Thiết bị chống COVID-19 ở Thái Bình: Giấy tờ máy Nhật nhưng nhận máy Trung Quốc
UBND tỉnh Thái Bình vừa có kết luận Thanh tra chỉ ra việc có nhiều thiếu sót, sai phạm khi các đơn vị được giao mua sắm trang thiết bị, hóa chất, vật tư phòng chống COVID-19 tại tỉnh này.
Cụ thể, kết luận thanh tra số 157 chỉ ra nhiều tồn tại và vi phạm trong việc thực hiện các gói thầu mua trang thiết bị y tế, hóa chất, vật tư tiêu hao trong phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra thì các gói thầu do Sở Y tế làm chủ đầu tư chưa được thanh toán.
Mua máy Nhật nhưng nhận máy Trung Quốc
Kết luận thanh tra chỉ ra việc lắp đặt và bàn giao trang thiết bị y tế có vi phạm khi biên bản lắp đặt, vận hành chạy thử tại một số đơn vị không có ký xác nhận của đại diện đơn vị được thuê làm tư vấn giám sát; chưa có đầy đủ giấy ủy quyền bán hàng, CO, CQ bản dịch sang tiếng Việt kèm theo của một số máy móc, thiết bị.
Kiểm tra tờ khai hải quan trang thiết bị nhập khẩu là bản photo đóng dấu của doanh nghiệp nhập khẩu, không thể hiện một số thông tin trên tờ khai như giá trị hàng hóa nhập khẩu nguyên tệ (USD, JYP…), tỉ giá ngoại tệ, giá trị tính thuế VND, thuế nhập khẩu, thuế GTGT…
Một số chứng từ kèm theo tờ khai hải quan có dấu hiệu bị tẩy xóa giá trị như các loại hóa đơn thương mại không có giá trị tính trên đơn vị và tổng giá trị.
Đặc biệt, tại gói mua sắm trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Nhi do Sở Y tế làm chủ đầu tư thì hợp đồng với nhà thầu, biên bản nghiệm thu, bàn giao, tiếp nhận tài sản ngày 17-4, giữa Sở Y tế với Công ty TNHH thiết bị khoa học kỹ thuật và công nghệ Việt Nam, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Công ty TNHH tư vấn xây dựng 3Dmax, mặt hàng máy điện tim 3 kênh Model ECG-2150, hãng sản xuất Nihon Kohden, xuất xứ Nhật Bản nhưng kiểm tra thực tế máy đã nhận bàn giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh lại là máy có xuất xứ Trung Quốc.
Đơn vị bàn giao một số trang thiết bị y tế cũng không phải là nhà thầu trúng thầu (Công ty TNHH thiết bị khoa học kỹ thuật và công nghệ Việt Nam).
Theo UBND tỉnh Thái Bình, công tác lập, phê duyệt danh mục trang thiết bị y tế, hóa chất, vật tư tiêu hao để phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với quyết định hướng dẫn của Bộ Y tế nhưng với Cấp độ 1 trong kịch bản của Sở Y tế về thu dung, điều trị người nhiễm và nghi nhiễm COVID-19 thì tính riêng tại Bệnh viện Nhi (với 20 giường bệnh) đã vượt định mức 4 máy thở trẻ em kèm máy nén khí.
Việc thực hiện chế độ báo cáo, đề xuất với cấp ủy, chính quyền về chủ trương đầu tư mua trang thiết bị, vật tư y tế để phòng, chống COVID-19 chưa kịp thời và chưa đúng quy trình.
Theo đó, ngày 31-1-2020, Sở Y tế có tờ trình số 15 về việc cấp kinh phí mua hóa chất, vật tư và trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19. Sau khi thẩm định, ngày 3-2-2020, Sở Tài chính có tờ trình số 61 gửi UBND tỉnh và ngày 5-2, UBND tỉnh ban hành quyết định về việc tạm ứng kinh phí cho Sở Y tế. Nhưng đến ngày 25-2-2020, Sở Y tế mới có tờ trình số 47 đề nghị và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh mới có tờ trình số 02 trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương về bố trí kinh phí thực hiện.
Thẩm định viên vi phạm quy trình thẩm định
Đối với giá các trang thiết bị do Sở Y tế Thái Bình thực hiện mua sắm để trang bị cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Nhi tỉnh Thái Bình là 19,41 tỉ đồng; đơn vị thẩm định là Công ty Cổ phần Thẩm định giá BTCvalue, Chứng thư thẩm định giá số 8620190/CT-BTCvalue ngày 10-3-2020.
Giá các trang thiết bị do Sở Y tế Thái Bình thực hiện mua sắm để trang bị cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (máy xét nghiệm Realtime PCR) là 7,3 tỉ đồng; đơn vị thẩm định là Công ty Cổ phần Thẩm định và Đầu tư tài chính Bưu điện, Chứng thư thẩm định giá số 20P01TĐ0170 ngày 10-3-2020.
Giá các trang thiết bị do Sở Y tế Thái Bình thực hiện mua sắm để trang bị cho 11 Bệnh viện Đa khoa tuyến huyện là hơn 20,8 tỉ đồng, đơn vị thẩm định là Công ty Cổ phần Thẩm định và Đầu tư tài chính Bưu điện, Chứng thư thẩm định số 20P01TĐ0171 ngày 10-3-2020.
Ngày 25-3-2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình có văn bản số 105 về việc thẩm định giá tài sản gửi các doanh nghiệp được lựa chọn, chỉ định làm tư vấn thẩm định giá và triển khai thực hiện ký kết hợp đồng cung cấp thẩm định giá với các doanh nghiệp thẩm định giá được chỉ định.
Các doanh nghiệp thẩm định giá tổ chức thẩm định giá, kết quả theo chứng thư thẩm định giá của các doanh nghiệp như sau: giá thuốc, hoá chất, sinh phẩm và trang thiết bị phòng dịch do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình thực hiện mua sắm là gần 6,4 tỉ đồng; đơn vị thẩm định là Công ty Cổ phần Thẩm định giá BTCvalue, Chứng thư thẩm định giá số 8620077 ngày 11-3-2020.
Qua kiểm tra cho thấy, việc chỉ định đơn vị thẩm định giá của Sở Y tế Thái Bình và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình bảo đảm đúng quy định của pháp luật về đấu thầu. Các công ty được chỉ định thẩm định giá và thẩm định viên đều thuộc danh sách đủ điều kiện hành nghề thẩm định giá tài sản năm 2020 theo Thông báo số 1240 của Bộ Tài chính. Trong quá trình thẩm định giá, các thẩm định viên đều sử dụng duy nhất 1 phương pháp thẩm định giá (phương pháp so sánh 3 báo giá).
Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định giá thì các thẩm định viên đã vi phạm tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.
Cụ thể, các thẩm định viên không tuân thủ quy trình thẩm định giá. Kiểm tra các hồ sơ thẩm định giá đều không có biên bản khảo sát thực tế, không có tài liệu thể hiện kết quả thu thập thông tin và phân tích thông tin các giao dịch chào bán với điều kiện tại thời điểm thẩm định giá của thẩm định viên.
Các thẩm định viên cũng không tuân thủ phương pháp thẩm định giá theo quy định. Kiểm tra thực tế, các thẩm định viên chỉ lấy mức giá thấp nhất trong 3 báo giá, không thu thập các thông tin giá thị trường để so sánh, có sự điều chỉnh.
Theo kết luận thanh tra, báo giá trong hồ sơ thẩm định giá của Công ty cổ phần thẩm định giá BTCvalue đối với trang thiết bị y tế trang bị cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình và Bệnh viện Nhi có thông tin không có thực: Trong cả 3 báo giá đều nêu mặt hàng “Máy điện tim 3 kênh Model ECG-2150, hãng sản xuất Nihon Kohden, xuất xứ Nhật Bản”, nhưng hãng sản xuất này có văn bản khẳng định không có máy điện tim 3 kênh Model ECG-2150 xuất xứ Nhật Bản.
Trong 3 báo giá có thông tin không đúng nêu trên, có báo giá của Công ty TNHH Thiết bị khoa học kỹ thuật và Công nghệ Việt Nam là nhà thầu trúng gói thầu này.
Chứng thư thẩm định giá và các tài liệu kèm theo của Công ty Cổ phần Thẩm định giá AVALUE trong hồ sơ cung cấp cho đoàn thanh tra và trong hồ sơ lưu tại Sở Tài chính không trùng khớp.
Hồ sơ thẩm định giá cung cấp cho đoàn thanh tra có thông tin về giá làm căn cứ thẩm định và được lấy trên mạng internet không có thời điểm thu thập thông tin, không có xác nhận nhà cung cấp. Còn hồ sơ cung cấp cho Sở Tài chính là các báo giá cụ thể của các nhà cung cấp.
“Việc thẩm định giá của Hội đồng thẩm định giá tài sản cấp tỉnh không tuân thủ trình tự thẩm định giá tài sản, không bảo đảm nguyên tắc chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá”, kết luận thanh tra nêu.
Bên cạnh đó, hội đồng thẩm định giá cấp tỉnh đã không phát hiện xử lý kịp thời mà tiếp tục sử dụng các báo giá không đầy đủ thông tin, thông tin không trung thực làm cơ sở cho thông báo kết quả thẩm định giá. Không có tài liệu thể hiện việc khảo sát thị trường, không thu thập thêm được thông tin làm căn cứ thẩm định giá; giá trị thẩm định tài sản đều bằng giá trị các chứng thư thẩm định giá của các doanh nghiệp thẩm định giá.
Trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, thông tin về giá của một số tài sản có cùng thông tin với tài sản thẩm định (nhà sản xuất, chủng loại, nhãn hiệu, năm sản xuất…) giao dịch diễn ra tại thời điểm đáp ứng tiêu chuẩn thẩm định giá có giá thấp hơn giá thẩm định của Hội đồng thẩm định giá tài sản cấp tỉnh Thái Bình.
TIẾN THẮNG – THÂN HOÀNG/TT