+
Aa
-
like
comment

Thiên nhiên đã không cho các anh dùng trực thăng cứu hộ

Minh Khuê - 19/10/2020 14:39

Những ngày vừa qua, cả nước nhuốm màu tang tóc khi miền Trung gồng mình chống lũ. Tại Thừa Thiên – Huế, công trình thủy điện Rào Trăng 3 xảy ra vụ sạt lở khiến hàng chục công nhân mất tích. Đau đớn hơn, đoàn khảo sát trên đường đi cứu hộ cũng gặp nạn, 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Bên cạnh sự tiếc thương cho những người đã mãi mãi nằm xuống là lời cay nghiệt, trách móc đối với sự xả thân của những người lính vì người dân mà không ngại dấn thân vào chốn hiểm nguy.

Hiện trường sạt lở tại nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3.

Sự ra đi của những chiến sĩ, của các cán bộ vẫn đang để lại bao nỗi xót thương, không chỉ từ gia đình, nhân thân của các liệt sỹ, mà của người dân cả nước. Có lẽ, chính từ sự xót xa đó, có không ít người tự hỏi, tại sao các anh phải dấn thân vào nơi hiểm trở như vậy, mà không vận dụng các biện pháp khác như điều động trực thăng cứu hộ, phương tiện thường được xuất hiện trên truyền thông, báo chí… Quả thật, trực thăng là một trong những phương tiện cứu hộ đa năng và hữu dụng, có thể vượt qua nhiều rào cản về địa lý, cũng như giảm thiểu rủi ro trong công tác cứu hộ, cứu nạn. Tuy nhiên, dường như sự hiện diện của nó trên truyền thông, đặc biệt là trong phim ảnh, lại tạo nên ảo tưởng về sức mạnh phi thường không quân trực thăng, mà quên đi những yêu cầu rất nghiêm ngặt, phức tạp trong việc sử dụng, và huy động loại phương tiện này.

Cổ thụ bật gốc trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên.

Như chúng ta đã biết, lúc 0h ngày 12/10, cả nửa quả núi sạt lở, vùi lấp toàn bộ căn nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền), khiến nhiều công nhân mất tích. Mưa lũ dồn dập do Bão số 5, đường bộ cũng bị sạt lở, việc tiếp cận hiện trường khi đó cực kỳ khó khăn. Thời điểm lại vào lúc nửa đêm trong mưa bão, tầm nhìn gần như bằng 0, sức gió lại mạnh nhất lên đến cấp 6, giật mạnh đến cấp 8, quật đổ hàng chục cây cổ thụ tại thành phố Huế. Trong khi đó, trực thăng vốn có cơ chế vận hành cực kỳ phức tạp và khó giữ cân bằng, việc lái phương tiện này vì thế cũng rất căng thẳng, phi công luôn phải kiểm soát thăng bằng, không khác gì việc “làm xiếc” trên một quả bóng giữa không trung. Không chỉ có vậy, trực thăng còn có những đòi hỏi phức tạp về điều kiện môi trường và thời tiết, đặc biệt là gió. Với sức gió mạnh cấp 6 như đêm đó, tiêm kích quân sự thậm chí còn không thể cất cánh nổi, chứ đừng nói là máy bay trực thăng cứu hộ. Nói không ngoa, điều trực thăng cất cánh trong hoàn cảnh như thế thì chẳng khác nào đẩy các chiến sĩ phi công vào chỗ chết…

Điều kiện thời tiết khắc nghiệt không cho phép trực thăng cứu hộ cất cánh.

Hơn ai hết, Sở chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn là những người hiểu rõ việc triển khai trực thăng là điều hoàn toàn bất khả thi, không những không đáp ứng được nhiệm vụ cấp bách là khảo sát địa hình, mà còn đe dọa nghiêm trọng tính mạng cho các phi công. Cho nên, ngay khi phương án dùng máy bay khảo sát đã được xác định không khả thi, quyết định tiến vào rừng của đoàn khảo sát do tướng Man dẫn đầu có thể nói là lựa chọn duy nhất, hợp lý nhất trong hoàn cảnh đó.

Những hình ảnh cuối cùng của tướng Man.

Tất nhiên, khi đã quyết định đưa đoàn 20 người xông pha vào vùng rừng núi hiểm trở, Sở chỉ huy tiền phương không thể nào không cân nhắc đến yếu tố con người. Những chiến sĩ được điều động đều là những người thông thạo địa bàn, hiểu rõ địa hình và môi trường rừng núi nơi họ đóng quân, đồng thời có kinh nghiệm nhiều năm trong công tác cứu hộ, cứu nạn. Ngay cả hai cán bộ không ngại gian khó tham gia đoàn khảo sát cũng là những người có thâm niên công tác 20 năm tại địa phương, thông thạo đường rừng núi. Bản thân thướng Man, người chỉ huy đoàn khảo sát, cũng là quân nhân đầy kinh nghiệm và bản lĩnh. Và nhân tố quan trọng hết, giúp cho 21 con người có thể dám xả thân đi vào chốn “cửa tử” như thế, chỉ có thể là trái tim anh dũng, một tinh thần quả cảm. Nếu không vì những người công nhân đang mắc kẹt tại thủy điện Rào Trăng 3, không vì một tấm lòng quên mình phục vụ, có lẽ những con người đó đã không thể bước vào hành trình gian khó và hiểm nguy như vậy. Điều họ dám làm, đã làm, xin khẳng định một cách chắc chắn rằng không phải ai cũng có đủ can đảm và dũng khí mà bước đi như thế. Đau đớn thay, sức mạnh vô tận của thiên niên đã lấy đi sinh mạng của 13 con người quả cảm ấy, để lại nhiệm vụ cao cả vẫn còn dang dở…

Nước mắt của người ở lại…

Xét cho cùng, những nỗi mất mát đau đớn như thế là điều không ai mong muốn. Nhưng điều quan trọng nhất ở đây là ý nghĩa của sự ra đi ấy. 13 con người đã ngã xuống khi đang cứu người, khi đang mạo hiểm tính mạng của mình vì một mong muốn duy nhất, đó là cứu sống những con người đang gặp hoạn nạn tại Rào Trăng 3. Có thể nói đó là sự hy sinh lớn lao nhất của một con người trước nghịch cảnh, trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Thế nên, điều chúng ta có thể làm cho các anh, không phải là những lời trách móc, không phải là những lời phán xét, bàn luận về một phương tiện cứu hộ. Những gì chúng ta có thể làm, đó là lời cảm ơn cho sự hy sinh của các anh, là lời tri ân cho tấm lòng quả cảm và trái tim nhân hậu mà các anh đã dành cho đồng bào của mình. Hãy trân trọng những người đã khuất và sự hy sinh của họ, để những gì đọng lại trong trái tim là lòng biết ơn chân thành nhất, là tình yêu bất tận đối với con người, như cách mà các anh đã làm.

Hãy trân trọng người đã khuất, để đọng lại trong tim là lòng biết ơn chân thành và tình yêu bao la với con người.

MINH KHUÊ

Bài mới
Đọc nhiều