Thiếu thiết bị y tế trầm trọng, nhiều bệnh viện tại Mỹ phải sử dụng khẩu trang tự chế
Trong cảnh thiếu thốn, các nhân viên bệnh viện tại Mỹ đã phải tự chế khẩu trang từ những vật dụng văn phòng, để sử dụng giữa mùa đại dịch Covid – 19, Bloomberg đưa tin.
Nhân viên một bệnh viện tại tiểu bang Washington, Mỹ, đã tự chế các thiết bị bảo hộ y tế từ những vật liệu văn phòng, trong bối cảnh những thiết bị này đang thiếu thốn trầm trọng tại các bệnh viện giữa mùa đại dịch Covid – 19.
Và một trong số chúng được làm từ những tấm nhựa PVC.
Bệnh viện Mỹ phải tự chế khẩu trang để sử dụng giữa mùa Covid – 19
“Chúng tôi không thể tiếp xúc gần với bệnh nhân mà không có khẩu trang hay đồ bảo hộ”, Becca Bartles, người phụ trách phòng chống lây nhiễm tại Providence St. Joseph Health – một công ty sở hữu hệ thống 51 bệnh viện, nói.
“Khẩu trang thì đã hết, một vài ngày nữa mới có lại”, Becca Bartles cho biết.
Để tiết kiệm thời gian, các chuyên gia chất lượng và kiểm soát nhiễm khuẩn tại Providence đã tự sáng chế ra các tấm che mặt với những vật liệu sẵn có, bao gồm: nhựa, băng keo và miếng bọt biển.
Nghĩ là làm, tối thứ Hai họ bắt đầu mua vật liệu tại các cửa hàng bán đồ thủ công. Và vào sáng ngày thứ Ba, một dây chuyền sản xuất khẩu trang tự chế với 20 nhân viên là các y tá, bác sĩ đã được thiết lập ngay tại một phòng hội nghị lớn của bệnh viện. 500 chiếc khẩu trang tự chế dã được chuyển đến bệnh viện ở Seattle ngay trong buổi tối hôm đó.
Providence có kế hoạch vào cuối tuần này sẽ lấy thêm nguyên liệu từ các nhà cung cấp khác, và tiếp tục lắp ráp những chiếc mặt nạ bảo hộ từ nhựa nếu bệnh viện vẫn chưa nhận được các vật tư y tế cần thiết.
Tình trạng thiếu đồ bảo hộ cá nhân gần như đang xảy ra tại các bệnh viện trên khắp nước Mỹ, khi mỗi ngày lại có thêm hàng ngàn người dương tính với Covid – 19.
Tiểu bang Washington là nơi có số người nhiễm Covid – 19 cao thứ hai tại Mỹ, sau New York với hơn 900 ca nhiễm và 30 người tử vong. Hiện nay, số người nhiễm Covid – 19 mới đã lan rộng trên toàn nước Mỹ, kéo theo sự thiếu hụt các thiết bị vật tư y tế.
“Nhiều bác sĩ đã phải tự chế ra những dụng cụ để tự bảo vệ bản thân”, ông Aimee Moulin, một bác sĩ cấp cứu tại Trung tâm Y tế UC Davis cho biết. “Đáng ra họ không phải lo lắng về những điều này. Họ đang tham gia chiến đấu chống lại đại dịch, và họ nên được trang bị đủ bất cứ thứ gì họ cần”.
Thậm chí, một số bác sĩ tại Mỹ còn đem khẩu trang N95 của mình về nhà và giặt chúng bằng nước tẩy, để có thể tái sử dụng. Một bệnh viện đã phải mua kính bảo hộ và mặt nạ dành cho công nhân xây dựng, để nhân viên của mình sử dụng. Một khoa cấp cứu đã tái chế những chiếc khẩu trang cũ, thay thế dây chun bị lỏng để nhân viên y tế có thể sử dụng lại.
Lí giải điều này, Vivian Reyes – một bác sĩ khoa cấp cứu ở San Francisco, cho biết: “Chuỗi cung ứng của chúng tôi đã ngừng hoạt động. Chúng tôi không nhận được nguồn cung mới và các cửa hàng gần như đã cạn kiệt”.
Hàng ngàn bệnh viện trên khắp nước Mỹ “đói” vật tư y tế
Nguy cơ lây nhiễm với các bác sĩ tuyến đầu là rất đáng lo ngại. Đơn cử ở Ý, nơi các bác sĩ đang phải vật lộn với tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ, hơn 1.700 nhân viên y tế tại đây đã bị phơi nhiễm Covid – 19 từ bệnh nhân, theo Tổ chức Bác sĩ không biên giới.
Nhiều bệnh viện không thể đặt mua được trang thiết bị y tế trong bối cảnh nhu cầu tăng vọt trên toàn thế giới.
