+
Aa
-
like
comment

Thiếu tướng Lê Văn Bảy và câu chuyện xúc động về trận chiến không cân sức 41 năm trước

10/07/2020 18:46

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc đã qua 41 năm, nhưng những chiến công oanh liệt, hào hùng của quân và dân ta vẫn còn vang mãi, trong đó có câu chuyện vô cùng xúc động của người thương binh – Thiếu tướng công an Lê Văn Bảy.

Trận đánh không cân sức

Thiếu tướng Lê Văn Bảy sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có truyền thống cách mạng tại xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, có cha tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, 3 người anh đi bộ đội tham gia chiến đấu chống Mỹ cứu nước thì một anh là thương binh, hai anh là liệt sĩ.

Tháng 10/1978, vừa tròn 19 tuổi, Lê Văn Bảy trúng tuyển vào ngành công an, được biên chế vào Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Lai Châu.

Đại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an với Thiếu tướng Lê Văn Bảy. (Ảnh: NVCC)

Sau 4 tháng huấn luyện cũng là lúc xảy ra sự kiện ngày 17/2/1979, khi quân bành trướng Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ phía Bắc nước ta. Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động của Công an tỉnh được chia ra tăng cường về các xã biên giới để phối hợp với các đơn vị chủ lực, lực lượng công an vừa chiến đấu, vừa vận động nhân dân sơ tán để đảm bảo an toàn, vừa tổ chức bắt các toán thám báo của địch.

Lực lượng công an cùng với các lực lượng vũ trang, dân quân các xã biên giới đã bám trụ, chiến đấu kiên cường, giành giật từng tấc đất biên cương thiêng liêng của Tổ quốc.

Thiếu tướng Lê Văn Bảy - chuyện giờ mới kể - Ảnh 1.
Vợ chồng tác giả (phải) trong một cuộc gặp gỡ với Thiếu tướng Lê Văn Bảy (thứ hai từ trái sang). (Ảnh: Văn Bính)

“Cha mẹ tôi cho tôi nên vóc, nên hình, Đảng và lực lượng công an cho tôi học hành khôn lớn, nhưng gia đình anh Hạng A Thể và bà con bản Dền Thàng là những người cho tôi cuộc đời thứ 2”.

Thiếu tướng Lê Văn Bảy

Sáng ngày 6/3/1979, quân Trung Quốc đồng loạt tấn công vào Đồn biên phòng Giào San. Chúng có hơn một tiểu đoàn, trong khi tất cả lực lượng của ta ở đây chưa đến 100 người. Chúng ta phải chiến đấu trong một thế trận không cân sức về lực lượng, phải giành giật nhau từng điểm cao trận địa. Xác địch chết ngổn ngang chồng lên nhau dưới khe cạn, nhưng chúng vẫn còn quá đông nên cứ tiếp tục tràn lên.

Sau hơn 3 giờ dũng cảm chiến đấu, các chiến sĩ của ta đã không còn đủ cơ số đạn để tiếp tục chiến đấu. Để bảo toàn lực lượng, các đơn vị của ta được lệnh vừa chiến đấu vừa rút về phía sau. Ngay lúc đó, Lê Văn Bảy cùng 2 đồng đội khác của anh là Nguyên và Nam, bị trúng đạn của địch. Bảy bị đạn bắn xuyên cả 2 đùi, Nguyên bị bắn vào cổ chân vỡ xương mác, Nam bị bắn vào bắp chân.

Nghiến răng nén đau, cả 3 anh tự băng bó và dìu nhau vào căn hầm của Trung tá Nguyễn Duy Linh – Cụm trưởng 1, biên phòng. Anh Nam được đồng đội đưa đi trước, còn lại Bảy và Nguyên ở lại chờ mọi người lên cứu. Lúc đó, ở lại trong hầm hai người chỉ còn lại 10 quả lựu đạn và 2 khẩu súng nhưng họ vẫn tiếp tục chiến đấu tiêu diệt được một số tên địch trước cửa hầm.

Biết trong hầm còn người sống, bọn địch tập trung bắn vào, may mắn là hầm chữ chi nên hai anh nằm sâu trong hầm vẫn an toàn, còn một quả lựu đạn cuối cùng, Bảy nói với Nguyên: “Giữ lấy cho 2 đứa nếu không may cả hai bị rơi vào tay giặc”. Sau một thời gian nã đạn vào hầm, nghĩ người trong hầm đã chết hết bọn chúng bắn thêm một phát B40 nữa làm sập toàn bộ cửa hầm rồi bỏ đi.

