+
Aa
-
like
comment

Thiếu tướng Lê Mã Lương đi sai với “đạo làm tướng” theo tư tưởng Hồ Chí Minh

14/10/2019 16:15

Nhớ lại những lần phong tướng, Bác Hồ thường có những lời khuyên, lời răn sâu sắc đối với những vị tướng – phần lớn còn trẻ tuổi đời, là tướng phải là chỗ dựa đặc biệt tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Thế nhưng gần đây, thiếu tướng Lê Mã Lương lại đang bị mất phương hướng với những phát ngôn hàm hồ, đi sai với đạo làm tướng.

Đạo làm tướng theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngày 28-5-1948, tại lễ thụ phong quân hàm Đại tướng đối với đồng chí Võ Nguyên Giáp – Đại tướng đầu tiên của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam và phong hàm sĩ quan cấp tướng cho một số cán bộ trong Quân đội nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ mục đích, ý nghĩa của việc phong quân hàm cấp tướng: “Hôm nay việc phong tướng cho chú Giáp và các chú khác cũng là kết quả của bao nhiêu hy sinh, chiến đấu của đồng bào, đồng chí… Các cụ ta qua bao thế hệ chiến đấu cho độc lập mà không thành, nhắm mắt mà chưa thấy được dân tộc tự do. Chúng ta may mắn hơn. Nhưng còn phải bao nhiêu hy sinh, cố gắng…” (Theo Lê Văn Hiến: Nhật ký của một Bộ trưởng, NXB Đà Nẵng, 1995, t.1, tr 359-360).

Theo Hồ Chí Minh thì ở một vị tướng ngoài đòi hỏi về đức Trung ra còn cần phải có Trí.
Theo Hồ Chí Minh thì ở một vị tướng ngoài đòi hỏi về đức Trung ra còn cần phải có Trí.

Sau đó, tại Hội nghị quân sự lần thứ V (tháng 8-1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dạy mỗi tướng lĩnh phải: “Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung”.

Khi phong quân hàm Thiếu tướng cho Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn, Bác gửi cho Tướng Nguyễn Sơn 12 chữ: “Đảm dục đại” (Gan phải to); “Tâm dục tế” (tấm lòng, tâm hồn phải trong sáng và tế nhị); “Trí dục viên” (Suy nghĩ trọn vẹn, toàn diện, chu đáo); “Hạnh dục phương” (Đức hạnh ngay thẳng, phân minh, đàng hoàng). Làm tướng ắt phải thế. Chỉ huy đơn vị, chỉ huy quân sĩ, tiếp xúc nhân dân, ứng xử thế sự, phải luôn luôn là người mẫu mực, mẫn cán, giao tiếp đúng mực, danh nghĩa đàng hoàng.

Một lần khác, nói chuyện với các tướng, Bác nói đến 6 đức tính cần phải có của các vị tướng. Phấn đấu, rèn luyện để làm sáng đẹp 6 đức tính này, đòi hỏi của vị cầm cờ chỉ huy phải xem lại mình từng ngày.

Trí: Phải có đầu óc sáng suốt, nhìn mọi việc để suy xét, rồi quyết định cho đúng. Dũng: Là không được nhút nhát, phải can đảm làm những việc đáng làm, dám đánh những trận đáng đánh.

Nhân: Là phải thương yêu cấp dưới, phải đồng cam cộng khổ với họ. Đối với kẻ địch khi đã đầu hàng thì phải khoan dung.

Tín: Là phải làm cho người ta tin mình. Thí dụ: đã hứa thưởng thì phải thưởng. Tín có nghĩa là tự tin ở mình nữa, nhưng không phải là tự mãn, tự cao.

Liêm: Là chớ tham lam, chớ tham sắc. Tham sắc thì hay bị mỹ nhân kế. Chớ tham danh vọng, tham sống.

Trung: Là trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với nhân dân, với cách mạng, với Đảng.

Thượng tướng Đàm Quang Trung cũng kể lại một kỷ niệm sâu sắc về một lần được Bác dặn dò khi ông nhận lệnh lên đường vào miền Nam chiến đấu sau CMT8: “Chú lên đường đi chiến trường xa xôi. Bác nói với chú về nhân cách một người làm tướng. Trong tướng có nhiều loại: mãnh tướng như Trương Phi, dũng tướng như Quan Vân Trường, hổ tướng như Triệu Tử Long. Các loại tướng như thế đều tốt. Nhưng theo Bác, cuộc chiến đấu của chúng ta, cần nhiều NHÂN TƯỚNG, vì đây là cuộc chiến đấu vì con người. Nhân tướng là người tướng hiểu con người, biết quý con người, biết dùng người và được mọi người yêu quý. Chỉ có những vị tướng như thế mới trăm trận trăm thắng được”.

