+
Aa
-
like
comment

Thiếu nước sinh hoạt: Nhận tội với dân, rồi sao nữa?

22/08/2019 08:28

Cảnh người dân thức khuya dậy sớm, tranh nhau từng xô nước, từng xe bồn chở nước đi bán tại các chung cư chẳng khác nào thời bao cấp cho chúng ta thấy sự thụt lùi trong quản trị.

Thiếu nước sinh hoạt: Nhận tội với dân, rồi sao nữa?
Thiếu nước sinh hoạt: Nhận tội với dân, rồi sao nữa?

Không phải bây giờ người dân Đà Nẵng mới than thở chuyện thiếu nước. Từ 2-3 năm trước chuyện thiếu nước sinh hoạt do nhiễm mặn, hư đường ống, hụt nguồn nước thô đã làm người dân quá mệt mỏi, bức xúc. Có năm nước ngọt tại Đà Nẵng thiếu ngay giữa mùa mưa.

Dư luận ở Đà Nẵng cũng từng đặt vấn đề về việc có hay không Nhà máy nước Đà Nẵng đã lấy 1 triệu dân TP ra làm “con tin” trong bài toán ghim nước, thổi phồng nguy cơ để đẩy giá. Nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, nhiều cuộc họp giữa chính quyền với nhà máy nước, với các phương án, giải pháp và nhiều tuyên bố đưa ra… Rồi đâu lại vào đấy. Năm nay, nước lại thiếu.

Cảnh người dân thức khuya dậy sớm, tranh nhau từng xô nước, từng xe bồn chở nước đi bán tại các chung cư chẳng khác nào thời bao cấp cho chúng ta thấy sự thụt lùi trong quản trị.

9 tháng trước, ngày 24-11-2018, khi kiểm tra Nhà máy nước thành phố, ông Trương Quang Nghĩa – bí thư Thành ủy Đà Nẵng – từng nhấn mạnh: “Là thành phố đáng sống mà để người dân thiếu nước dù bất kỳ lý do gì chúng ta cũng có tội”.

Ông Nghĩa cũng đề cập đến việc truất quyền điều hành của tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT của nhà máy để thay thế những người có năng lực hơn. Cũng trong đợt thiếu hụt nước 71 ngày đêm này, ông Nghĩa đếm được 34.000 comment trên mạng xã hội than phiền về vấn đề thiếu nước. Tức ông biết rõ cũng như đo lường được phản ứng của dân chúng và tầm quan trọng của nước với toàn TP.

Nhưng đo lường, nhận diện và làm gì nữa? Điều người dân cần là các giải pháp chứ không phải các tuyên bố rồi để đó. Mỗi lần thiếu nước, các cơ quan hữu trách ở Đà Nẵng đưa ra các lý do nhiễm mặn, hụt nguồn nước thô, nhưng chưa ai thấy trách nhiệm quản lý điều hành của lãnh đạo nhà máy nước ở đâu. Cũng chưa ai thấy một giải pháp căn cơ lâu dài về an ninh nguồn nước cho thành phố.

Thiếu nước do hạn hán, nhiễm mặn năm nào cũng có, vậy bài toán dự phòng là gì? Tất cả các nguyên nhân trên chúng ta đều nhìn thấy trước và càng không phải là trường hợp bất khả kháng như động đất, sóng thần, hỏa hoạn hay bão lũ. Tuy nhiên, việc dự phòng cho các phương án này đều bằng không, và hậu quả chỉ người dân gánh chịu, hết đợt này sang đợt khác.

Trong một lần làm việc với chính quyền Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: “So với láng giềng Quảng Nam, Đà Nẵng đang tụt hậu về tổng thu ngân sách. Muốn phát triển mang tính đột phá, TP này phải có khoảng 3 triệu dân”.

Với hạ tầng hiện tại, quy mô dân số hơn 1 triệu, Đà Nẵng đã phải ì ạch giải quyết vấn đề nước ngọt vẫn chưa xong. Vậy với 3 triệu người, tức nhu cầu nước gấp 3 lần hiện tại, chưa kể nước cho công nghiệp và dịch vụ tăng lên gấp nhiều lần, Đà Nẵng sẽ lấy nước từ đâu?

Phát triển là cấp bách, “đáng sống” là rất cần, nhưng trước khi tính chuyện “cất cánh”, chuyện “đáng sống”, hãy giải xong vấn đề căn bản, vấn đề sống của người dân trước đã: Nước ngọt!

(Theo TẤN VŨ/Tuổi Trẻ)

Bài mới
Đọc nhiều