+
Aa
-
like
comment

Thiếu lao động kỹ năng: Điểm nghẽn của Việt Nam

25/10/2019 16:27

Những chuyển dịch thương mại toàn cầu đang khiến Việt Nam nổi lên như một người chơi hưởng lợi lớn nhất. Tuy nhiên, nếu thiếu vắng một chiến lược dài hơi, trong đó có ưu tiên cải cách hệ thống đào tạo lao động lành nghề, chúng ta khó lòng có thể tận dụng tốt cơ hội.

Thiếu lao động kỹ năng: Điểm nghẽn của Việt Nam
Thiếu lao động kỹ năng: Điểm nghẽn của Việt Nam

Trước làn sóng rục rịch di dời các cơ sở sản xuất kéo theo chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc để tránh tác động tiêu cực từ thương chiến Mỹ – Trung, Việt Nam với địa thế thuận lợi được dự đoán sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn. Bên cạnh đó, những thỏa thuận thương mại tự do (FTA) mà chúng ta đã hoàn tất ký kết với các đối tác, tiêu biểu là EVFTA và CPTPP, cũng hứa hẹn sẽ tạo thêm nhiều động lực tăng trưởng mạnh mẽ, nhờ cam kết cắt giảm theo lộ trình và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các rào cản thuế quan lẫn phi thuế quan, cũng như khuyến khích luồng đầu tư (FDI) mới chất lượng. Một số tập đoàn danh tiếng nhất thế giới, bao gồm cả Apple, Alphabet Inc (công ty mẹ của Google) hay Nintendo, … đều đã đánh tiếng muốn mở nhà máy tại Việt Nam. Hay trong chín tháng đầu năm 2019, tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã được duy trì tương đối khả quan, với kim ngạch ước đạt 194,3 tỷ USD – tăng 8,2% so với cùng kỳ 2018.

Việc các công ty đa quốc gia cân nhắc tổ chức lại chuỗi cung ứng công nghệ cao trong khu vực, với Việt Nam là một mắt xích được ưu tiên cũng sẽ mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến khốc liệt để giành nhân tài. Tại Việt Nam, kỹ sư, lập trình viên, chuyên viên IT và nhà quản lý điều hành cấp cao … đang là những nghề được săn đón nhiều nhất, song nguồn cung là không bao giờ đủ bất chấp đất nước có nguồn lao động dồi dào. Theo số liệu của ManpowerGroup, chỉ chưa tới 12% trong tổng số 57,5 triệu lao động Việt Nam được xếp vào diện tay nghề cao. Khi lựa chọn địa điểm thiết lập cơ sở mới hoặc mở rộng hoạt động, nhà đầu tư thường phải tính đến nhiều nhân tố, trong đó không thể thiếu chất lượng nguồn nhân lực – điều vẫn hay bị xem là một điểm yếu cố hữu của chúng ta. Còn nhớ thời điểm 2009 – 2010, Intel đã phải rất vất vả mới tuyển đủ số kỹ sư và chuyên viên cần thiết nhà máy kiểm thử, đóng gói chip tại Khu Công nghệ cao Sài Gòn. Trên thực tế, rất nhiều lao động Việt Nam, nhất là những người vừa mới ra trường, thường thiếu các kỹ năng cần thiết để sẵn sàng đáng ứng ngay nhu cầu công việc tại khu vực tư nhân cạnh tranh nhất của nền kinh tế, cho nên hay phải mất công đào tạo lại. Đến nay, sau đúng 10 năm, tình hình nhìn chung vẫn chưa có nhiều đột phá.

Đó là những hệ quả tất yếu của một nền giáo dục vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém. Để so sánh, dân số Việt Nam chỉ bằng 7% của Trung Quốc, nhưng bên cạnh thiếu vốn đầu tư cho các cơ sở hạ tầng quan trọng (giao thông, năng lượng, …) thì nền giáo dục của chúng ta, nhất là hệ thống đào tạo kỹ sư và lao động kỹ thuật xem ra lại càng kém xa họ. Theo thống kê của Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ (NSF), tính từ năm 1997, Trung Quốc đang cho ra lò số lượng kỹ sư nhiều hơn cả Mỹ, Nhật Bản và Đức cộng lại, trong đó có không ít nhân tài, đóng góp đáng kể vào sự bùng nổ của lĩnh vực sản xuất chế tạo và công nghệ cao ở đất nước tỷ dân. Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đều đã trải qua những bước đi tương tự khi rất chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kỹ nghệ trong thời kỳ tăng trưởng nhanh nhất của mình.

Trong hoàn cảnh và điều kiện cho phép, Việt Nam có thể ưu tiên một vài hướng đi để tháo gỡ nút thắt: tăng cường tiếp cận lực lượng nhân tài ở hải ngoại (trong đó có nhiều chuyên gia gốc Việt), mở rộng và nâng cao hiệu quả của hoạt động đào tạo nghề, và cải cách toàn diện nền giáo dục. Mấy năm gần đây, khi đẩy mạnh lấn sân sang lĩnh vực sản xuất công nghiệp và công nghệ cao, Tập đoàn Vin Group – công ty niêm yết lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam – đã rất tích cực chiêu mộ các nhân tài hải ngoại để lấp đầy chỗ trống. Ban lãnh đạo Công ty ôtô VinFast đang có ít nhất 5 thành viên từng là cựu chiến tướng của những tên tuổi lớn nhất trong ngành như General Motors hay Bosch, … tiêu biểu là CEO James B. DeLuca và Phó Tổng giám đốc Võ Quang Huệ. Bên cạnh đó, các chuyên gia nước ngoài cũng được kỳ vọng sẽ giúp đào tạo và truyền đạt lại kinh nghiệm cho nguồn nhân lực trong nước, vì thế mô hình này đang ngày càng được nhiều công ty, tập đoàn lớn của Việt Nam như THACO, FPT, FLC Group, … áp dụng nhằm đương đầu với những thách thức từ quá trình toàn cầu hóa nhanh chóng.

Năm 2016, Chính phủ Việt Nam đã công bố chiến lược phát triển lực lượng lao động lành nghề để đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế, mới mục tiêu đưa đất nước lọt top dẫn đầu ASEAN. Song từ đó đến nay, vẫn chưa có nhiều công bố hay báo cáo chi tiết về những việc đã làm được và phương án điều chỉnh chiến lược. Một vấn đề khác nghiêm trọng hơn, theo nhiều nghiên cứu chỉ ra, phần lớn chương trình giáo dục, nhất là ở bậc đại học và đào tạo nghề của Việt Nam đều đã lỗi thời, bên cạnh tình trạng thiếu cơ sở vật chất, giáo trình chuẩn và giảng viên chất lượng, dẫn tới kết quả tương ứng đầu ra của nguồn nhân lực.

Cũng trong bài diễn từ nhận Giải thưởng Phan Châu Trinh về giáo dục năm 2016, GS. Pierre Darriulat đã thẳng thắn nêu lên đúng vấn đề: “Đại học Việt Nam đang dạy nhiều kiến thức của 60 năm về trước” (điều này gần như cũng đúng với các bậc học còn lại). Bàn về sự lệch lạc hay bất cân xứng của nền giáo dục, ông nhấn mạnh: “Ngày nay, chúng ta đang đào tạo quá nhiều sinh viên cho khu vực thứ ba như tiếp thị, ngân hàng, quản lý – những cái tên mỹ miều thường giấu đi sự thật là nguồn cung cấp lao động giá rẻ từ những nước đang phát triển cho toàn cầu hóa dưới hình thức kinh tế thị trường. Trước khi dạy tiếp thị, chúng ta nên dạy cách tạo ra những sản phẩm có thể cần tiếp thị; trước khi dạy quản lý, chúng ta nên dạy những kỹ năng, mà tương lai sẽ cần phải quản lý. Nếu không chúng ta sẽ chỉ tạo ra các nhà quản lý, những người sẽ không có ai để quản lý ngoài bản thân họ.”

Sau cùng, Việt Nam cần khẩn trương thực hiện một cuộc cải cách giáo dục toàn diện, không chỉ tập trung vào những yếu tố mang tính kỹ thuật, mà quan trọng hơn còn phải phát huy được những giá trị nhân văn, khai phóng, đạo đức và trách nhiệm, như mong mỏi của GS. Darriulat.

Phạm Nhật

Bài mới
Đọc nhiều