Thổ “quay lưng” và mua S-400, nơi chứa 50 quả bom hạt nhân B61 trở thành mối nguy lớn với Mỹ?
Nhà phân tích Richard Caroll cho rằng đã đến lúc Mỹ cần cân nhắc nghiêm túc và đưa ra quyết định nhanh chóng đối với vấn đề này.
Theo nhà phân tích Richard Caroll trên tạp chí National Interest, Không quân Mỹ hiện triển khai 5.000 quân nhân tại căn cứ không quân Incirlik, Thổ Nhĩ Kỳ. Là công trình từ thời Chiến tranh Lạnh, căn cứ Incirlik đã cung cấp cho Mỹ một sân bay ngay sát các biên giới của Liên bang Xô Viết.
Mặc dù không có lực lượng tên lửa nhưng tại căn cứ Incirlik có một Không đoàn đủ khả năng triển khai các loại đầu đạn thông thường và hạt nhân một cách nhanh chóng tới các khu vực nhạy cảm của Liên Xô thời đó.
Tuy nhiên, khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt vào năm 1991, và Mỹ ngày càng độc lập về nguồn cung cấp năng lượng, thì căn cứ Incirlik đã không còn đóng vai trò quan trọng đối với các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.
Cùng với đó là mức độ căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ sau khi Ankara quyết định mua hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất.
Xét tới những yếu tố như trên, theo ông Caroll, đã đến lúc Mỹ cần cân nhắc nghiêm túc việc chấm dứt hiện diện tại căn cứ không quân Incirlik trên bán đảo Anatolian.
Sự hình thành của căn cứ không quân Incirlik
Căn cứ không quân Incirlik là nơi đồn trú của các đơn vị quân sự Mỹ từ năm 1955. Ban đầu nó có tên là căn cứ không quân Adana nhưng sau đó đổi thành Incirlik vào năm 1958.
Hiện Không đoàn 39 trực thuộc Không quân Mỹ đang được triển khai tại căn cứ Incirlik. Mặc dù Mỹ đã loại bỏ các tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân vào năm 1963 nhưng tại căn cứ Incirlik vẫn có khoảng 50 quả bom hạt nhân trọng lực B61.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Incirlik đóng vai trò như sườn phía nam của không quân NATO để răn đe các động thái hung hăng từ Liên Xô. Đây cũng là bàn đạp mạnh mẽ để Mỹ mở rộng tầm ảnh hưởng đối với các vấn đề an ninh ở Trung Đông.
Trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép Mỹ sử dụng căn cứ không quân Incirlik để chống IS từ năm 2015 cho tới khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút quân khỏi Syria và chấm dứt sự tham gia của Mỹ trong chiến dịch không quân chống khủng bố.
Incirlik đóng vai trò như một căn cứ tiền phương, với sức chứa nhiều loại máy bay, từ các chiến đấu cơ tiền tuyến của Không quân Mỹ, cho tới các loại máy bay hậu cần để vận chuyển binh sĩ, đạn dược và một số trang bị khác tại Trung Đông.
Tổng thống Erdogan và chủ nghĩa dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ
Sự gia tăng tầm ảnh hưởng của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trong nền chính trị Thổ Nhĩ Kỳ đã kéo theo sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc. Ngoài ra, ông Erdogan tỏ ra ngày càng tín nhiệm Đảng Hồi giáo Công lý và Phát triển (AKP).
Tổng thống Erdogan là một tín đồ trung thành của chủ nghĩa dân tộc và gắn liền với phong trào Hồi giáo mạnh mẽ tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông cũng ủng hộ học thuyết Blue Homeland khi ký kết các hiệp ước với Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya [được Liên Hiệp Quốc ủng hộ] để thiết lập vùng độc quyền kinh tế (EEZ) giữa hai nước tại Đông Địa Trung Hải.
Sử dụng học thuyết Blue Homeland, Thổ Nhĩ Kỳ đang tạo ra thách thức tại khu vực hiện là EEZ của Hy Lạp bằng cách triển khai hải quân tới thăm dò và khai thác các mỏ giàu khí đốt tự nhiên ở Đông Địa Trung Hải.
Sự can dự của ông Erdogan vào Libya, mối quan hệ liên minh (dù không mấy dễ chịu) với Nga và quyết định mua hệ thống phòng không S-400 từ Moscow đã dẫn tới những bất hòa giữa Thổ với NATO, tiêu biểu là Mỹ đã hủy bỏ tư cách tham gia của Ankara trong chương trình tiêm kích tàng hình F-35.
Trong khi đó, Hy Lạp đã có sự tham gia tích cực vào chương trình F-35, đồng thời lại đạt được nhiều thỏa thuận với Mỹ trước đó. Vì vậy, đây có thể sẽ là địa điểm thay thế hợp lý cho căn cứ không quân của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Rút Không đoàn 39 ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ
Trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang dần rời xa NATO-phương Tây, và ngày càng tăng độ hiện diện với các lực lượng tôn giáo-chính trị ở Trung Đông, theo nhà phân tích Caroll, dường như đã đến lúc Mỹ nên đóng cửa Không đoàn 39 ở Thổ Nhĩ Kỳ và di chuyển lực lượng này tới một quốc gia đáng tin cậy hơn về mặt chính trị, như Hy Lạp.
Mỹ hiện chỉ có một căn cứ quân sự đặt tại đảo Crete của Hy Lạp, đây là nơi đồn trú của một số lượng nhỏ quân nhân Hải quân Mỹ. Kể từ khi đi vào hoạt động giữa những năm 1950, tại căn cứ này chỉ có khoảng 800 quân nhân Mỹ.
Mỹ từng có cơ sở không quân tại căn cứ Iraklion của Hy Lạp nhưng đã đóng cửa vào năm 1993. Trong khi đó, mặc dù căn cứ không quân Hy Lạp có đường băng nhưng nó không đủ tiêu chuẩn để hỗ trợ các cơ sở, cũng như nhân lực cần thiết để thay thế cho căn cứ Mỹ tại Incirlik.
Vì thế, chính phủ Mỹ và Hy Lạp hiện đang cân nhắc khả năng thiết lập một căn cứ không quân mới.
Trước thái độ ngày càng không nhất quán của Tổng thống Erdogan, tầm ảnh hưởng gia tăng của đạo Hồi tại Thổ Nhĩ Kỳ, và những rủi ro rình rập nơi chứa 50 quả bom hạt nhân B61 tại Incirlik, nhà phân tích Caroll cho rằng Mỹ không nên lấn cấn căn cứ này thêm nữa, mà nên quyết định thời điểm rút lực lượng ra khỏi đây.
Quân Sương