+
Aa
-
like
comment

“Thỏa hiệp 1877” liệu có lặp lại để giúp ông Trump lật ngược tình thế trong ngày 6/1?

05/01/2021 15:33

Trong cuộc bầu cử năm 1886, sau một cuộc giằng co hỗn loạn, ứng cử viên của đảng Cộng hòa đã thắng nhờ một cuộc đổi chác đi vào lịch sử nước Mỹ.

"Thỏa hiệp 1877" liệu có lặp lại để giúp ông Trump lật ngược tình thế trong ngày 6/1?

Trình tự mang tính thủ tục bỗng nhiên trở nên không đơn giản

Một trình tự, vốn mang tính thủ tục nhưng nay đã trở nên không hề đơn giản, khi một loạt các nghị sĩ Cộng hòa dự kiến phản đối.

Theo qui định, ngày 6.1.2021, Quốc hội sẽ họp, để kiểm, xác nhận và công bố kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn các bang (từ 14.12.2020), vốn đã được các bang xác thực từ trước, từ đó chính thức công ai sẽ là Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.

Ngay trước họp Quốc hội, ngày 2.1.2021, hơn chục Thượng nghị sĩ của Cộng hòa, do Josh Hawley của bang Missouri và Ted Cruz của bang Texas dẫn đầu, có thư chung, viện dẫn do có các “bất bình thường” trong bầu cử và xác nhận bầu cử tại “một số bang tranh chấp”, với yêu cầu: Quốc hội lập Ủy ban Bầu cử như thời 1887, gồm 15 thành viên gồm 5 Hạ nghị sĩ, 5 Thượng nghị sĩ và 5 Chánh án Tòa án Tối cao liên bang, điều tra các cáo buộc trong vòng 10 ngày. Nếu không, sẽ yêu cầu Quốc hội bỏ phiếu bác bỏ việc xác nhận kết quả ở các bang tranh chấp đó.

Cùng với các Thượng nghị sĩ, đến nay gần phân nửa số Hạ nghị sĩ của Cộng hòa cũng tỏ ý phản đối Quốc hội xác nhận kết quả bầu cử. Trong khi đó, Tổng thống Trump đến nay vẫn phản đối, cáo buộc cuộc bầu cử là gian lận, và kêu gọi tuần hành lớn tại thủ đô vào đúng ngày 6.1.

Thỏa hiệp bầu cử 1876 – 1877 liệu có thể lặp lại?

Có ý kiến nhắc đến nhiều về tiền lệ liên quan đến cuộc bầu cử 1876 – 1877, khi tranh cãi cũng phải đưa đến Quốc hội giải quyết như là giải pháp cuối cùng. Vậy thỏa hiệp 1876 – 1877 là gì?

Cuộc bầu cử 1876, giữa hai ứng viên Samuel Tilden (đảng Dân chủ) và Rutherford Hayes (đảng Cộng hòa), là một sự hỗn loạn. Tilden giành đa số phiếu phổ thông (dẫn hơn 260.000 phiếu) nhưng lại thiếu 1 phiếu đại cử tri đoàn cần thiết để trúng cử (chỉ đạt 184/185). Trong khi đó, phe Cộng hòa của Hayes cáo buộc đã có những vi phạm lớn ở các bang Louisiana, Florida, South Carolina (19 phiếu đại cử tri) và về 1 phiếu đại cử tri (ở bang Oregan), mà nếu đảo ngược, thì Hayes sẽ đủ phiếu để thắng cử.

Khi Quốc hội được nhóm họp, vào tháng 1.1887, sau nhiều tranh cãi, hai bên đồng ý lập một “Ủy ban Bầu cử” chung hai đảng gồm 15 thành viên, gồm 5 Hạ nghị sĩ, 5 Thượng nghị sĩ và 5 Chánh án Tòa án Tối cao liên bang để giải quyết.

Cùng lúc lãnh đạo hai đảng cũng tiến hành tham vấn kín. Kết quả là một thỏa thuận “chính trị” giữa hai đảng được đưa ra, cái sau này được gọi là “Thỏa hiệp 1877”.