Nửa đêm hôm đó, thấy trận địa đã im tiếng súng, không gian vắng lặng, lại vừa khát nước, vừa mất nhiều máu, hai anh quyết định mở cửa hầm chui ra. Chân bị thương chảy nhiều máu, họ chỉ còn đôi bàn tay không, vừa cào, vừa bới đất.

Khi cả hai đôi bàn tay đã sưng vù, rớm máu thì lớp đất đá cuối cùng cũng đã được chọc thủng. Hai anh trườn ra ngoài, bò xuống suối uống nước, nén chặt cơn đau, nhúng vết thương xuống dòng nước suối để rửa sạch bụi bẩn, tự xé quần áo làm băng, xé mũ lấy bông làm gạc, băng bó cho nhau rồi cùng quyết tâm đi tìm sự sống.

Ân nhân và nghĩa tình dân bản

Phải mất 5 ngày 6 đêm lê lết trong rừng để tìm đường về với dân, với đồng đội. Họ phải uống nước suối, ăn lá me rừng cầm hơi, các vết thương đã nhiễm trùng đau nhói, có chỗ đã thối rữa. Cứ thế, từng giờ từng phút, lê lết trong rừng sâu, giành giật sự sống với thần chết.

Và điều may mắn đã đến với hai anh, đó là đúng ngày thứ 6 lạc trong rừng, hai anh được bố con anh Hạng A Thể cùng bà con dân bản Dền Thàng, xã Giào San, huyện Phong Thổ (Lai Châu) phát hiện và đưa về giấu trong hang đá để cứu chữa.

Thiếu tướng Lê Văn Bảy - chuyện giờ mới kể - Ảnh 4.
Bà Giàng Thị Nhừ – vợ ông Hạng A Thể, người đã cứu sống Thiếu tướng Lê Văn Bảy. (Ảnh: NVCC)

Hàng ngày gia đình anh Thể thay băng, cho thuốc uống, cho ăn và tìm mọi cách để báo cho đơn vị biết là hai anh vẫn còn sống, đang được dân bản nuôi giấu. Đến ngày 24/3/1979, Tiểu đội của anh Hoàng Khắc Sự đã đến dùng võng khiêng hai anh từ suối Dền Thăng, vượt trên 20km đường rừng về Bệnh viện huyện Phong Thổ để cứu chữa.

Rồi như duyên phận, cuộc đời và quá trình công tác của anh Lê Văn Bảy đã gắn liền với mảnh đất biên cương có quá nhiều kỷ niệm. Giờ đây, trải qua 40 năm công tác và trưởng thành, với những đóng góp của mình cho ngành, cho Tổ quốc, anh Bảy đã được Đảng, Nhà nước, ngành công an, tặng thưởng nhiều huân, huy chương, bằng khen các loại. Đặc biệt sau 10 năm đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Công an tỉnh, năm 2014, Lê Văn Bảy đã được Nhà nước phong hàm Thiếu tướng và bổ nhiệm làm Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu.

Vết thương trên cơ thể đã mờ sẹo dần theo thời gian, năm tháng nhưng những kỷ niệm về một thời khói lửa nhất là cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 vẫn luôn ghi mãi trong trái tim anh.

Trong bữa cơm trưa tại nhà riêng của gia đình, anh tâm sự: “Cha mẹ tôi cho tôi nên vóc, nên hình, Đảng và lực lượng công an cho tôi học hành khôn lớn, nhưng gia đình anh Hạng A Thể và bà con bản Dền Thàng là những người cho tôi cuộc đời thứ 2”.

Suốt 40 năm qua, mỗi khi có dịp, anh Bảy lại về với gia đình anh Thể, về với bà con bản Dền Thàng, những người đã cứu sống anh và đồng đội, giữa lúc nguy nan nhất.

Anh và anh Nguyên đã trở thành hai đứa con ruột thịt của gia đình anh Thể và bà con dân bản. Anh Bảy cho biết, kỷ niệm đó cũng là động lực để giúp anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong suốt cả cuộc đời công tác tại vùng biên cương, hùng vĩ.

Kết thúc câu chuyện tôi thấy mặt anh đượm buồn, mắt nhìn về xa xăm. Tôi biết anh đang nhớ về những đồng đội của anh đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến, nhớ về Hạng A Thể, người đã cứu sống anh và Nguyên cách đây 41 năm về trước, nay cũng đã đi xa về bên kia thế giới.

Lưu Văn Bính/DV

Bài mới
Đọc nhiều