+
Aa
-
like
comment

Thợ săn rái cá, chồn hương trong rừng ‘U Minh’ giữa Sài Gòn

24/06/2020 10:44

Không chỉ dồi dào cá tôm mà ‘rừng’ Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM) bây giờ còn được biết đến với nhiều loại thú.

Đến khu Thủ Thiêm bây giờ hỏi anh Tuấn “thợ săn”, ít ai không biết. Lê Văn Tuấn (40 tuổi, dân Thủ Thiêm) có biệt danh này vì tài săn bắt của anh đã đạt tới độ chuyên nghiệp.

Những hôm tối, trời mưa, anh Tuấn luôn túc trực ngoài “rừng” soi ếch /// TRUNG DU
Những hôm tối, trời mưa, anh Tuấn luôn túc trực ngoài “rừng” soi ếch

Thả rắn chúa, tức thì gặp may

Anh Tuấn có hơn 20 năm sống bằng nghề bắt rắn. Anh kể: “Hai năm trước, trong một lần đi “rừng”, tôi bắt được một con hổ mang nặng hơn 5 kg. Mang về nhà thì hàng xóm bảo đó là hổ mang chúa. Chỉ coi bắt rắn là nghề mưu sinh, nên thú thực tôi cũng không phân biệt được rắn chúa và rắn thường”.

Lúc đầu anh nghĩ cả đời mình chưa bắt được một con rắn lớn tới 5 kg như vậy, giờ đem thả thì tiếc. Sau một đêm suy nghĩ, anh bấm bụng: Kiếm ăn là chuyện lâu dài nên dù có thật rắn chúa hay không, anh cũng thả. Theo đường cũ anh tìm tới chỗ hôm trước rồi thả rắn để mong cho cuộc sống được bình an.

Lạ là từ ngày thả rắn chúa, cuộc sống anh Tuấn thay đổi rất nhiều. Nếu trước đây anh làm lụng quanh năm nhưng lúc nào cũng thiếu trước hụt sau thì từ ngày thả rắn, anh bỗng gặp may liên tiếp. Số lượng rắn anh bắt được mỗi ngày tăng lên hẳn. Nếu như trước đó, mỗi ngày anh bắt được 1 – 2 con thì sau đó số rắn của anh phải tính bằng ký mỗi ngày. Đặc biệt, trước đây khi bắt được rắn, anh phải nuôi nhiều ngày mới gặp được khách mua và bán không được giá; thì sau đó người mua rắn ngày càng đông nên giá cũng tăng lên. Cuộc sống được cải thiện, gia đình anh cũng ấm cúng hơn nhờ thu nhập ngày càng ổn định.

U Minh giữa Sài Gòn: Thợ săn rái cá, chồn hương1
Mới đây anh Tuấn săn được con rái cá thứ 2 trong đàn rái cá thường di chuyển trong rừng Thủ Thiêm

“Rừng” Thủ Thiêm ngày càng rậm rạp, thú kéo nhau về ở ngày càng nhiều nên anh chuyển dần từ nghề bắt rắn qua đánh cá và đặt bẫy thú. Sóc, thỏ, bìm bịp cứ theo nhau về lồng, biến nhà anh ở như một vườn thú.

Bắt rái cá, chồn hương sập bẫy

Nói chuyện săn thú ở Thủ Thiêm (nơi cách khu đô thị Sala sang trọng bậc nhất Sài Gòn chỉ một con đường đất), nghe cũng có chút hoang đường nhưng lại là thực tế đang diễn ra mỗi ngày. Anh Tuấn cho hay anh không phải là dân bẫy thú chuyên nghiệp nhưng trăm hay không bằng tay quen. Tất cả cách săn thú, đặt bẫy và dụng cụ dùng để bẫy thú đều do anh xem clip trên YouTube để tự chế.

Chỉ vào con rái cá mới bắt còn nguyên vết thương ở chân, anh cho hay: “5 tháng trước, nghe có người nói thấy một đàn rái cá ở “rừng” Thủ Thiêm, tôi liền lên mạng học cách làm bẫy. Người ta làm bằng những dụng cụ chuyên nghiệp, còn tôi chặt những cây còng ngay cạnh nhà để buộc lại thành rào. Tôi nghĩ đơn giản, con rái cá nó khỏe, nếu mình dùng loại cây yếu thì dễ gãy. Nếu một lần làm xổng, lần sau nó sẽ dè chừng và khó bẫy hơn nên đã làm là phải trúng”.

U Minh giữa Sài Gòn: Thợ săn rái cá, chồn hương2
Anh Lê Văn Tuấn đang chế dụng cụ đi săn bằng những loại cây có quanh nhà.

Rừng nước mênh mông, biết rái cá ở đâu để đặt bẫy? Anh cười rồi vào nhà vác ra một con rái cá để trong lồng: “Đây là con thứ hai sau con đầu tiên tôi bắt được cách đây 5 tháng. Chắc chúng cùng một đàn”. Nói đoạn, anh chỉ vào chân con rái cá: “Chân rái cá đi để lại dấu rất đặc biệt. Chưa kể, chúng thường di chuyển theo đàn nên việc tìm theo dấu vết cũng không quá khó”. Nghe có người nói thấy rái cá ở “rừng” Thủ Thiêm, anh hỏi tỉ mỉ về chỗ họ thấy rái cá đi qua rồi lần theo thì thấy chi chít dấu chân còn mới. Đoán vẫn là đàn rái cá anh gặp lúc trước nên anh đặt 5 cái bẫy. Tới lúc thăm thì dính một con. Anh cho hay đàn rái cá vẫn chỉ quanh quẩn đâu đó và anh sẽ bắt dần từng con một.

Ngoài rái cá, hôm tôi đến nhà anh Tuấn còn có thêm 3 con sóc, 1 con bìm bịp và 1 con chồn hương. Anh Tuấn cho hay chồn hương thì lâu lâu đặt trúng vì chúng ăn trái cây, sống ở trên cây nên khó theo dấu. Còn chồn mướp thường ăn chuột nên phân hôi mùi chuột, có thể theo dấu được. 10 lần như một khi vào “rừng”chỉ cần ngửi thấy mùi chuột hôi, lần theo mùi đó để đặt bẫy, kiểu gì cũng trúng chồn.

U Minh giữa Sài Gòn: Thợ săn rái cá, chồn hương3
Sau khi bắt được sóc trong rừng, anh Tuấn lại tỉ mỉ làm lồng và lấy thức ăn cho sóc.

Chỉ bán thú cho người nuôi kiểng, phóng sanh

Dù sống bằng nghề săn bắt thú nhưng anh Tuấn vẫn kiên trì nguyên tắc thả cá nhỏ, không bắt rắn và chỉ bán thú cho người nuôi kiểng hoặc phóng sanh. Anh bộc bạch: “Vì cuộc sống quá bần cùng nên tôi phải gắng chứ nếu sống đủ hay có nghề nghiệp thì tôi cũng không chọn nghề săn bắt”. Mất đất, mất nhà, anh Tuấn cũng từng xin làm thợ hồ nhưng rồi được vài tuần đầu công cán sòng phẳng, về sau thì bị nợ rồi quỵt lương. “Chán cảnh làm thuê, tôi lại về với rừng”. Anh Tuấn hiểu rõ từng hạt gạo anh ăn đến tấm áo con anh mặc cũng là do thiên nhiên ban cho nên dù khó, anh vẫn kiên định những nguyên tắc nói trên.

Ai đến mua, anh Tuấn cũng hỏi rất kỹ xem họ mua để ăn hay nuôi kiểng. Nếu họ nói mua ăn, anh sẽ nói giá rất cao. Trong trường hợp họ vẫn quyết mua thì anh đành tháo non… không bán. “Còn khi ai đó nói mua để nuôi kiểng thì ánh mắt họ nhìn con thú cũng sẽ khác”, anh Tuấn nói. Gặp được những khách như vậy, anh thường giảm hoặc lấy giá rất rẻ.

Hiện giờ, khi kinh tế đã không còn quá khó khăn, anh Tuấn chỉ xem săn bắt thú là niềm vui. Những dịp không quá túng thiếu như nghỉ hè, không phải lo đóng học phí cho con, anh Tuấn thường giữ lại những con thú săn được để chăm sóc. Nhìn cách anh tỉ mỉ làm từng cái lồng, cắm từng cành cây trong lồng thú, tôi tin việc anh săn bắt thú chỉ là bất đắc dĩ. (còn tiếp)

Săn bắt nhờ duyên

Nhiều năm săn thú, anh Tuấn cho hay việc săn bắt không chỉ cần kỹ năng mà còn cần cái duyên. Có người kỹ thuật cao nhưng đi săn không được nhiều. Còn anh muốn bắt sóc chỉ cần đặt vài cái lồng trên cây, móc vài quả chuối là dính; đi săn ếch thì cứ thấy đốm đỏ (mắt ếch phát sáng trong đêm) thì phóng lao là trúng…

Hãy xếp tôi ra khỏi hộ nghèo

Anh Lê Văn Tuấn quê gốc Trà Vinh, sau khi cưới chị Lê Thị Thủy (dân gốc Thủ Thiêm) thì nhập hộ khẩu vào nhà vợ, đăng ký rất rõ ràng. Từ khi khu Thủ Thiêm bị giải tỏa, gia đình anh được liệt vào diện hộ nghèo. Mới đây, sau dịch Covid-19, chính quyền có hỗ trợ cho 4/5 hộ thuộc gia đình vợ nhưng trừ nhà anh Tuấn với lời giải thích “tưởng gia đình không còn sống ở Thủ Thiêm nữa”, trong khi hộ khẩu nhà chị Thủy vẫn còn nguyên như cũ, con chị vẫn còn đi học trường công bình thường. Anh chị tự ái: “Họ lấy đất của tôi, tự xếp tôi vô hộ nghèo rồi hỗ trợ theo cách bố thí. Hãy xếp tôi khỏi danh sách hộ nghèo và trả lại nhà tôi 600 m2 đất thổ cư họ đang mượn để xây công trình hơn chục năm nay”, chị Thủy nói.

Lam Ngọc/ TNO

Bài mới
Đọc nhiều