Thỏa hiệp đó bao gồm:

– Phe Dân chủ (miền nam) chấp nhận Hayes thắng cử.

– Đổi lại, phe Cộng hòa đồng ý dừng sự can thiệp của Liên bang vào một số bang miền nam còn lại do Cộng hòa kiểm soát (trong đó có Louisiana), trong khi Dân chủ hứa vẫn tiếp tục tôn trọng các quyền dân sự của người da đen vừa được công nhận tại đây. Thực tế sau đó, Hayes khi là Tổng thống đã ra lệnh rút quân liên bang khỏi các nơi này.

Tuy nhiên, phe Dân chủ đã không giữ cam kết về quyền của người da đen – một thỏa thuận thực chất đã đẩy lùi việc công nhận quyền của người da đen tới gần một thế kỷ sau đó, dẫn tới phong trào dân quyền vào thập kỷ 1960.

Thỏa hiệp 1877 liệu có lặp lại để giúp ông Trump lật ngược tình thế trong ngày 6/1? - Ảnh 2.
Cuộc bầu cử năm 1876 mất gần 5 tháng để quyết định ai là người thắng cuộc và chỉ được giải quyết trước khi ông Hayes nhậm chức 3 ngày. Ảnh: AP.

Thỏa hiệp trên cần được đặt vào bối cảnh lịch sử đặc thù của nước Mỹ khi đó. Đó là thời kỳ tái thiết và hậu nội chiến Nam – Bắc. Đến trước bầu cử 1876, phe Cộng hòa vẫn còn kiểm soát 3 bang miền nam (Louisiana, Florida và South Carolina), cùng với sự hiện diện của quân đội liên bang ở đây để hỗ trợ. Song hành với đó là những câu chuyện của tranh chấp quyền lực hậu chiến, về tái thiết, cùng các vấn đề về chủng tộc, trong đó có việc giải phóng nô lệ da đen.

Như vậy, “thỏa hiệp 1877” là một nhân nhượng và đổi chác chính trị đặc thù của thời điểm lịch sử đó. Thực chất, Ủy ban bầu cử chung là thỏa thuận chính trị, chứ không phải là tiến trình theo luật định hay cơ chế của Quốc hội, nhiệm vụ thực chất không phải là điều tra các cáo buộc, mà là tìm thỏa hiệp giữa hai đảng.

Nước Mỹ của 2020 – 2021 hoàn toàn khác

Lịch sử 1876 – 1877 khó có thể lặp lại, cả về chính trị và pháp lý.

Thứ nhất, cần nhắc lại, tiền lệ 1876-1877 là một thỏa hiệp chính trị, đòi hỏi sự đồng thuận của hai đảng, nó nằm ngoài tiến trình hiến pháp, pháp luật và quốc hội.

Soi vào lúc này, về chính trị, rõ ràng hai đảng không có nhu cầu và cũng không có gì lớn đến mức cần phải đổi chác chính trị đến phải chuyển quyền Tổng thống. Do đó, khó có thể có được một thỏa hiệp kiểu như năm 1887.

Thứ hai, về việc các Thượng nghị sĩ của Cộng hòa giờ đây yêu cầu lập ra cái gọi là “Ủy ban Bầu cử” chung (như năm 1877), điều này cũng phi thực tế, vì lại phải cần có thỏa thuận riêng của hai đảng, mà lúc này là không thể.

Ngoài ra, có một yếu tố pháp lý của 1876 – 1877 để Quốc hội can thiệp sâu, đó là việc không có một ứng viên nào đạt đủ số phiếu đại cử tri cần thiết, sau khi có xác nhận của các bang. Tilden dù dẫn phiếu phổ thông, nhưng vẫn thiếu 1 phiếu đại cử tri cần thiết để thắng cử (sau thỏa hiệp 1877, Hayes đắc cử Tổng thống cũng chỉ với 1 phiếu đại cử tri hơn số cần thiết).

Điều gì đến sẽ phải đến

Theo Hiến pháp và Đạo luật kiểm phiếu, Quốc hội họp chung hai viện, dưới sự chủ trì của Phó Tổng thống Mike Pence với tư cách chủ tịch Thượng viện, để kiểm, xác nhận và công bố kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn của các bang, từ đó công bố người chiến thắng. Phó Tổng thống Pence sẽ lần lượt mở niêm phong các bì thư kết quả bỏ phiếu đại cử tri đoàn được xác nhận của các bang, giao lại cho ban kiểm phiếu đọc to kết quả trước Quốc hội. Ban kiểm phiếu sẽ gồm 4 đại biểu của hai viện và hai đảng.

Sau khi kết của của bang được xướng lên, Phó Tổng thống Pence sẽ hỏi và một đại biểu bất kỳ đều có thể nêu ý kiến phản đối. Nhưng, một phản đối chỉ được Quốc hội chấp nhận, khi phản đối đó được lập bằng văn bản và được đồng thời ký bởi ít nhất một Hạ nghị sĩ và một Thượng nghị sĩ.

Khi đó, Quốc hội sẽ phải tạm dừng phiên họp chung, Hạ viện và Thượng viện chuyển sang họp riêng rẽ, để bàn và bỏ phiếu. Một phản đối chỉ có giá trị nếu được cả hai viện Quốc hội thông qua. Còn không, kết quả của bang đưa lên sẽ được giữ nguyên giá trị.

Như vậy, khả năng nhiều là Quốc hội sắp tới sẽ phải đối diện với các phản đối hội đủ điều kiện để buộc Quốc hội phải chấp nhận xem xét. Câu hỏi đặt ra, là liệu các phản đối này có hội đủ đa số để đảo chiều kết quả mà các bang báo cáo lên hay không.

Câu trả lời chắc chắn là không. Chí ít, sẽ không thể qua được một trong hai viện Quốc hội là Hạ viện, do đảng Dân chủ kiểm soát. Chưa kể, nội bộ đảng Cộng hòa cũng rất phân hoá, nên ngay cả tại Thượng viện, cũng chưa chắc đã đạt đủ đa số (hiện là 50-48 nghiêng về Cộng hòa, nhưng còn phải chờ bầu 2 ghế của Georgia vào 5.1).

Đại sứ Phạm Quang Vinh

Như vậy, dù là người chủ trì, nhưng Phó Tổng thống Pence cũng phải tuân thủ các qui định của luật, qui trình của Quốc hội và không thể cứ muốn gì cũng được.

Lịch sử Mỹ cho đến nay, cũng mới chỉ có hai lần, Quốc hội Mỹ phải quyết định và bỏ phiếu như vậy, vào 1969 và 2005 nhưng các phản đối đều không hội đủ đa số. Sau bầu cử 2016, khi Quốc hội họp vào tháng 1.2017, cũng có nhiều nghị sĩ Dân chủ phản đối công nhận Trump, nhưng người chỉ trì phiên họp Quốc hội khi đó là Phó Tổng thống Joe Biden đã bác bỏ, vì không có một phản đối nào được lập thành văn bản và có chữ ký của 1 Hạ nghị sĩ và 1 Thượng nghị sĩ như quy định.

Vậy là, kết quả bầu cử khó có thể đảo ngược, nhưng phân hoá chính trị nước Mỹ thì còn đó và càng sâu sắc thêm.

Các phản đối của đảng Cộng hòa khó có thể đảo ngược kết quả. Có chăng, sẽ chỉ làm phức tạp và kéo dài thời gian kiểm phiếu của Quốc hội. Thông thường, như các năm gần đây, vào 2013 và 2017, Quốc hội lần lượt chỉ mất 23 và 41 phút để hoàn tất công việc này.

Nhưng 2020 – 2021 sẽ lại đi vào lịch sử bầu cử Mỹ như là một tiền lệ. Chính trị nước Mỹ lại thêm một bài học. Người đến, Người đi, cả hai phía đều nặng nề. Và, sẽ không dễ dàng gì cho người kế nhiệm, Joe Biden, Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.

Bài viết với góc nhìn của Đại sứ Phạm Quang Vinh

Bài mới
Đọc nhiều