Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu nếm trái đắng khi dám “vuốt râu hùm” Mỹ
Mỹ bắt đầu tiến hành nhiều biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ sau một loạt hành động “vuốt râu hùm” của Ankara. Giới quan sát cho rằng, đây chỉ là “khúc dạo đầu” và còn nhiều “bất ngờ” mà Mỹ dành cho người Thổ đang ở phía trước.
Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng 2020 (NDAA) hiện đã được Lưỡng viện Mỹ thông qua (Hạ viện Mỹ thông qua hôm 11/12, Thượng viện thông qua ngày 16/12), trong đó chính thức áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ và cấm giao máy bay chiến đấu F-35 cho nước này. Tổng thống Trump từng tuyên bố ủng hộ NDAA này và khẳng định sẽ nhanh chóng ký và ban hành sau khi Lưỡng viện Mỹ thông qua.
Ngoài ra, Quốc hội Mỹ ngày 17/12 đã thông qua nghị quyết bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí áp dụng hàng chục năm qua đối với Cyprus, động thái này có thể gây bất bình đối với Thổ Nhĩ Kỳ – đồng minh của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO), trong bối cảnh căng thẳng giữa giữa Ankara và Nicosia leo thang.
Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Robert Menendez và Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Marco Rubio – những người thúc đẩy nghị quyết này cho biết, họ muốn thúc đẩy hợp tác giữa Cyprus, Hy Lạp và Israel. Theo nội dung nghị quyết, Mỹ vẫn sẽ hạn chế việc Cyprus – thành viên của Liên minh châu Âu (EU) – sở hữu một số công nghệ nhạy cảm.
Mỹ áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Cyprus năm 1987 nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình giữa cộng đồng người Cyprus gốc Hy Lạp chiếm đa số trên đảo Cyprus và cộng đồng thiểu số người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1997, Thổ Nhĩ Kỳ từng đe dọa tấn công Cyprus nếu nước này xúc tiến kế hoạch lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 của Nga.
Trước đó, Thượng viện Mỹ hôm 12/12 thông qua nghị quyết, theo đó chính thức xác nhận có vụ “diệt chủng dân Armenia” do Thổ Nhĩ Kỳ gây ra. Theo Nghị quyết, từ năm 1915-1923, Đế Quốc Ottoman (nay là Thổ Nhĩ Kỳ) đã tàn sát 1.500.000 người Armenia.
Từ trước tới nay, vụ việc “diệt chủng dân Armenia” luôn là “tranh cãi bất tận” giữa châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Một số quốc gia châu Âu nhiều năm trước đề xuất Liên hợp quốc xem xét việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành “diệt chủng dân Armenia”, kết quả là Thổ Nhĩ Kỳ đã phản ứng mạnh mẽ và dưới áp lực của Mỹ, vụ “diệt chủng dân Armenia” chỉ còn nằm trong tủ “hồ sơ mật” của các cơ quan có liên quan ở châu Âu. Hiện nay, cùng với quan hệ Mỹ – Thổ ngày càng xấu đi, Mỹ cũng lật lại hồ sơ vụ án này và chính thức quy trách nhiệm cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuối tháng 10/2019, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua Nghị quyết này, trên thực tế, Nghị quyết này đã được Hạ viện Mỹ soạn thảo từ nhiều năm trước, tuy nhiên, Nghị quyết không được Nhà Trắng ủng hộ vì Tổng thống Trump không sẵn sàng trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ và lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nghiêng về Nga. Với việc được Lưỡng viện Mỹ thông qua, chắc chắn Nghị quyết này sẽ được Tổng thống Trump ký và ban hành.
Nghị quyết này tuy chỉ là một hành động có tính biểu trưng, nhưng làm chính phủ Ankara giận dữ trong khi đang có sự căng thẳng với Washington. Khi Hạ viện Mỹ thông qua Nghị quyết, Chính quyền Ankara đã nhanh chóng có phản ứng, bác bỏ nghị quyết của Hạ Viện Mỹ và gọi đây là “hành động chính trị vô nghĩa”, đồng thời cũng cảnh cáo là điều này làm hại mối quan hệ giữa hai quốc gia “vào thời điểm vô cùng nhạy cảm” cho an ninh khu vực và quốc tế.
Phía Thổ Nhĩ Kỳ mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc diệt chủng, và cho rằng cả người Armenia và người Thổ Nhĩ Kỳ đều thiệt mạng nhiều do Thế Chiến I. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng nói rằng số người Armenia thiệt mạng chỉ lên tới con số hàng trăm ngàn.
Theo giới quan sát, những hành động của Mỹ vừa qua mới chỉ là “màn dạo đầu” cho việc trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Thời gian qua, Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần “đánh” vào thể diện của Mỹ, đầu tiên là việc Thổ Nhĩ Kỳ – một quốc gia NATO nhưng lại mua tên lửa S400 của Nga và khi thử nghiệm radar của hệ thống này, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sử dụng máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất làm mục tiêu. Đây là điều mà bất kỳ quốc gia phương Tây nào cũng không thể “tha thứ” cho người Thổ.
Thứ hai, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang hợp tác để xây dựng đường ống dẫn khí thiên nhiên từ Nga và đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, điều này sẽ làm xói mòn thêm thị phần khí đốt tự nhiên của Mỹ. Cuối cùng, Thổ Nhĩ Kỳ đang thể hiện là một quốc gia “hiếu chiến” trên chiến trường Syria và Libya, thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ còn nhiều lần tấn côn các tiền đồn của Mỹ, điều này làm Quân đội Mỹ thực sự “nổi giận”.
Do vậy, Mỹ có những lý do rất chính đáng để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này hoàn toàn khác với việc trừng phạt Iran, chỉ cần đưa ra một lý do rồi đơn phương áp đặt trừng phạt. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ quá gay gắt, điều này sẽ chỉ làm Ankara ngày càng tiến gần đến Moscow.
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang thể hiện xích lại gần Nga nhưng thực tế những hành động này chỉ là kế sách “mượn” Nga để gia tăng áp lực với Mỹ. Một điều chắc chắn là Chính quyền Ankara sẽ không bao giờ có thể rời xa được Washington và NATO.
(Theo Infonet)