+
Aa
-
like
comment

Thợ cắt tóc, nhân viên quán bia, người bán trà đá được hỗ trợ 1,5 triệu đồng

23/07/2021 10:04

Hà Nội sẽ hỗ trợ lao động tự do đủ điều kiện 1,5 triệu đồng mỗi người bằng tiền mặt trên danh sách được phê duyệt.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký quyết định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn TP.

Nguyên tắc, nội dung, điều kiện, đối tượng, mức hỗ trợ và phương thức chi trả thực hiện theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1-7-2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 7-7-2021, của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Thợ cắt tóc, nhân viên quán bia, người bán trà đá được hỗ trợ 1,5 triệu đồng - Ảnh 1.
Nhiều lao động tự do mất việc sẽ được Hà Nội hỗ trợ tiền mặt

Lao động tự do được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/lần

Trong các nhóm người lao động, người sử dụng lao động thuộc diện được hỗ trợ, nhóm người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do) là đối tượng khó xác định nhất, nhận được sự quan tâm của dư luận. Theo nội dung Quyết định số 3642/QĐ-UBND, lao động tự do được hỗ trợ là người lao động theo quy định tại khoản 1 điều, 3 của Luật Việc làm (người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc), làm việc trong các ngành nghề bị mất việc làm do phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu tại các văn bản chỉ đạo của UBND TP.

Đó là Công điện số 04/CĐ-UBND, ngày 29-4-2021, của Chủ tịch UBND TP về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội; Công điện số 06/CĐ-UBND, ngày 3-5-2021 của Chủ tịch UBND TP về tạm dừng các hoạt động không thiết yếu để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội. Tiếp đến là Chỉ thị số 12/CT-UBND, ngày 11-5-2021 của UBND TP về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP; Văn bản số 1408/UBND-KGVX, ngày 11-5-2021 của UBND TP về việc tạm dừng một số hoạt động có nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19; Công điện khẩn số 11/CĐ-UBND ngày 24-5-2021 của Chủ tịch UBND TP về việc quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội. Gần nhất là Công điện số 14/CĐ-UBND ngày 12-7-2021 về việc quyết tâm triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước; Công điện số 15/CĐ-UBND ngày 18-7-2021 của Chủ tịch UBND TP về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước….

Nhóm lao động tự do khác được hỗ trợ là người lao động bị cách ly, cư trú trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền, trừ trường hợp người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

Lao động tự do đủ điều kiện hỗ trợ khi cư trú hợp pháp trên địa bàn TP; bị mất việc làm do phải dừng hoạt động trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến 31-12-2021. Mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người/lần. Phương thức chi trả theo hình thức trực tiếp cho người lao động trên cơ sở danh sách được phê duyệt.

Đối với các trường hợp người lao động bị mất việc làm thuộc các ngành nghề bị tạm dừng hoạt động sau ngày Quyết định số 3642/QĐ-UBND có hiệu lực thi hành, thì các bên liên quan áp dụng theo văn bản chỉ đạo của UBND TP hoặc chính quyền địa phương theo từng thời điểm và diễn biến của dịch Covid-19.

Cách thức tổ chức thực hiện đối với lao động tự do được hướng dẫn chi tiết tại phụ lục kèm theo Quyết định số 3642/QĐ-UBND, làm cơ sở để các bên liên quan khẩn trương thực hiện.

Nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực

Ngoài nhóm lao động tự do, người lao động, người sử dụng lao động trên địa bàn Hà Nội được tiếp cận với nhiều chính sách hỗ trợ khác, như: Giảm mức đóng Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (thời gian áp dụng 12 tháng, từ ngày 1-7-2021 đến hết ngày 30-6-2022); tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất (thời gian từ ngày 7-7-2021 đến hết ngày 30-6-2022).

Cùng với đó, Hà Nội hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động (thời gian nộp hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 30-6-2022). Trong 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kinh phí hỗ trợ, người sử dụng lao động thực hiện việc chuyển kinh phí cho cơ sở thực hiện việc đào tạo theo phương án đã được phê duyệt.

Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31-1-2022.

Với chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc, người sử dụng lao động lập danh sách người lao động theo hướng dẫn, gửi đến các cơ quan chức năng. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31-1-2022.

Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được áp dụng đến hết ngày 31-1-2022. Theo đó, người lao động có nhu cầu hỗ trợ gửi bộ hồ sơ theo quy định đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (tại trụ sở chính hoặc tại 13 điểm, sàn giao dịch việc làm vệ tinh) thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Ngoài ra, Hà Nội thực hiện chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế theo quy định của trung ương, phù hợp với đặc thù của địa phương.

Đối với viên chức hoạt động nghệ thuật, đối tượng hỗ trợ là viên chức hoạt động tại các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật (bao gồm cả đơn vị trực thuộc cơ quan trung ương) bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31-1-2022.

Còn hướng dẫn viên du lịch có nhu cầu hỗ trợ gửi hồ sơ đề nghị theo hướng dẫn của trung ương và gửi đến Sở Du lịch Hà Nội (nơi cấp thẻ cho hướng dẫn viên du lịch). Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31-1-2022.

Hộ kinh doanh cần hỗ trợ có thể gửi đề nghị theo hướng dẫn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa điểm kinh doanh. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31-1-2022.

Với chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, thì người sử dụng lao động lập danh sách người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định gửi cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang tham gia bảo hiểm xã hội để xác nhận. Ngoài ra, người sử dụng lao động gửi bộ hồ sơ đề nghị vay vốn đến phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện nơi có trụ sở hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc nơi cư trú đối với hộ kinh doanh, cá nhân để thẩm định, phê duyệt. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ đề nghị vay vốn chậm nhất đến hết ngày 25-3-2022.

Quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, chi kinh phí hỗ trợ với các đối tượng nêu trên diễn ra trong thời gian nhanh nhất.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội đã thiết lập đường dây nóng (số điện thoại: 02438344643) để tiếp nhận thông tin, phản ánh và kiến nghị của người dân trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động và người sử dụng lao động theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

B.H.Thanh

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều