+
Aa
-
like
comment

Phát huy tiềm năng thức đẩy phục hồi kinh tế hậu Covid-19 từ thì trường trái phiếu

Diệu Hương - 22/02/2022 16:04

Với việc gia tăng nhanh chóng giá trị phát hành, đã cho thấy trái phiếu doanh nghiệp đang ngày càng thể hiện được vai trò của mình khi trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn cho nhiều loại hình doanh nghiệp. Góp phần giảm bớt áp lực huy động, cung ứng vốn của các ngân hàng thương mại theo chủ trương phát triển thị trường vốn cân bằng hơn với thị trường tín dụng ngân hàng. Năm 2022, trái phiếu doanh nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục có bước phát triển với sự mở rộng cả về quy mô lẫn tính đa dạng của sản phẩm. Tuy nhiên đi kèm với đó là những rủi ro mà nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng.

Điểm nhấn thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021

Năm 2021, bất chấp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, với việc triển khai các quy định mới về phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh. Theo báo cáo của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam, trong năm 2021, có tổng cộng 964 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước. Trong đó, có 937 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 570 nghìn tỷ đồng (chiếm 95.8% tổng giá trị phát hành), 23 đợt phát hành ra công chúng giá trị 26.340 tỷ (chiếm 4.6% tổng giá trị phát hành) và 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế tổng giá trị 1,425 tỷ USD. Nhóm ngân hàng thương mại là nhóm dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng khối lượng phát hành 223.010 tỷ đồng, có 55.300 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 (chiếm 25%), 73% trái phiếu phát hành kỳ hạn ngắn 2 – 4 năm. Nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ 2 với tổng giá trị phát hành đạt 214.440 tỷ đồng, chiếm 36%. Trong đó, có khoảng 29% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.

Tiềm năng của kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Với những điểm nhấn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 nêu trên, có thể nói thị trường trái phiếu doanh nghiệp nước ta đang có tốc độ phát triển khá nhanh và liên tục trong 5 năm qua. Năm 2017, phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới đạt hơn 100.000 tỷ đồng, đến năm 2021 đã là hơn 600.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trái phiếu doanh nghiệp là thị trường mới ở nước ta nên quy mô thị trường mới ở mức khoảng 15 % GDP, tức là còn nhiều tiềm năng, cơ hội cho sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN, ngày 02/04/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, ngày 13/03/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, siết chặt tín dụng đối với một số ngành nghề có rủi ro cao… thì phát hành trái phiếu chính là giải pháp hữu hiệu để các doanh nghiệp này thỏa mãn nhu cầu về vốn.

Bên cạnh đó, nhu cầu vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành, như: bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng là rất lớn. Nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang quay lại bùng phát lần thứ tư ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền trong ngắn hạn của doanh nghiệp, trong khi các dự án của họ chủ yếu là trung và dài hạn. Điều này dẫn đến một tất yếu khách quan là các doanh nghiệp sẽ phải sử dụng kênh trái phiếu doanh nghiệp, để có thể huy động được vốn cho mục tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, khung pháp lý mới về cơ bản đã hoàn chỉnh, tăng cường tính công khai, minh bạch trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, giảm thiểu các rủi ro của thị trường. Cụ thể, thống nhất quản lý hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của các loại hình doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế và thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam; tăng cường tính công khai, minh bạch, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư thông qua các quy định để quản lý tách biệt giữa phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng; thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp gồm cả 2 cấu phần phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng. Trên cơ sở quy định tại Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Đây là cơ sở pháp lý cần thiết, giúp giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư tham gia thị trường, từ đó hướng thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam phát triển đúng hướng và bền vững hơn.

Mặt khác, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế điêu đứng, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, lãi suất tiền gửi rơi về mức thấp. Đầu tư chứng khoán và bất động sản đối diện nhiều rủi ro thì trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành kênh đầu tư hấp dẫn thu hút nhiều nhà đầu tư vì mặt bằng lãi suất huy động trái phiếu doanh nghiệp cao hơn khá nhiều lãi suất tiền gửi ngân hàng. Động lực cho trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh sinh lời “vẫy gọi” nhiều nhà đầu tư cá nhân chính là khoảng cách lãi suất ngày càng bỏ xa so với tiền gửi ngân hàng. Bên cạnh lãi suất cao, hành lang pháp lý cho trái phiếu doanh nghiệp ngày càng thông thoáng hơn, vừa minh bạch thông tin, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân, mang lại cơ hội sinh lời hấp dẫn, vừa trở thành cứu cánh cho doanh nghiệp trong bối cảnh áp lực tín dụng đè trĩu vai hệ thống ngân hàng. Vì thế, đã có nhiều nhà đầu tư đổ tiền đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

Vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư

Nhìn chung, mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam phát triển nhanh, song vẫn còn tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư. Cụ thể: Thị trường phát triển mạnh nhưng chưa có sự lan tỏa đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, khi các chủ thể phát hành chủ yếu là các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bất động sản. Năm 2021, lượng trái phiếu do các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tiêu dùng đã có sự gia tăng đột biến, đạt mức hơn 7.284 tỷ đồng, chỉ đứng sau mức phát hành của nhóm bất động sản. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa đủ cơ sở để có thể khẳng định được rằng đây là sự thay đổi mang tính dài hạn.

Cùng với đó là việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua chủ yếu được thực hiện bằng phương thức phát hành riêng lẻ. Nhìn vào điểm nhấn thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 cho thấy, trong gần 1000 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhưng chỉ có hơn 20 đợt là phát hành rộng rãi ra công chúng, còn lại là phát hành riêng lẻ. Mà để mua trái phiếu phát hành riêng lẻ thì nhà đầu tư phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo những tiêu chí đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra. Nhưng trước sự hấp dẫn của lãi suất, nhiều nhà đầu tư cá nhân đã tìm cách lách luật để đủ chuẩn chuyên nghiệp một cách rất hình thức để được tham gia đầu tư. Điều này hàm ý rằng, các rủi ro của việc phát hành trái phiếu đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân vẫn còn cao.

Bên cạnh đó, sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp có phần chưa thực chất. Bởi qua giám sát thị trường, các chuyên gia kinh tế nhận thấy nhiều trường hợp doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu hạn chế nhưng lại phát hành một khối lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ nhưng vẫn phát hành và huy động được khối lượng lớn trái phiếu. Lại có những doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng không gắn việc sử dụng vốn với mục đích phát hành trái phiếu ban đầu, có hiện tượng lưu chuyển vốn lòng vòng giữa các tổ chức phát hành và các tổ chức thực chất sử dụng vốn. Ngoài ra, liên quan đến chất lượng các tổ chức cung cấp dịch vụ, trong đó, các công ty chứng khoán trực tiếp cung ứng dịch vụ tư vấn về hồ sơ phát hành trái phiếu doanh nghiệp có thiên hướng xây dựng hồ sơ có lợi hơn cho doanh nghiệp.

Một rủi ro nữa mà các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo đó là hệ trái phiếu doanh nghiệpthống công nghệ thông tin cho toàn thị trường chứng khoán nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng còn những hạn chế nhất định. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của việc huy động vốn bằng trái phiếu của các doanh nghiệp và cho các nhà đầu tư.

Làm gì để tránh rủi ro?

Theo dự báo, năm 2022, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế và mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sau những ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhu cầu vốn sẽ tiếp tục tăng. Do vậy để tránh rủi ro khi đầu tư qua thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cần:

– Về phía cơ quan quản lý nhà nước:

Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, chính sách quản lý, điều hành thị trường tài chính nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng. Bên cạnh đó, cần có cơ chế để đẩy mạnh sự phát triển các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong nước. Đây là biện pháp cơ bản để nâng cao tính minh bạch về công bố thông tin của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư có thêm thông tin chính xác để đưa ra quyết định đầu tư, cũng như góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước phát triển tiệm cận với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn từ phát hành trái phiếu thông qua việc chuẩn hóa quy trình cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng; đồng thời, ngăn chặn những rủi ro tiềm ẩn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng an toàn, bền vững.

Gia tăng giám sát, minh bạch, tăng cường giáo dục tài chính, cũng như truyền thông, thông tin về thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng là các giải pháp cần phải triển khai mạnh mẽ hơn để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh và bền vững hơn.

Sớm thành lập thị trường mua – bán nợ chuyên nghiệp (giao dịch cả nợ bình thường cũng như nợ xấu), để vừa tăng thanh khoản, vòng quay đồng vốn, vừa giúp các bên cho vay, quỹ đầu tư có điều kiện phân tán, chia sẻ rủi ro và cũng là tăng hàng hóa cho thị trường.

– Về phía nhà đầu tư: Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã quy định rõ chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Vì vậy, trước khi cân nhắc mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhà đầu tư cần nghiên cứu các quy định về điều kiện, tài liệu chứng minh và các quy định về xử phạt vi phạm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Cùng với đó là cần nắm bắt được đặc điểm của trái phiếu, quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu trái phiếu, các cam kết đối với trái phiếu, nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành, nghĩa vụ của tổ chức phân phối đối với trái phiếu. Ngoài ra, sau khi mua trái phiếu, nhà đầu tư cần thường xuyên cập nhật về tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành và việc sử dụng vốn huy động từ trái phiếu có phù hợp với mục đích phát hành trái phiếu hay không.

Không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Bởi hiện tại, nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, đây không phải là thời điểm nhà đầu tư kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, cần cẩn trọng và chọn lọc trước khi ra quyết định đầu tư. Lợi nhuận cao – rủi ro lớn luôn tồn tại như một quy luật khách quan và miếng pho-mát miễn phí chỉ có trong cái bẫy chuột.

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều