Thiết bị y tế 140 tỉ mua xong không xài, ‘trùm mền’, hư hỏng…
Trong số 99 thiết bị y tế trị giá 140 tỉ, có những thiết bị mua về đã 1 năm nhưng chưa đủ nhân lực để sử dụng, thậm chí không sử dụng trong suốt 3 năm do chưa có nhu cầu.
Trao đổi với PV ngày 4-5, vụ trưởng Vụ Trang thiết bị – công trình y tế Bộ Y tế Nguyễn Minh Tuấn cho biết Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị báo cáo giá trúng thầu thiết bị, vật tư y tế để công khai trên website của bộ từ năm 2019.
“Tới đây các địa phương sau khi đấu thầu đều phải gửi thông báo về thiết bị, vật tư đã mua, giá, cấu hình/chủng loại để từ đó có dữ liệu cho các đơn vị khác so sánh, làm cơ sở khi chấm thầu” – ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết.
Yêu cầu này có thể giúp giá mua sắm vật tư, thiết bị y tế được công khai, giảm “tù mù”, gây bức xúc trong dư luận.
140 tỉ đồng
Qua khảo sát thiết bị y tế tại 8 tỉnh thành, Bộ Y tế cho biết có 99 thiết bị đang bị hỏng ở thời điểm kiểm tra, sử dụng kém hiệu quả hoặc đang sửa chữa. Đáng chú ý có những thiết bị mua về đã 1 năm nhưng chưa đủ nhân lực để sử dụng, bệnh viện đang cải tạo, chưa có phòng để thiết bị, thậm chí không sử dụng trong suốt 3 năm do chưa có nhu cầu.
Hoặc có những thiết bị như máy X-quang cao tần, máy X-quang răng kỹ thuật số, bộ nội soi khớp kèm dụng cụ, monitor theo dõi bệnh nhân 5 thông số, máy in ảnh dùng kết nối với bộ nội soi… đều nhập khẩu từ Anh, Mỹ, Nhật Bản ít sử dụng hoặc chưa sử dụng do ít có nhu cầu. Vấn đề là nhu cầu ít hoặc không có nhưng thiết bị thì vẫn mua và để “đắp chiếu”.
Tổng số thiết bị y tế theo bảng khảo sát này cho thấy có 99 thiết bị, tổng chi phí mua sắm (từ ngân sách, vốn ODA hoặc các dự án) là trên 140 tỉ đồng.
Thời điểm trả lời kiểm toán, Bộ Y tế cũng cho biết đã chấn chỉnh đầu tư tại nhiều đơn vị trực thuộc, tránh tình trạng mua nhưng không dùng hoặc ít dùng, xây dựng giá kế hoạch cần đảm bảo đủ cơ sở. Việc đầu tư cũng cần xác định trên cơ sở nhu cầu, nếu đơn vị không sử dụng được phải chuyển ngay cho các đơn vị khác để tránh tình trạng nhận máy về không sử dụng.
Tuy nhiên sau kết quả kiểm toán này, vấn đề thiết bị y tế lại tiếp tục “lùm xùm”, nhất là sau vụ dịch COVID-19 cho thấy giá cả thiết bị chưa có cơ chế để kiểm soát, dẫn đến mỗi tỉnh thành, bệnh viện chênh lệch giá…
Cụ thể, cùng thiết bị Cobas 4800 thì tỉnh Thái Bình mua 6,45 tỉ (tính mức trước đàm phán), Ninh Bình mua 5,9 tỉ; cùng Qiagen nhưng Quảng Ninh mua 8,4 tỉ, Hà Nội mua 7 tỉ, Quảng Nam mua 7,2 tỉ…
Dự kiến hôm nay 5-5 Bộ Y tế có văn bản yêu cầu các địa phương báo cáo giá trúng thầu thiết bị để tổng hợp thành dữ liệu chung, công khai, có cơ sở để các địa phương so sánh khi mua sắm.
Vì sao giá chênh lệch?
Trong văn bản phản hồi những thông tin của cơ quan kiểm toán về quản lý, mua sắm thiết bị, vật tư y tế tại 15 đơn vị, Bộ Y tế cho biết nhiều trường hợp kiểm toán dẫn chứng cùng chủng loại mặt hàng nhưng giá vật tư chênh lệch quá xa nhau.
Ví dụ Bệnh viện Việt Đức mua kim cánh bướm 945 đồng/chiếc, Bệnh viện Chợ Rẫy lại mua tới 7.350 đồng/chiếc, đó là do thông số kỹ thuật khác nhau. “Kim Bệnh viện Việt Đức mua là kim dùng 1 lần, chỉ dùng tiêm, truyền đơn thuần; loại Chợ Rẫy mua là kim bằng crom phủ silicon để hạn chế tổn thương thành mạch, dùng nhiều lần cho tiêm truyền trong nhiều ngày” – Bộ Y tế giải thích.
Tương tự, Bộ Y tế cho biết Bệnh viện Bạch Mai mua dây truyền huyết thanh giá 2.940 đồng/dây là loại dây thông thường, thường có xuất xứ Trung Quốc; Bệnh viện Việt Đức mua 18.000 đồng/dây là dây truyền dịch thông minh, chỉ dùng cho bệnh nhân ghép tạng, có nhiều khác biệt với dây thường.
Các loại hóa chất chênh lệch giá tới 5,8 lần, Bộ Y tế cũng cho biết là do chất lượng sản phẩm khác nhau.
LAN ANH/TTO