Thiếu chế tài xử lý với người có 2 quốc tịch nhưng không khai báo?
Chưa có chế tài để xử phạt đối với người có quốc tịch thứ hai nhưng không có văn bản thông báo tới cơ quan có thẩm quyền – Sở Tư pháp địa phương.
Theo một chuyên gia về pháp luật quốc tịch của Bộ Tư pháp, Nghị định số 16/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật quốc tịch Việt Nam có hiệu lực từ ngày 20/3/2020 (thay thế Nghị định số 78/2009 và Nghị định số 97/2014) đã khẳng định lại nguyên tắc một quốc tịch Việt Nam theo Điều 4 của Luật quốc tịch. Điều này đã tạo cách hiểu và áp dụng thống nhất pháp luật đối với người có quốc tịch Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài.
Cụ thể, Điều 4 của Luật quốc tịch Việt Nam quy định về nguyên tắc quốc tịch như sau: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”.
Quy định này đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước về quốc tịch Việt Nam, đó là công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Đây được coi là nguyên tắc chủ đạo, xuyên suốt của pháp luật quốc tịch Việt Nam từ 1945 đến nay, được thể hiện rõ trong Luật quốc tịch các năm 1988, năm 1998 và năm 2008.
2 quốc tịch gây nhiều khó khăn cho cơ quan nhà nước
Việc một người không phải thôi quốc tịch nước ngoài khi được nhập hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam hoàn toàn không đồng nghĩa với việc Việt Nam công nhận quốc tịch nước ngoài của người đó. Điều này cũng phù hợp với thực tiễn pháp luật của nhiều nước như Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Australia, Hàn Quốc…. Tuy các nước này không bắt buộc công dân nước ngoài phải thôi quốc tịch gốc khi nhập quốc tịch của họ, nhưng sau khi được nhập quốc tịch thì các nước này chỉ coi đó là công dân của họ và trên giấy tờ cá nhân chỉ ghi duy nhất 1 quốc tịch của nước mình.
Theo vị chuyên gia pháp luật quốc tịch, thực tiễn quốc tế cũng cho thấy, xung đột pháp luật của các nước về quốc tịch là hiện tượng bình thường, do các nước xác định quốc tịch theo các nguyên tắc huyết thống, nguyên tắc nơi sinh… khác nhau hoặc có các chính sách khác về quốc tịch.
Để giải quyết vấn đề hai quốc tịch, ngoài việc các quốc gia liên quan phải ký kết với nhau điều ước quốc tế để thỏa thuận về các quyền, nghĩa vụ dân sự, chính trị của người hai quốc tịch, thì quốc gia còn ban hành nội luật để xác định rõ tư cách công dân đối với người hai quốc tịch.
Luật Quốc tịch Việt Nam cũng đã tính đến việc xử lý các vấn đề phát sinh từ tình trạng công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài tại Điều 12. Tuy nhiên đến nay Việt Nam chưa là thành viên của điều ước quốc tế nào liên quan đến việc giải quyết tình trạng hai quốc tịch.
“Tập quán và thông lệ quốc tế về vấn đề này chưa được nghiên cứu một cách bài bản để có thể áp dụng thống nhất tại Việt Nam. Thực trạng này dẫn đến hệ quả là người có hai quốc tịch (Việt Nam và nước ngoài) sử dụng quốc tịch Việt Nam hay quốc tịch nước ngoài, là hoàn toàn phụ thuộc sự lựa chọn của họ – trong quan hệ với cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam. Điều đó gây nhiều khó khăn cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thậm chí còn gây thiệt hại đến quyền, lợi ích của công dân khác”- vị chuyên gia phân tích.
Thể hiện rõ chủ quyền đối với công dân của mình
Để khắc phục bất cập nêu trên, Điều 5 Nghị định số 16/2020 đã có quy định về việc sử dụng quốc tịch của công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài trong quan hệ với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ công nhận quốc tịch Việt Nam đối với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài trong quan hệ với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Theo đó, Việt Nam chỉ công nhận quốc tịch Việt Nam đối với người có hai quốc tịch (quốc tịch Việt Nam và quốc tịch nước ngoài) khi người đó tham gia các quan hệ/giao dịch với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác. Đây không phải là quy định mới, mà chỉ khẳng định lại và cụ thể hóa nguyên tắc một quốc tịch Việt Nam theo Điều 4 của Luật quốc tịch Viêt Nam.
Hơn nữa, quy định này chỉ nhằm điều chỉnh quan hệ của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài, nên không bị coi là hạn chế quyền công dân.
“Quy định như vậy cũng thể hiện rõ chủ quyền của Việt Nam đối với công dân của mình, qua đó làm rõ hơn quyền, nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước”- vị chuyên gia phân tích.
Tuy nhiên thời gian qua cũng đang nảy sinh thực trạng người có quốc tịch thứ hai không có văn bản thông báo tới cơ quan có thẩm quyền, cụ thể là Sở Tư pháp địa phương.
Thậm chí, một trường hợp từng bị cho thôi làm Đại biểu Quốc hội gây ồn ào dư luận cách nay vài năm cũng chưa có văn bản thông báo tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền việc đã có quốc tịch nước ngoài. Tuy nhiên đến nay không có chế tài nào xử lý việc không khai báo này.
Ông Phạm Phú Quốc vi phạm quy định của Chính phủ
Như Dân trí đã phản ánh, sau khi rà soát kỹ lưỡng, Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (Bộ Tư pháp) mới đây đã có văn bản báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp việc ông Phạm Phú Quốc – Đại biểu Quốc hội, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) có quốc tịch Cộng hòa Síp (Syprus) từ năm 2018 nhưng không gửi thông báo tới Sở Tư pháp TPHCM là vi phạm Điều 21 Nghị định 78/2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều Luật Quốc tịch Việt Nam.
Cụ thể, Điều 21 Nghị định 78/2009 quy định trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày có quốc tịch nước ngoài, nếu ở trong nước phải thông báo cho Sở Tư pháp nơi người đó cư trú việc có quốc tịch nước ngoài, kèm theo bản sao giấy tờ chứng minh có quốc tịch nước ngoài.
“Ông Quốc và vợ không khai báo là vi phạm Điều 21 Nghị định 78 của Chính phủ”- nguồn tin từ Bộ Tư pháp cho hay.
Thế Kha/DT