Kaiser Permanente có trụ sở tại Oakland, California, đơn vị sở hữu 39 bệnh viện với 23.000 bác sĩ trên khắp nước Mỹ, mỗi ngày đang phải tiếp nhận và sàng lọc hàng trăm bệnh nhân nghi nhiễm Covid – 19. Tuy nhiên, họ đang thiếu trầm trọng các thiết bị như khẩu trang, mặt nạ che mặt, áo choàng,… để thăm khám cho bệnh nhân.
“Những nỗ lực đặt hàng của chúng tôi đã thất bại”, Marc Brown – phát ngôn viên của Kaiser Permanente, nói. “Các lô hàng cung cấp thiết bị mới mà chúng tôi đặt từ trước đó, hoặc là bị trì hoãn, hoặc là bị huỷ bỏ do những khó khăn trong chuỗi cung ứng mà nhà sản xuất gặp phải, và nhu cầu gia tăng trên toàn cầu”.
“Chúng tôi đang cạn kiệt các thiết bị vật tư y tế cần thiết để khám chữa bệnh”, Brown cảnh báo.
Theo một cuộc khảo sát từ Premier, hơn một nửa số bệnh viện đã thay đổi cách thức hoạt động từ cuối tháng 2, để tiết kiệm nguồn thiết bị bảo hộ ít ỏi còn lại, bao gồm áo choàng, khẩu trang, găng tay, bao giày và kính mắt.
Hơn 4.000 bệnh viện có nhu cầu mua thêm thiết bị bảo hộ, nhưng chỉ 700 loại sản phẩm được phân bổ. Có nghĩa là các bệnh viện chỉ nhận được một phần vật tư mà họ đã đặt hàng.
Tình trạng thiếu hụt thiết bị y tế đã khiến nhiều bệnh viện phải lên tiếng, yêu cầu Chính phủ liên bang giải phóng toàn bộ lượng vật tư y tế có trong Kho Dự trữ quốc gia, do Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Hoa Kỳ kiểm soát.
Tuy nhiên, các bệnh viện này sẽ sớm phải thất vọng trước yêu cầu của mình. Alex Azar, thư kí của Kho Dự trữ quốc gia, thông báo tại Quốc Hội trong tháng trước, rằng kho hiện đang có 30 triệu mặt nạ phẫu thuật, 12 triệu khẩu trang N95, và 5 triệu chiếc khẩu trang N95 khác đã quá hạn sử dụng.
Con số này là rất nhỏ so với những gì các bệnh viện tại Mỹ đang thiếu hụt. Các nhà khoa học ước tính một đại dịch nghiêm trọng lây nhiễm từ 20% – 30% dân số, nước Mỹ cần ít nhất 1,7 tỉ khẩu trang N95.
Trước đó, năm 2006, Quốc Hội Mỹ đã phê chuẩn quyết định bổ sung 104 triệu khẩu trang N95 và 52 triệu mặt nạ phẫu thuật trong một nỗ lực chuẩn bị cho đại dịch cúm. Sau khi dịch H1N1 bùng phát vào năm 2009 gây ra tình trạng thiếu khẩu trang trên toàn quốc, Kho dự trữ quốc gia đã phân bổ hơn 3/4 lượng hàng trong kho ra thị trường.
Tuy nhiên, họ đã không xây dựng lại nguồn cung.
Chính phủ Liên bang đã làm gì trước thực trạng này?
Phó Tổng thống Mike Pence cho biết hôm thứ Ba, rằng ông và Tổng thống Trump đã lên kế hoạch thảo luận về vấn đề mà các bệnh viện đang gặp phải. Ông yêu cầu các công ty xây dựng nhượng lại số khẩu trang N95 cho các bệnh viện địa phương, và huỷ các đơn đặt mua mới mặt hàng này.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng cho biết họ sẽ cung cấp 5 triệu khẩu trang N95, trong đó 1 triệu chiếc sẽ được vận chuyển tới các bệnh viện ngay lập tức cùng 2.000 máy thở, để giúp đối phó với dịch bệnh đang ra tăng, theo Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper.
Cựu giám đốc của Kho dự trữ chiến lược quốc gia Greg Burel, cho biết mỗi năm Kho Dự trữ chỉ nhận được khoảng 600 triệu USD từ Quốc hội, và số tiền đó phải được dùng để trang trải thuốc men, cung cấp tất cả mọi vật tư y tế hỗ trợ từ dịch bệnh than, dịch cúm mùa đến các thảm hoạ thiên nhiên như động đất và lũ lụt.
Tại các hệ thống bệnh viện của Providence, nhân viên y tế đã làm theo hướng dẫn mới nhất của chính quyền liên bang, đó là cho phép họ sử dụng khẩu trang lâu hơn, nhằm tiết kiệm số vật tư còn ít ỏi trong kho. Providence cũng áp dụng chính sách luân chuyển kho vật tư lưu trữ giữa các bệnh viện của họ, ví dụ như chuyển các thiết bị dư thừa từ Spokane đến Seattle.
“Tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Chúng tôi sẽ sớm hết các đồ bảo hộ trong khoảng 1-2 ngày nữa”, Giám đốc của Providence Ari Robicsek lo lắng.