+
Aa
-
like
comment

Thiết bị gây nhiễu, phá sóng được bán công khai

03/01/2020 09:00

Là mặt hàng chịu sự quản lý nghiêm ngặt của cơ quan quản lý nhà nước nhưng các loại máy gây nhiễu, phá sóng vẫn được bán tràn lan qua kênh online, bất chấp quy định cấm của pháp luật.

Cuối tháng 11/2019, anh Lê Trần Hoàng Phi (Quận 2, TP.HCM) lên mạng kêu cứu vì mất chiếc xe ô tô Fortuner cho thuê, các đối tượng trộm cắp đã dùng thiết bị phá sóng để cắt tín hiệu định vị GPS.

Theo anh Phi, trước đó, anh cho một người tên Ngọc thuê xe trong thời hạn 2 ngày, bảo đảm bằng chứng minh nhân dân. Tuy nhiên, tới sáng hôm sau, hệ thống định vị trên xe bỗng ngừng hoạt động. Anh tá hỏa đi khai báo và soi chiếu giấy tờ tùy thân thì phát hiện có dấu hiệu bị làm giả.

Anh Phi cho biết: Gia đình anh có 28 chiếc xe cho thuê, mỗi xe đều gắn thiết bị định vị đầy đủ. Tuy nhiên, với trường hợp nêu trên, khi kiểm tra thì xe đã bị mất định vị ngay khi ra khỏi bãi xe. Đồng nghĩa với việc nếu đối tượng thay đổi biển số thì tìm ra xe là điều không thể.

Đồng cảm với anh Phi, nhiều người phản hồi những ý kiến cảnh báo về thực trạng bộ phát tín hiệu GPS giờ đây đã không còn là “bùa hộ mệnh” cho các phương tiện nữa. Khi các đối tượng lấy được xe thì ngay lập tức cắt sóng định vị thay vì phải dò tìm và tháo định vị như trước đây, làm cho việc xác định thông tin và tìm kiếm xe hết sức khó khăn.

thiet bi gay nhieu, pha song duoc ban cong khai hinh anh 1
Thiết bị phá sóng chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, được nhập lậu vào Việt Nam.

Theo tìm hiểu của PV, thiết bị phá sóng định vị (GPS) và thiết bị phá sóng điện thoại di động, hay gọi chung là thiết bị gây nhiễu hiện đang được mua bán tràn lan ngoài thị trường và ai cũng có thể có.

Theo luật, mặt hàng này phải có giấy phép nhập khẩu của cơ quan quản lý chuyên ngành và chỉ có Bộ Quốc phòng cùng Bộ Công an mới được phép sử dụng đúng mục đích, nên đa số mặt hàng có trên thị trường Việt Nam là hàng nhập lậu.

Hầu hết thiết bị phá sóng được rao bán trên mạng đều có nguồn gốc Trung Quốc, nhập lậu về Việt Nam qua đường tiểu ngạch. Thiết bị phá sóng được xem là loại thiết bị làm nguy hại, cản trở hoạt động của các nghiệp vụ vô tuyến điện đang được phép khai thác.

Nhiều người tìm mua thiết bị này không ý thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, và có ảnh hưởng lớn đến vấn đề an ninh, bảo mật.

Do đây là mặt hàng chịu sự quản lý nghiêm ngặt của cơ quan quản lý nhà nước nên thường được bán qua kênh online, khách nhận hàng qua dịch vụ chuyển phát nhanh.

Đáng chú ý, trên các trang thương mại điện tử lớn như Lazada, Shopee, Tiki… cũng có thời gian dài đăng bán tràn lan những thiết bị này. Chỉ đến cuối năm 2019, khi báo chí phản ánh và các cơ quan quản lý “tuýt còi” thì thông tin về những sản phẩm này mới được gỡ bỏ.

Tuy vậy, không phải vì thế mà các thiết bị gây nhiễu, phá sóng hết đất sống. Ngược lại, chúng còn được mua bán một cách công khai và sôi động hơn vào dịp cuối năm. Bằng chứng là chỉ cần gõ từ khoá trên google hoặc qua mạng xã hội facebook thì thông tin của các sản phẩm này lại hiện lên nhan nhản.

thiet bi gay nhieu, pha song duoc ban cong khai hinh anh 2
Dễ dàng đặt mua máy phá sóng trên các website và trang mạng xã hội.

 

Khi PV thử liên hệ với một người bán các thiết bị phá sóng trên FB…, người bán cho biết đang ở Q.5, TP.HCM, các mẫu máy này là hàng cấm nên chỉ chấp nhận giao hàng qua chuyển phát nhanh.

Người này cũng cho biết, có nhiều loại máy phá sóng và nhiều mức giá để lựa chọn. Loại máy phá sóng 2-3 râu có giá trên dưới 2 triệu đồng, loại 6-8 râu thì có giá 7-9 triệu đồng, loại “khủng” 16 râu có giá lên tới 35 triệu đồng. Nếu muốn mua thì báo mẫu máy cần mua theo thông tin trên fanpage, sau đó chuyển tiền mua hàng vào tài khoản ngân hàng, sẽ có người giao hàng tận nơi trong vòng 48h.

Trước tình trạng mua bán trái phép các thiết bị gây nhiễu, phá sóng ngày càng phức tạp, mới đây UBND TP.HCM đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện công tác kiểm tra, phòng ngừa, xử lý các đối tượng kinh doanh, sử dụng các thiết bị phá sóng không đủ điều kiện.

TP.HCM kêu gọi người dân tố cáo, không tiếp tay cho các đối tượng mua bán máy phá sóng hoặc các thiết bị tương tự; báo cáo kết quả thực hiện công tác quản lý, kiểm tra, xử lý liên quan đến hoạt động mua bán máy phá sóng trên địa bàn.

Đồng thời, giao Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường tiếp tục kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh các sản phẩm máy phá sóng; xử lý các hành vi chứa trữ, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, đặc biệt là các thiết bị máy phá sóng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; xử lý đối với các website thương mại điện tử vi phạm.

Riêng Cục Hải quan TP có nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; kiểm soát chặt chẽ nhóm các mặt hàng cấm nhập khẩu, hàng nhập khẩu có điều kiện, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Ngoài ra, TP yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với cơ quan công an, quân sự tổ chức kiểm tra, xử lý các hành vi sử dụng thiết bị gây nhiễu trái quy định.

Quỳnh Nguyễn/DV

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều