏa thuận và tìm được hiểu biết chung về vấn đề sở hữu trí tuệ và bản quyền; và (vi) Thỏa thuận về giải quyết tranh chấp, 2 bên đạt được cơ chế giải quyết tranh chấp, làm cơ sở để thực thi các thỏa thuận khác.

Tác động đối với nền kinh tế toàn cầu

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cũng như những tiến bộ trong đàm phán đã và đang là một trong những tác nhân quan trọng đối với kinh tế Mỹ, Trung Quốc và thế giới. Mặc dù vậy, theo nhóm tác giả, thỏa thuận này chỉ là bước đầu, giải quyết vấn đề dễ trước, có ý nghĩa ngắn hạn và cần nhiều nỗ lực hơn nữa từ cả 2 phía để đạt được thỏa thuận thương mại lâu dài, thực chất hơn. Thỏa thuận này sẽ có tác động tích cực, nhưng không nhiều và ngắn hạn đối với nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc và thế giới. Dự báo kinh tế thế giới năm 2020 sẽ tăng trưởng tương đương hoặc cao hơn 1 chút so với năm 2019 do vẫn còn phải đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn từ đàm phán thương mại Mỹ – Trung và các yếu tố khác. IMF (tháng 10/2019) dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng ở mức 3% năm 2019 và trên 3% năm 2020, Mỹ tăng trưởng 2,4% năm 2019, 2,1% năm 2020; Trung Quốc tăng trưởng 6,1% năm 2019 và 5,7% năm 2020.

Đối với Việt Nam: như nhận định trước đây của nhóm tác giả, trong ngắn hạn, thương mại của Việt Nam đã và đang chịu tác động tiêu cực (xuất khẩu tăng khoảng 9% năm 2019, thấp hơn mức tăng 14% năm 2018), đầu tư được hưởng lợi do có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ Hồng Kông và Trung Quốc sang ASEAN, trong đó có Việt Nam (ước tính vốn đăng ký FDI từ hai lãnh thổ này năm 2019 tăng gần 3 lần so với năm 2018). Tuy nhiên, kết quả tích cực từ sự dịch chuyển này còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng hấp thụ, khả năng sàng lọc FDI và quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh của Việt Nam.

Với diễn biến như trên và như đã nêu tại báo cáo vĩ mô hết 11 tháng năm 2019, nhóm tác giả vẫn bảo lưu dự báo rằng GDP Việt Nam có thể tăng khoảng 7% với CPI bình quân được kiểm soát khoảng 3% năm 2019 và GDP tăng khoảng 6,8%, CPI bình quân tăng khoảng 3,3-3,6% năm 2020.

Tác động đối với thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán (TTCK) trên thế giới có những phản ứng khá tích cực đối với thông tin trên. Tại Mỹ, kết thúc hai phiên ngày 12 và 13/12/2019, chỉ số Dow Jones tăng 0,8%, chỉ số S&P 500 tăng 0,81%, NASDAQ tăng 0,93%. Tại thị trường châu Âu, chỉ số FTSE 100 tăng 1,91%, CAC40 tăng 0,99% và DAX tăng 1,03%,… (một phần cũng là nhờ thông tin tích cực tư cuộc bầu cử tại Anh, mở ra hy vọng về một Brexit chắc chắn hơn cho cả Anh và EU).

Tại châu Á, ngày 13/12/2019, các chỉ số TTCK cũng có xu hướng tăng (từ 0,13% đến 2,11%), đặc biệt là thị trường Hồng Kông (tăng 2,11%), Trung Quốc (Shanghai Composite) tăng 1,78%; Việt Nam (VNindex) biến động nhẹ khi giảm 0,21% chủ yếu là do lượng tiền đổ vào thị trường ngày 13/12 khá yếu cho dù là cung không quá mạnh.

Tác động của thỏa thuận này đối với TTCK châu Á cũng như TTCK thế giới sẽ được phản ánh rõ nét hơn trong những phiên giao dịch tuần tới.

Tác động đối với tỷ giá

Thông tin Mỹ-Trung đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn  1 cũng có những tác động nhất định tới thị trường ngoại hối. Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 13/12/2019, giá trị đồng USD và CNY có diễn biến trái chiều. Trong đó, chỉ số DXY đạt 97,19 điểm tăng 1,15% so với đầu năm, tăng 0,12% so với ngày 11/12/2019: ngược lại, tỷ giá CNY/USD đạt  6,9852 CNY/USD, đồng CNY mất 1,8% so với thời điểm đầu năm 2019 nhưng tăng 0,76% so với ngày 11/12 và tăng 2,28% so với cuối tháng trước. Ngoài ra, các đồng tiền của các nền kinh tế có quan hệ thương mại nhiều với Mỹ, được đánh giá chịu nhiều ảnh hưởng từ diễn biến thương mại Mỹ – Trung cũng có mức giảm đáng chú ý. Thí dụ, so với đầu năm, đồng EUR giảm 1,99%, đồng KRW giảm mạnh 5,12%; tương tự đối với các đồng tiền AUD và INR.

Điểm đáng chú ý là VND khá ổn định trong hai ngày qua cũng như từ đầu năm. Lý do chính là vì: (i) kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp (khoảng 3%), (ii) quan hệ cung – cầu ngoại tệ ổn, và (iii) chính sách điều hành tỷ giá trung tâm từ đầu năm 2016 đến nay vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả.

Qua phân tích trên, nhóm tác giả cho rằng có tác động tích cực từ việc Mỹ-Trung đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 tới niềm tin nhà đầu tư, thị trường tài chính – tiền tệ…; nhưng chỉ là tín hiệu tích cực trong ngắn hạn, là động lực tạm thời để hai bên tiếp tục đàm phán thỏa thuận giai đoạn 2.

Tuy nhiên, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung vẫn là rủi ro lớn khi hai nước vừa phải đàm phán, vừa phải đạt được sự thống nhất nội bộ liên quan đến vấn đề này. Hơn nữa, căng thẳng luôn có nguy cơ leo thang trở lại nếu bất kỳ thỏa thuận nào không được thực thi nghiêm túc hoặc chịu tác động mạnh từ các diễn biến trong nước. Đàm phán thương mại Mỹ – Trung dự báo sẽ còn nhiều chông gai, khó lường và khó nắm bắt thông tin chi tiết; do đó, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp Việt Nam luôn bám sát, theo dõi, phân tích, dự báo và đưa ra các kịch bản ứng phó khác nhau nhằm kịp thời nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức phát sinh.

(Theo CafeF)

Bài mới
Đọc nhiều