Theo quan điểm, tư tưởng của Người: làm tướng không phải để hưởng lợi cá nhân, mà phải tuyệt đối trung thành, phụng sự sự nghiệp cách mạng của Đảng, Tổ quốc và Nhân dân được tốt hơn. Vinh dự thật to lớn nhưng trách nhiệm hết sức nặng nề. Mỗi sĩ quan cấp tướng phải thực sự tiêu biểu về trí tuệ, bản lĩnh và nhân cách, tuân thủ kỷ luật, Hiến pháp, pháp luật.

Người làm tướng phải có tri thức, đạo lý, nhân cách, có dũng khí, sống nhân văn, liêm chính, chí công vô tư, thực sự là chỗ dựa đặc biệt tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Dưới con mắt của nhân dân, người làm tướng cũng phải thực sự là hình mẫu tiêu biểu của sự khiêm nhường, cầu thị, trọng dân, gần dân, vì nhân dân phục vụ, có khả năng dẫn dắt cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thiếu tướng Lê Mã Lương đánh mất giá trị là chỗ dựa đặc biệt tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dânimages

Thế nhưng, trái với lời dạy của Bác về đạo làm tướng, Thiếu tướng Lê Mã Lương đã có những phát ngôn hàm hồ về các sự kiện của đất nước, gây mất lòng tin với nhân dân, bởi sự phai nhạt về lý tưởng và bị kẻ xấu lợi dụng.

Tại Hội thảo về Bãi Tư Chính hôm 6/10/2019, Thiếu tướng Lê Mã Lương bất ngờ nhận xét về 2 vị Đại tướng cao cấp trong Quân đội Việt Nam là Lương Cường và Ngô Xuân Lịch. Ông Lương nói:

“Về các tướng lĩnh trong quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay, từ lớp Đại tướng trở xuống đều không biết chiến tranh là gì, chứ đừng nói cầm súng, như đại tướng Lương Cường – Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cũng vậy. Còn về Đại tướng Ngô Xuân Lịch thì là trường hợp đầu tiên trong lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam lại có một Bộ trưởng Quốc phòng không đọc được bản đồ, không cầm nổi bản đồ đi thực địa”.

Thiếu tướng Lê Mã Lương đang phai nhạt lý tưởng, bị kẻ xấu lợi dụng để chống phá
Lê Mã Lương chê bai, miệt thị từ Đại tướng bộ trưởng, Chủ nhiệm TCCT & và các tướng lĩnh quân đội đều dốt, kém hơn anh ta, thậm chí Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “không biết đọc bản đồ”, “không ra thực địa”.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch đi từ chiến sĩ lên. Chỉ tính giai đoạn Tháng 11/1974 – 10/1978, ông đã là trung úy, trung đội trưởng Vị trí này mà không biết đọc bản đồ tác chiến?

Đại tướng Lương Cường: ông nhập ngũ năm 1975, rồi tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc. Trước năm 2002, ông giữ chức Cục phó Cục Cán bộ – Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Và tướng bảo tàng Lê Mã Lương phán 2 ông này 1 là không biết gì về chiến tranh, 1 là “không đọc được bản đồ, không cầm nổi bản đồ đi thực địa”.

Thưa ông, cỡ trung đội trưởng mà không đọc được bản đồ thì vào chiến trường nướng bao nhiêu quân, ủy viên Đảng ủy Tiểu đoàn 14, Trung đoàn 55, Sư đoàn 341, Quân khu 4. Vị trí này mà không biết đọc bản đồ tác chiến????

Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương nổi tiếng với câu nói: “Chiến đấu là cao quý nhất, cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” thời kháng chiến chống Mỹ. Thời nay hay bất kỳ thời nào thì chúng ta cũng đều phải “chiến đấu”, có điều là với những “kẻ thù” khác nhau.

Do đó, trước khi “chiến đấu” thì điều quan trọng nhất là chúng ta phải xác định được “quân thù” là ai hay cái gì? “Quân thù” ngày nay không phải là một kẻ địch được xác định rõ ràng như thời chàng trai trẻ Lê Mã Lương trở thành anh hùng mà ẩn hiện tinh vi trong mớ quan hệ chằng chịt giữa bạn và thù, giữa hợp tác và cạnh tranh, giữa “đồng chí” và “nghịch chí”,… Với những gì đang thể hiện, nếu không kịp thời chấn chỉnh, rất có thể tướng Lương sẽ nhận định sai giữa thù và bạn. Khi đó, không chừng có ngày ông lại phải hối hận vì “cuộc đời tệ nhất là trên trận tuyến đánh … quân mình”.

Với một người bình thường thì những phát ngôn sai lệch có thể bỏ qua, nhưng với một cựu giám đốc bảo tàng quân đội, lại là tiến sĩ chuyên ngành sử học (ông học khoa Sử, ĐH Tổng hợp Hà Nội), lên mặt báo để trả lời về một vấn đề đang được tranh luận nghiêm túc thì không khỏi khiến cho người ta cảm thấy hụt hẫng và làm sứt mẻ niềm tin vào những người có trách nhiệm truyền lửa thiêng lịch sử lại cho các thế hệ sau.

Đinh Lực

Bài mới
Đọc nhiều