+
Aa
-
like
comment

Thổ Nhĩ Kỳ đi ngược thế giới

Mạnh Hải - 10/10/2022 15:10

Ngày 3/10, Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ công bố báo cáo cho biết, lạm phát của nước này trong tháng 9/2022 đã tăng 83,45% so với một năm trước đó và chạm mức cao nhất trong 24 năm, giữa bối cảnh Tổng thống Recep Tayyip Erdogan vẫn hối thúc cắt giảm lãi suất mạnh hơn nữa.

Đồng lira (trên) của Thổ Nhĩ Kỳ và đồng USD (dưới)

Chỉ trong 2 tháng qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm lãi suất 200 điểm cơ bản xuống 12% và đồng lira của nước này đang giao dịch ở mức thấp kỷ lục là 18,56 lira đổi một USD, mất khoảng 28% giá trị so với đồng bạc xanh trong năm nay. Chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ thực sự gây nhiều sự chú ý, trong bối cảnh ngân hàng trung ương tại các nước khác đã tăng lãi suất với hy vọng kiềm chế lạm phát.

Có thể thấy rằng lạm phát như hiện nay, một phần do sự tăng giá năng lượng, lương thực trên thế giới, và một phần do sự mất giá của bản thân đồng tiền của Thổ Nhĩ Kỳ. Với vế thứ hai, tức là sự mất giá của bản thân đồng lira, thì điều đó chỉ có nghĩa rằng của cải quốc dân ở đất nước này đang được phân phối lại. Theo đó, những người nợ nhiều mà chủ yếu là các doanh nghiệp dựa nhiều vào tín dụng trong nền kinh tế, sẽ là những đối tượng được hưởng lợi.

Trong khi đó, tuyệt đại đa số người dân, là những người lao động làm thuê có thu nhập chủ yếu là tiền công, phải gánh chịu thiệt hại. Như vậy, ở đây, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã chấp nhận lạm phát như một cách để cứu lấy giới công thương nghiệp của nước mình khỏi những khó khăn, điều này dễ khiến chúng ta liên tưởng đến nước Đức sau thế chiến thứ nhất.

Hơn nữa, hiện nay lãi suất 12% của Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã là mức cao trên thế giới rồi. Để so sánh, Anh vừa tăng lãi suất lên 2,25%, mức cao nhất kể từ năm 2008. Trong khi đó, Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nhập khẩu năng lượng chiếm khoảng 1/3 tổng lượng nhập khẩu trong chín tháng đầu năm 2022. Như vậy, nếu Thổ Nhĩ Kỳ tăng lãi suất thì lạm phát chưa chắc đã giảm nhiều trong khi nền sản xuất trong nước tất yếu sẽ đi đến chỗ hoàn toàn đình đốn.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ thì khẳng định, động thái hạ lãi suất cuối cùng sẽ kéo theo lạm phát giảm trong một vài tháng tới. Trong báo cáo công bố ngày 4/9, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ kỳ vọng lạm phát sẽ giảm xuống 65% vào cuối năm 2022 và giảm mạnh xuống 24,9% vào cuối năm 2023. Dù vậy những điều này hãy còn rất khó đoán định, nhất là trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine hãy còn căng thẳng, và giá lương thực vẫn sẽ duy trì ở mức cao.

Nhìn sang Việt Nam, từ đầu năm 2022 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã cố gắng kiềm chế lạm phát bằng cách bán bớt 21 tỷ USD dự trữ ngoại hối để tránh phải tăng lãi suất. Và mãi đến cuối tháng 9 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước mới nâng lãi suất điều hành, mở đầu cho sự tăng lãi suất của các ngân hàng thương mại.

Có thể thấy rằng, chủ trương kiềm chế lạm phát thực sự đã bảo vệ được quyền lợi của đa số người dân, nhất là người lao động. Bên cạnh đó, Việt Nam ít nhất đã làm chậm được quá trình tăng lãi suất so với nhiều nước khác, tạo cơ sở rất quan trọng cho việc đảm bảo hoạt động của các doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước vẫn đảm bảo được rằng dự trữ ngoại hối không bị sụt giảm quá nặng nề như trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, và nhờ đó mà tiếp tục có được sự chủ động trong việc đối phó với lạm phát.

Mạnh Hải

Bài mới
Đọc nhiều